Những vấn đề đặt ra trong quá trình tái cấu trúc Vinacomin

Sau hơn năm năm thực hiện theo mô hình tập đoàn kinh doanh, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã chuyển đổi tất cả các công ty con sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Các công ty sau khi sắp xếp lại đều hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc tập đoàn này trong tình hình hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề mới, cần các biện pháp mạnh mẽ để giúp Vinacomin tăng trưởng ổn định, bền vững.

Những "bài toán" khó

Thời gian qua, mô hình tăng trưởng của Vinacomin là đẩy mạnh xuất khẩu than chủ yếu dựa vào thế mạnh cạnh tranh về giá rẻ. Với gần 50% sản lượng than hằng năm được xuất khẩu nhưng việc đầu tư tái sản xuất mở rộng của ngành rất thấp. Qua hơn 16 năm phát triển (từ mô hình Tổng công ty 91 đến mô hình tập đoàn), Vinacomin đã nhiều lần tổ chức lại sản xuất ở các cấp độ, quy mô khác nhau, nhưng hiệu quả chưa thật sự rõ nét. Vì thế, việc tái cấu trúc tập đoàn hiện nay là đòi hỏi khách quan, nhưng vấn đề quan trọng đặt ra là làm như thế nào.

Để cung cấp đủ than cho nền kinh tế, trong vòng 15 - 20 năm tới, Vinacomin cần phải tăng sản lượng khai thác lên hơn ba lần so với hiện tại, đây là khó khăn lớn nhất. Trong khi năng lực và trình độ tổ chức xây dựng các mỏ mới của Vinacomin còn thấp, chỉ đáp ứng được yêu cầu tái sản xuất giản đơn. Nguồn nhân lực chất lượng cao của Vinacomin đang thiếu hụt, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Thu nhập người lao động còn thấp, mặc dù ở lĩnh vực sản xuất của ngành có đặc thù độc hại, nguy hiểm, khiến người lao động ngành than bỏ việc trong thời gian gần đây có xu hướng tăng.

Để tái cấu trúc thành công, Vinacomin cần xác định rõ các loại doanh nghiệp thành viên để ưu tiên phát triển hoặc thu hẹp, chuyển đổi hoặc xóa bỏ. Trước mắt, ưu tiên phát triển đối với các doanh nghiệp kinh doanh chiến lược, bảo đảm các cân đối lớn của Chính phủ và mang lại giá trị thặng dư chủ yếu, gồm các công ty trực tiếp khai thác than lộ thiên và hầm lò, các nhà máy tuyển than, cảng than, một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản. Ngoài ra, cần phát triển một số doanh nghiệp có vai trò quan trọng không thể thay thế như cấp cứu mỏ, hóa chất mỏ, thăm dò than, môi trường,... Với các doanh nghiệp không giữ vai trò quan trọng, không làm ra lợi nhuận, phải thay thế, sáp nhập, thực hiện xã hội hóa, tư nhân hóa, chuyển đổi, thu hẹp hoặc giải thể. Để tái cấu trúc, Vinacomin cũng cần đánh giá khách quan các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh doanh đa ngành. Thời gian qua, Vinacomin làm nhiệt điện chạy than lò tầng sôi (CFB) là phù hợp và đúng hướng vì than là sản phẩm chính, nhiệt điện chạy than cho phép kéo dài "chuỗi sản phẩm" chính. Tuy nhiên, việc kinh doanh đa ngành của Vinacomin vừa qua dường như theo hướng "khép kín" nhằm chia lợi nhuận từ than và hoàn toàn thủ tiêu cạnh tranh. Điều này cần sớm được chấn chỉnh và thay đổi.

Tái cấu trúc theo hướng nào ?

