Nơi giữ xe, quán ăn, khu dịch vụ giải trí… thỏa sức “móc túi” khách dịp tết

Vào thời điểm trước, trong và sau tết, khi nhu cầu giải trí tăng cao thì các địa điểm gần trung tâm thành phố, các nhà hàng, quán nhậu hay dịch vụ giữ xe… đều tăng giá “chóng mặt” để kiếm tiền dịp tết. Giá các dịch vụ trên vào thời điểm này đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với ngày thường.

Giá giữ xe tại trung tâm thành phố tăng "chóng mặt" vào những ngày tết (Ảnh: PD)

Có thể bạn quan tâm

Trong đêm giao thừa, khi hàng nghìn người dồn dập đổ về trung tâm các thành phố để chờ đợi xem pháo hoa và chờ đón thời khắc giao mùa thì đối với nhiều người, đây là cơ hội để kiếm tiền. Nắm bắt được tâm lý của người dân đi du xuân nên các tiểu thương thời vụ đua nhau phát giá.

Được biết, trong đêm giao thừa, tại TP.HCM, giá gửi một chiếc xe máy thấp nhất cũng là 30.000 đồng, một số nơi thậm chí còn lấy 50.000 đồng/chiếc.

Nhiều khu vực có vị trí đẹp, gần nơi bắn pháo hoa thì giá gửi xe máy thậm chí lên tới 50.000 – 70.000 đồng/xe. Còn với xe ô tô , tìm được chỗ gửi xe là tốt lắm rồi, thế nên dù giá giữ xe đắt mấy cũng đành chấp nhận.

Sau một hồi đi lòng vòng tìm chỗ, hai bạn trẻ Phong và Nga (ngụ quận Tân Bình) cho biết đã tìm được chỗ gửi xe cách chỗ bắn pháo hoa khá xa. Dù gửi xe xa thế nhưng giá mỗi chiếc lên đến 40.000 đồng. “Đã chen chân đi coi pháo bông thì phải chấp nhận gửi xe với giá cao. Mặc dù tôi xem pháo hoa ở đường Hàm Nghi nhưng phải gửi xe ở khu vực chợ Bến Thành sau đó đi bộ vào. Biết là xa, là đắt nhưng đầu năm mới nên tôi cũng chẳng tính toán gì, miễn sao có chỗ gửi là được”, anh Phong nói.

Cũng theo anh Phong, trước giao thừa, khi đi chơi ở đường hoa Nguyễn Huệ, anh cũng phải gửi xe xa nhưng giá vẫn cao tương tự.

Ngoài việc giữ xe, trong đêm giao thừa, để có được những vị trí đắc địa để xem pháo hoa , người xem phải bỏ ra từ 300.000 đồng đến 2 triệu/chỗ.

Cụ thể, các nhà hàng, quán cà phê gần tòa nhà Bitexco (quận 1) đã được nhiều khách hàng đặt mua chỗ. Vị trí càng cao thì giá tiền càng đắt. Đơn cử, tại đài quan sát Saigon Skydeck, với độ cao 180m trên tầng 49 tòa nhà Bitexco Financial Tower TP.HCM, mỗi vé người lớn để xem bắn pháo hoa có giá 400.000 đồng. Trẻ em cao dưới 1,3m có giá thấp hơn 100.000 đồng/vé.

Không riêng gì đêm giao thừa, dịp tết, các dịch vụ ăn uống tại hàng, quán cũng kiếm bộn tiền khi nhiều bạn trẻ đổ xô ra đường chơi tết thường tụ tập ăn uống. Trước tết 2 ngày, giá dịch vụ ăn uống đã tăng chóng mặt. Tại khu vực công viên 23.9, ngày 28 tết, giá một ổ bánh mì lên tới 30.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ là 10.000 đồng/ổ. Một bắp ngô có giá lên đến 10.000 đồng, trong khi bình thường là 10.000 đồng/3 bắp. Hủ tiếu, bánh tráng trộn, đồ chiên giá cũng tăng cao.

Giá dịch vụ ăn uống ngày tết tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với ngày thường (Ảnh: PD)

Thông thường, giá đồ ăn vào thời điểm này sẽ tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi ngày thường. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều chấp nhận mức giá này, bởi dịp tết các dịch vụ tăng giá đã là chuyện không còn xa lạ gì.

Ngoài ra, trong những ngày tết, dịch vụ cho thuê chỗ giữ xe cũng kiếm được bộn tiền, bởi lẽ thời điểm này số lượng người cần thuê chỗ gửi xe trước khi về quê ăn Tết càng nhiều.

Tại Bến xe Miền Đông, chỉ một đoạn ngắn cổng sau chỗ đường Đinh Bộ Lĩnh, hàng chục tấm biển treo bảng “giữ xe thuê ngày tết trong nhà, trong hầm” được đặt san sát nhau. Được biết giá dịch vụ trông xe ngày tết dao động từ 15.000-25.000/xe/ngày. Đối với nhiều nơi đông xe như khu vực gần sân bay, giá giữ xe thậm chí còn bị tính theo giờ.

Không chỉ những điểm gần bến xe, mà những quán bi da, tiệm internet, quán nhậu, tiệm cơm, quán cà phê…cũng tranh thủ những ngày này để kiếm tiền dịp tết.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te/doi-cho/noi-giu-xe-quan-an-khu-dich-vu-giai-tri-thoa-suc-moc-tui-khach-dip-tet-287769.html