Những thương hiệu ‘chết chìm’ vì bất động sản

Năm 2012, hàng loạt những thương hiệu nổi tiếng bị ‘chết chìm’ trong vòng xoáy của thị trường bất động sản. Từ đại gia hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản An Bình rồi cà phê Thái Hòa, tập đoàn Quốc Cường Gia Lai và mới đây nhất là Mai Linh… đều là những cái ‘chết’ có liên quan đến bất động sản.

1.Thương hiệu Bianfishco và công ty Cổ phần Thủy sản Bình An

Bianfisco của đại gia Diệu Hiền vốn nổi tiếng trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu, nuôi hàng ngàn công nhân, làm ăn phát đạt cả chục năm qua. Nhưng doanh nghiệp này đã nhanh chóng rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán với tổng các khoản nợ lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Số nợ sau đó đã được Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (Bộ Tài chính) và ngân hàng SHB mua lại, bơm vốn vào để tổ chức sản xuất kinh doanh.

Nữ đại gia Diệu Hiền trần tình rằng: “Thực tế là do có sự tác động dây chuyền từ vụ một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Khu công nghiệp Trà Nóc bị mất khả năng thanh toán. Một số ngân hàng đã lo ngại sẽ phải gặp rủi ro tương tự nên đã vận dụng chủ trương siết chặt tín dụng. Bianfishco dù đang là doanh nghiệp uy tín nhưng ít nhiều chịu tác động từ chủ trương này; kế hoạch thanh lý hợp đồng với một số bà con từ đó cũng bị ảnh hưởng”.

Nhưng trên thực tế, chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thừa nhận, một số doanh nghiệp đổ vỡ thời gian vừa qua là do sử dụng vốn ngân hàng không đúng mục đích. "Ví dụ vay hàng trăm tỷ với lý do làm thủy sản để trả tiền nông dân. Nhưng doanh nghiệp thực tế dùng tiền đó vào bất động sản. Nhưng rồi không thu hồi vốn được nên họ vỡ nợ, vừa không trả được ngân hàng lại nợ nông dân. Tôi nói đùa, các anh làm thủy sản, anh mệnh thủy mà đi đầu tư vào thổ nên thua". Đây chính là câu chuyện về Bianfisco.

2.Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (HTV), thương hiệu cà phê nổi tiếng

Thương hiệu Thái Hòa nổi tiếng với tổng tài sản lên tới gân 2.000 tỷ đồng, một doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cà phê. Có thời điểm sản lượng cà phê xuất khẩu Thái Hòa chiếm tới 60% sản lượng xuất khẩu cà phê arabica cả nước sản lượng xuất khẩu cà phê arabica cả nước.

Nhưng hàng loạt các dự án trồng cà phê dàn trải trên nhiều tỉnh thành và các dự án đầu tư ngoài ngành về xây dựng, khách sạn…đã đẩy doanh nghiệp này vào khó khăn do vay quá nhiều mà không có nguồn thu đủ lớn và kịp thời để trang trải các khoản nợ đến hạn.

Suốt những tháng đầu năm 2012, Thái Hòa đã liên tục phải đàm phán với các chủ nợ là các ngân hàng nhằm chuyển các khoản nợ ngắn hạn sang dài hạn trong bối cảnh doanh nghiệp này ngấp nghé bờ vực phá sản, mất thanh khoản, không có khả năng thanh toán. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn An phải chấp nhận thế chấp cả nơi mình đang ở để vay tiền, hỗ trợ công ty.

Nguyên nhân của sự “tụt dốc không phanh” xuất phát từ tham vọng phát triển “nóng” và sự đầu tư ngoài ngành như: công ty xây dựng và dự án ở Nghệ An, dự án Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị…Sai lầm nghiêm trọng mà Thái Hòa vấp phải là lấy vốn ngắn hạn để đầu tư vào dự án dài hạn dẫn tới mất cân đối về tài chính và số nợ ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

3.Công ty Quốc Cường Gia Lai, doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề với mũi nhọn là bất động sản

Đáng buồn là khi Quốc Cường Gia Lai chuyển hướng sang bất động sản cũng là lúc thì trường này bắt đầu có biểu hiện “nguội”.