Kế hoạch tái cấu trúc của Vinacomin được công bố mới đây đặt ra nhiều mục tiêu khá tham vọng, trong đó có việc tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp "ngoài ngành". Vinacomin trở thành một trong những tập đoàn tiên phong trong việc thoái vốn khi mới đây đã quyết định thoái toàn bộ vốn góp tại bốn doanh nghiệp là Bảo hiểm hàng không (góp 10% vốn, tương ứng 50 tỷ đồng), Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV (góp 7%, tương ứng 10,5 tỷ đồng), Công ty cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà (10%, tương ứng 47,8 tỷ đồng) và Công ty cổ phần cảng hàng không quốc tế Long Thành (8%, tương ứng 7,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Vinacomin cũng tái cơ cấu lại vốn đầu tư ở một số đơn vị mà tập đoàn có góp vốn như: Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty cổ phần chứng khoán SHS, công ty cổ phần bảo hiểm SHB - Vinacomin,...

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 5-8-2010 hướng dẫn cơ chế tài chính của Công ty TNHH nhà nước một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, trong năm 2011, Vinacomin đã cơ cấu lại để công ty mẹ và các công ty con trong cùng tập đoàn không được cùng góp vốn tham gia vào doanh nghiệp khác. Cụ thể, thoái vốn 10,87 tỷ đồng (chiếm 29%) tại Công ty cổ phần Vôn-phram Đác Nông với giá chuyển nhượng 15,66 tỷ đồng. Tại Công ty cổ phần Cảng Hà Tĩnh, chuyển nhượng 16,2 tỷ đồng vốn (chiếm 36% vốn công ty này) với giá chuyển nhượng bằng giá trị sổ sách sau khi trả cổ tức,... ở các doanh nghiệp này, nhờ hoạt động có hiệu quả nên khi thoái vốn, vẫn bảo toàn được vốn nhà nước. Trong kế hoạch hoạt động năm 2012, Vinacomin sẽ chỉ duy trì tham gia góp vốn đầu tư vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của tập đoàn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Vinacomin đã xây dựng đề án tái cấu trúc và được Thủ tướng chỉ đạo thực hiện theo hướng: Đối với các doanh nghiệp do tập đoàn nắm 100% vốn điều lệ, giữ nguyên hình thức Công ty TNHH một thành viên với các công ty hoạt động trong lĩnh vực thuộc ngành nghề mà Nhà nước cần nắm 100% vốn điều lệ; các tổng công ty, công ty giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện các ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bao gồm các lĩnh vực sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp, dịch vụ hoa tiêu hàng hải, đầu tư khai thác, chế biến than, bô-xit và các khoáng sản quan trọng, đầu tư phát triển nguồn điện.

Tiến hành cổ phần hóa (tập đoàn giữ cổ phần chi phối từ 51% trở lên) các công ty TNHH một thành viên (kể cả các công ty mẹ - tổng công ty) hoặc doanh nghiệp phụ thuộc công ty TNHH một thành viên hoạt động trong các lĩnh vực điều tra, khảo sát, thăm dò địa chất; nhà máy điện đã đi vào vận hành thương mại ổn định; vận tải, xếp dỡ than và hàng hóa; tài chính; đầu tư phát triển nhà và hạ tầng phục vụ công nhân mỏ; phục hồi môi trường mỏ; các công ty sản xuất, chế biến bô-xít - a-lu-min khi đã hoạt động ổn định. Đối với các công ty liên kết có vốn đầu tư dài hạn của tập đoàn, Vinacomin chỉ duy trì tham gia góp vốn đầu tư vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của tập đoàn; lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và những dự án góp vốn bằng thương hiệu của Vinacomin; còn lại tập đoàn sẽ thoái vốn.

Tổng Giám đốc Lê Minh Chuẩn khẳng định, Vinacomin sẽ nghiêm túc thực hiện kế hoạch tái cấu trúc theo lộ trình Thủ tướng chỉ đạo, đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, minh bạch. Để tạo điều kiện cho tập đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2012 và tái cấu trúc thành công, Vinacomin kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương xem xét về giá bán than cho hộ điện, giá bán điện của Vinacomin cho ngành điện, về thuế suất thuế xuất khẩu than, về hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với than xuất khẩu; về thuế xuất khẩu a-lu-min và vấn đề huy động vốn quốc tế đầu tư các mỏ than mới.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/nh-ng-v-n-t-ra-trong-qua-trinh-tai-c-u-truc-vinacomin-1.338575