Ninh Thuận ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

ND- Hơn năm năm qua, tỉnh Ninh Thuận triển khai gần 50 đề tài, dự án chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả. Ninh Thuận đang tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, thay đổi tập quán canh tác, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đổi thay ở Ma Nới Vụ hè thu năm nay là vụ thứ hai một số hộ đồng bào ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) làm quen quy trình thâm canh cây lúa nước. Cuối tháng 7, trà lúa ở thôn Ú gần 50 ngày tuổi, sung sức, xanh tốt. Trên đồng, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thông tin, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Ninh Thuận đang hướng dẫn bà con bón phân đợt ba cho lúa. Anh Ka-tơr Vội cho biết: "Nhà mình có 1,6 sào ruộng thuộc dự án, vụ trước, thu được hơn bảy bao lúa (khoảng 60 kg/bao). Trước đây, chỉ được chừng ba, bốn bao thôi. Vụ này, lúa tốt hơn, chắc sẽ có nhiều bao hơn, mình thích lắm". Anh Gia - Lức Châu tiếp lời: "Vụ đông xuân vừa rồi, trời lạnh, có sương muối, nhiều ruộng lúa ở thôn Ú mình không có lúa ăn. Nhưng nhà mình có bốn sào làm theo dự án đã thu được 20 bao lúa". Rời cánh đồng thôn Ú, chúng tôi thăm nơi trồng thử nghiệm cây bắp lai trên khoảnh đất gò đồi ở phía đông đập Gia Rót. Đây là vụ bắp lai thứ hai được trồng theo quy trình thâm canh trong dự án ở Ma Nới. Thử nghiệm trồng trái vụ, không thuận mưa, phải bơm tưới. Dưới nắng hè gay gắt, cánh đồng bắp vẫn một mầu xanh ngắt, đã vươn cao ngang đầu, lác đác có cây trổ cờ. Anh Cà-mau Hà ở thôn Gia Rót, trồng hai sào trong số ba ha bắp lai thử nghiệm của thôn, cho biết: "Lúc đầu, chúng tôi không tin bắp sẽ trồng được trong mùa nắng này, nhưng giờ thì tin rồi. Vụ trước, trồng bắp lai theo dự án, chúng tôi thu hoạch được từ 4 đến 4,5 tạ/sào. Trước đây, cao nhất cũng chỉ được khoảng 2 đến 2,5 tạ/sào". Hướng dẫn, chuyển giao mô hình thâm canh cây lúa nước và cây bắp lai là hai nội dung trong dự án "Mô hình phát triển nông nghiệp toàn diện vùng gò đồi hoang hóa cho đồng bào dân tộc RagLai ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn" do Sở KH và CN Ninh Thuận triển khai từ tháng 9-2007. Đây là dự án nằm trong Chương trình "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi đến năm 2010" của Bộ KH và CN. Một trong những mục tiêu cụ thể của dự án là giúp đồng bào nắm bắt năm quy trình kỹ thuật: Vận hành, bảo quản hệ thống bơm và phục vụ bơm nước sản xuất; thâm canh cây lúa nước; thâm canh bắp lai; trồng điều ghép và trồng mì (sắn) cao sản xen canh cây họ đậu trên vùng đất dốc kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc có sừng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Có thể xem đây là một "cuộc cách mạng" về canh tác ở vùng Ma Nới vậy. Ma Nới là xã miền núi tây bắc tỉnh Ninh Thuận, giáp với tỉnh Lâm Đồng, có hơn 700 hộ đồng bào RagLai. Tập quán canh tác của đồng bào ở đây vốn rất lạc hậu. Toàn xã có 81 ha ruộng lúa hai vụ, nhưng lâu nay, bà con chỉ quen với hai công đoạn gieo và cắt, phó mặc cho trời. Dự án hỗ trợ kinh phí, cán bộ kỹ thuật "ba cùng" với đồng bào, cầm tay chỉ việc từ khâu làm đất, chọn giống, bón phân, chăm sóc đến thu hoạch. Sau một vụ sản xuất, bà con tiếp thu được khoảng 60% kiến thức mà cán bộ dự án trực tiếp hướng dẫn trên đồng ruộng. Kỹ sư Phan Lưu Quốc Hùng, cán bộ kỹ thuật của dự án, người trực tiếp hướng dẫn bà con canh tác khẳng định: Chừng hai, ba vụ nữa, các hộ tham gia dự án ở Ma Nới sẽ biết áp dụng thuần thục tất cả các quy trình thâm canh lúa nước, bắp lai. Thạc sĩ Hán Văn Chấn, Chủ nhiệm dự án, cho biết thêm: Thành công bước đầu nhưng rất quan trọng của dự án là đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đồng bào địa phương. Từ chỗ e dè, nay bà con rất "kết" dự án. Do vậy, từ 11 hộ tham gia trồng bắp lai theo dự án ở vụ đầu tiên, nay đã lên 36 hộ với diện tích hơn 30 ha. Với quy trình thâm canh cây lúa nước, đến nay, toàn xã đã nhân rộng hơn 20 ha, tăng gần ba lần so với diện tích thử nghiệm ban đầu. Trong quá trình triển khai dự án cũng đã tuyển chọn một số thanh niên có trình độ để đào tạo sâu hơn về kỹ thuật nhằm xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên tại chỗ làm nòng cốt trong việc nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến tại địa phương sau này. Nhiều cách làm hay Từ năm 2003 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai 49 đề tài, dự án liên quan lĩnh vực nông nghiệp, có 17 đề tài, dự án được nghiệm thu. Nhiều đề tài, dự án đã khẳng định là những mô hình sản xuất hiệu quả trong thực tế. Rõ nhất là việc sản xuất giống cây trồng và ứng dụng mô hình "ba giảm, ba tăng". Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Ninh Thuận, hiện toàn tỉnh đang sản xuất 800 ha lúa giống chủ yếu ở vụ đông xuân. Bình quân mỗi năm, Ninh Thuận đã tự sản xuất được khoảng 7.000 đến 8.000 tấn lúa giống xác nhận, phục vụ nhu cầu gieo cấy ở địa phương. Về mặt kinh tế, với năng suất bình quân khoảng sáu tấn/ha, trồng lúa giống cho thu nhập từ 32 đến 35 triệu đồng/ ha/vụ, cao hơn sản xuất thóc "thịt" từ 1,2 đến 1,3 lần. Cùng với Trung tâm sản xuất thực nghiệm Nha Hố, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Ninh Thuận trở thành nơi sản xuất lúa giống có thương hiệu, được nông dân tin tưởng. HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức (gọi tắt là HTX Hữu Đức) ở vùng đồng bào dân tộc Chăm thuộc xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước là một đơn vị như thế. Từ năm 1997 đến năm 2004, HTX Hữu Đức sản xuất ổn định 20 ha lúa giống, mỗi năm thu hoạch khoảng 200 tấn lúa, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu giống sản xuất của bà con. Từ năm 2005 đến nay, HTX mở rộng diện tích sản xuất giống lên gấp đôi, đạt sản lượng 400 đến 500 tấn lúa giống xác nhận/năm. Không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ, HTX còn cung ứng cho nhiều nơi khác gần 100 tấn giống/năm. Chủ nhiệm HTX Hữu Đức, Thuận Văn Tài, cho biết: Hiện tại, HTX liên kết với xã viên 20 ha và thuê thêm 20 ha của xã để chuyên sản xuất lúa giống. Cuối mỗi vụ, HTX mua của xã viên với giá cao hơn 300 đồng/kg so với giá lúa "thịt" cùng thời điểm. Bình quân mỗi năm, HTX có lợi nhuận từ sản xuất, kinh doanh lúa giống gần 100 triệu đồng. Cũng ở vùng trọng điểm sản xuất lúa Ninh Phước, đến nay, đã có 2.400 hộ nông dân thực hiện mô hình "ba giảm, ba tăng" với diện tích hơn 1.000 ha. Riêng vụ đông xuân vừa rồi, 230 hộ nông dân ở hai xã Phước Hữu, Phước Thuận đã đạt hiệu quả cao nhờ áp dụng mô hình này trên 80 ha lúa. Nhiều nông dân ở đây cho biết, qua thực tế sản xuất, bà con giảm đáng kể chi phí sản xuất nhờ giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng năng suất lúa lại tăng, chất lượng lúa tốt hơn, nhờ đó, có thu nhập khá hơn. Thực lãi trong vụ đông xuân 2008 - 2009 của các hộ sản xuất lúa theo mô hình "ba giảm, ba tăng" ở Ninh Phước, bình quân hơn 13 triệu đồng/ha, cao hơn năm triệu đồng/ha so với những chân ruộng không áp dụng mô hình này. Theo ghi nhận của Sở NN và PTNT Ninh Thuận, mô hình "ba giảm, ba tăng" kết hợp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL, LXL) lúa, năng suất bình quân đạt từ 65 đến 70 tạ/ha, tăng 10 đến 15%; thu nhập bình quân đạt từ 30 đến 32 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn từ 1,15 đến 1,2 lần so với tập quán canh tác cũ, đồng thời hạn chế được rầy nâu, bệnh VL, LXL và chất lượng lúa, gạo cũng hơn hẳn. Nhân rộng các mô hình hiệu quả Với những vùng như Ma Nới, thay đổi được tập quán canh tác của đồng bào theo hướng ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế sản xuất là giải pháp căn cơ nhất giúp bà con tự lực xóa nghèo, vươn lên khá giả. Do vậy, hiệu quả đích thực phải là sự duy trì, lan tỏa của các mô hình sản xuất tiên tiến tại địa phương và những vùng lân cận, sau khi dự án kết thúc. Hiệu quả bước đầu của dự án Ma Nới đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của số đông người dân địa phương. Chủ tịch UBND xã Ma Nới, Tà-yên Hoàng, kiến nghị: Trung ương, tỉnh nên tiếp tục đầu tư để nhiều người dân Ma Nới cùng được hưởng lợi từ dự án. Trước mắt, cấp ủy và chính quyền xã yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu áp dụng các mô hình của dự án vào sản xuất và tích cực vận động nhiều người cùng làm theo. Qua thực tế, các chương trình, mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở nông thôn phát triển, luôn luôn nhận được sự đồng thuận cao của bà con, sự nhập cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành trong tỉnh. Mong muốn chung của bà con nông dân Ninh Thuận là các chương trình, mô hình hiệu quả ấy được tiếp tục đầu tư, nhân rộng nhiều hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chương trình, mô hình còn đầu tư dàn trải, hiệu quả không cao, nông dân còn e dè, chưa tích cực nhân rộng. Riêng chương trình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, kinh phí đầu tư của trung ương và tỉnh còn quá ít so với yêu cầu. Sự liên kết giữa "bốn nhà", có nơi, có lúc còn lỏng lẻo... Khắc phục sớm những bất cập trên, hiệu quả của những chương trình, dự án, mô hình sản xuất tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn nơi vùng đất còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=153863&sub=56&top=38