Kiên trì đến cùng với lĩnh vực bất động sản, năm 2012 Quốc Cường Gia Lai vẫn tiếp tục bám trụ. Xác định thị trường bất động sản trong năm 2012 là hết sức khó khăn, nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn đề ra chủ trương tiếp tục đầu tư vào những dự án bất động sản trọng điểm.

Thậm chí, doanh nghiệp còn tiến hành hợp tác đầu tư với các đối tác chiến lược để triển khai các dự án chung cư, văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn, khu thương mại cao cấp và trung cấp.

Ngoài bất động sản, hiệu quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai ngày càng đi xuống còn bắt nguồn từ việc doanh nghiệp “ôm đồm” nhiều dự án không thuộc sở trường. Điển hình là việc đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy điện. Quốc Cường Gia Lai hiện đang thực hiện 4 dự án thủy điện gồm: Iagrail I, Iagrail 2, Ayuntrung và Plekeo.Vì lý do này, Quốc Cường Gia Lai vẫn phải thường xuyên dồn vốn vào các dự án thủy điện dù lãi suất vay và tỷ giá tăng.

Giống như các doanh nghiệp bất động sản khác, Quốc Cường Gia Lai cũng đang phải tìm cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ một số dự án. Chuyển nhượng thời điểm này thì phải chịu giá thấp hơn so với trước đây, nhưng Quốc Cường Gia Lai vẫn phải bán để giảm dư nợ và tránh áp lực lãi vay. Đây chính là giải pháp tình thế mà những doanh nghiệp bất động sản bắt buộc phải làm trong tình thế nguy cấp.

4.Mai Linh "vỡ mặt" vì đất đai

Cho dù đang đứng đầu trên phạm vi cả nước về thị phần dịch vụ taxi với khoảng 12.000 đầu xe nhưng Mai Linh đang phải khất nợ với từng trường hợp nhà đầu tư.

Sai lầm chính của họ là lan sang mảng đất đai, chứ nếu tập trung riêng vào lĩnh vực của Mai Linh thì họ vẫn phát triển vững vàng.

âu chuyện này là nỗi "đau" nhưng không chỉ Mai Linh mà nhiều doanh nghiệp khác cũng bị tình trạng tương tự. Đó là những cái chết do nhảy vào bất động sản, nhiều lắm.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Thê thảm tới mức, doanh nghiệp nổi tiếng này không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn mà phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người cho vay nhiều trở thành cổ đông trong công ty…

Những ngày cuối năm này 28.000 lao động của Mai Linh phải đối diện với nguy cơ mất việc làm và “mất” tết.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch hội đồng quản trị Mai Linh khẳng định: “Một giải pháp có tính chất sống còn là đàm phán với nhà đầu tư xin giãn nợ, gia hạn hợp đồng, hạ lãi suất”.

Theo ông Hồ Huy: Giải pháp trung hạn của Mai Linh là thanh lý những xe tới thời hạn, giải quyết bất động sản tồn đọng, các cơ sở kinh doanh kém hiệu quả để thu hồi vốn, một phần để trả nợ, một phần để đầu tư xe mới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế nghi ngờ tính hiệu quả của giải pháp trên vì hầu như toàn bộ tài sản này đều đã được thế chấp để vay nợ.

Nguyên nhân các doanh nghiệp "chết" nhiều là họ đã đổ dòng tiền vào sai chỗ. Một số năm, doanh nghiệp làm ăn có lãi lớn nhưng họ lại chuyển khoản lợi nhuận này để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản trong khi tiền sản xuất kinh doanh lại đi vay ngân hàng. Như vậy, phần tiền đáng lẽ ra họ tự chủ được lại ném vào ngành nghề đầu tư rủi ro trong khi tiền để kinh doanh lại không có, vẫn phụ thuộc vào ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Hương Trần (Xzone/TTTĐ)

Nguồn XZone: http://xzone.vn/Web/77/482/97370/Nhung-thuong-hieu-%E2%80%98chet-chim%E2%80%99-vi-bat-dong-san.html