Nỗi buồn ý thức

Lời kêu gọi “Thả cá, đừng thả túi ni-lông” của Nhóm Tình nguyện Cá Chép ở Hà Nội trong ngày cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời (23 tháng chạp) là hành động rất đẹp.

Không kêu gọi suông, giữa trời giá rét, những bạn trẻ còn chia nhau đến các ao, hồ - nơi người dân thường thả cá chép - để nhắc nhở và thu gom túi, rác… rồi đưa đi phân loại, xử lý. Rất ý nghĩa và cảm động.

Trước hành động của Nhóm Tình nguyện Cá Chép, nhiều người vốn quen xả rác đã chùn tay. Nhờ vậy mà dịp cúng tiễn ông Công, ông Táo năm nay, lượng túi rác thu gom từ các ao, hồ ở Hà Nội giảm đáng kể so với mọi năm.

Vui trước nghĩa cử đáng quý nhưng cũng rất buồn khi suy ngược lại: Nếu không có tình nguyện viên tác động thì lượng túi rác xả xuống các ao, hồ sẽ khủng khiếp cỡ nào. Môi trường là không gian công cộng, là lợi ích chung; bảo vệ môi sinh là nghĩa vụ của từng cá nhân, sao phải có người nhắc nhở thì mới làm? Đó là chưa nói Hà Nội là thủ đô vốn có tiếng văn minh, lịch sự: “Chẳng thanh cũng thể hoa nhài/ Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An”, mà sao vậy!?

Thế mới thấy ý thức của cộng đồng nhìn chung còn rất kém. Mỗi người chỉ cần đừng xả rác thôi đã là quý, đằng này thì tiện đâu xả bẩn đấy, giống như người đi đường cứ nháo nhác nhìn quanh, hễ thấy vắng bóng CSGT là vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, lấn tuyến…

Ý thức kém là một căn bệnh khó trị và đã khá phổ biến trong xã hội. Tai nạn giao thông ở Việt Nam được xếp vào nhóm nhiều hàng đầu thế giới, chủ yếu do ý thức mà ra; sang nước ngoài quậy phá và trộm cắp, cũng bắt nguồn từ ý thức; ngay cả cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ làm việc cũng bởi ý thức kém, ví như ở Kon Tum - Văn phòng Tỉnh ủy vừa ra văn bản yêu cầu các đơn vị không được tổ chức uống các đồ uống có cồn trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa vào dịp Tết. Đó là việc hiển nhiên không được làm, sao phải dùng văn bản hành chính để yêu cầu? Có phải vì ý thức cán bộ công chức về bia rượu kém quá rồi, đến mức phải cần đến biện pháp mạnh hơn (mà chưa chắc chấn chỉnh được)? Đây cũng là trường hợp rất đáng buồn.

Trong một xã hội có tổ chức, những hành động tình nguyện không phải là nền tảng căn cơ để tạo nên ý thức xã hội. Không lấy gì bảo đảm rằng từ chuyến xuống đường của Nhóm Cá Chép năm nay, sang năm người dân thủ đô sẽ thôi thả túi ni-lông xuống các ao, hồ. Chẳng có gì đoán chắc rằng sau những cuộc vận động Giờ Trái Đất mấy năm qua của các nhóm bạn trẻ, tình trạng phung phí điện năng đã được cải thiện… Ý thức bắt nguồn từ trách nhiệm tự thân và năng lực xử lý hành vi của từng người cùng các tác động bên ngoài.

Quan điểm duy vật biện chứng đã đúc kết tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, đời sống tinh thần của xã hội hình thành và phát triển trên cơ sở đời sống vật chất. Một khi đời sống vật chất cơ bản còn nghèo nàn, lạc hậu thì khó mà mong có ý thức xã hội tiến bộ, văn minh.

An Quý

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/noi-buon-y-thuc-20160201223005833.htm