Những phận đời sau 5 năm chìm tàu Dìn Ký

Hơn 5 năm sau vụ tai nạn chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn tại Bình Dương làm 16 người tử vong, chúng tôi đã có dịp quay lại, nơi con tàu định mệnh chìm xuống năm nào.

Nơi chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn ngày nay

Ký ức vẫn như mới hôm qua

Một chiều thu tàn, chúng tôi trở lại hiện trường vụ tai nạn. Dòng sông nơi đây vẫn hiền hòa với những mảng lục bình trôi yên ả nhưng cũng có lúc lại cuộn sâu, hung tợn như thủy thần khi nuốt chửng những mảng lục bình bằng những con nước xoáy…

Phía trước nhà hàng Dìn Ký vẫn còn những khoảng đất trống với cây dại mọc phủ kín cả tầm mắt. Cả một khung đường xung quanh khu du lịch xanh Dìn Ký vẫn còn những khoảng đất đỏ và sỏi đá. Nhiều ngôi nhà rao bán đất, bán nhà hoặc cho thuê… Sau vụ tai nạn, Công ty du lịch xanh Dìn Ký đóng cửa một thời gian rồi hoạt động lại đến hôm nay…

Vụ tai nạn hơn 5 năm về trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cô Nguyễn Thị Năm (ở xã Bình Nhâm, huyện Thuận An), nhà kề hiện trường vụ tai nạn ngày ấy. Theo lời cô Năm, chiều tối hôm đó trời bất ngờ nổi mưa dông lớn, khi cô đang ở trong nhà thì nghe tiếng người kêu cứu tàu Dìn Ký bị chìm… Cô giật mình nhớ ra người lái tàu hôm đó là thằng nhỏ (Nguyễn Văn Đức - PV) đang thuê nhà cô ở trọ nên vội vã chạy ra ngoài xem thì người ta đang nhốn nháo lùng sục hết cả dòng sông để cứu vớt nạn nhân.

Cô Năm bảo, người lái tàu định mệnh hôm đó là một thanh niên chuẩn bị cưới vợ (Đức năm đó 24 tuổi). Cậu này quê ở Mỏ Cày, Bến Tre. Đức là con trai út, bố mất sớm, hàng tháng đều dành dụm gửi tiền về trợ giúp gia đình. “Nó hiền lành, thấy ai bảo gì thì làm thôi, nhưng đột nhiên hôm đấy gió nổi lên mạnh, thấy thời tiết bất thường thằng bé kêu ông lái tàu chính ra điều khiển tàu. Nhưng vì mải nhậu, ông lái chính không chịu ra mới xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Tội nghiệp nó, nhà nghèo, có người yêu mới ăn hỏi chờ ngày cưới. Đúng là số mệnh con người!”, cô Năm buột miệng và cho biết, sau khi xảy ra sự việc, Đức bị tuyên án và ở tù đến nay vẫn chưa ra.

“Sau vụ tai nạn này, người yêu của Đức từ hôn rồi đi lấy chồng. Riêng con bé được nó cứu sống trong vụ chìm tàu hôm đó lâu nay vẫn ở đây làm ăn”, cô Năm kể tiếp.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khung cảnh của khu du lịch xanh Dìn Ký vẫn như xưa, ngôi nhà nổi trên sông Sài Gòn đã được dỡ bỏ trơ lại phần nền chưa được chuyển đi. Nhà hàng bây giờ xây những chòi nhỏ làm nhà hàng ăn bên bờ sông. Những thanh sắt lớn được đắp chiếu chiếm một khoảng lớn ở giữa dòng sông. Chiếc ca nô để vận chuyển những hành khách cuối cùng của bữa tiệc ra con tàu định mệnh vẫn được đậu nguyên chỗ cũ...

Vết thương chưa lành

Người bị mất nhiều nhất trong vụ chìm tài trên có lẽ là ông Q. L. T, chủ bữa tiệc ngày hôm đó. Hôm đó, ông tổ chức mừng sinh nhật ba tuổi của con trai và cũng là “đêm định mệnh”cướp đi 9 người thân của ông trong đó có vợ, hai con và hai người anh trai ruột của ông T.…

Một người dân ở cạnh khúc sông nơi con tàu bị chìm kể lại: Lẽ ra ông T. đã cứu được vợ mình, bởi lúc tàu chìm, ông ấy đã nắm được tay vợ kéo ra nhưng vợ ông đã bỏ tay chồng quay lại cố gắng để tìm hai đứa con nhỏ...

Và rồi không ai cầm được nước mắt khi nhìn thấy thi thể hai mẹ con ôm chặt lấy nhau...

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà hai tầng, trụ sở của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lan Anh tại An Phú (TX Dĩ An - Bình Dương) nơi ông T. làm giám đốc. Không muốn khơi lại chuyện cũ bởi vết thương quá lớn, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nhân viên kế toán của công ty Lan Anh vẫn rơm rớm nước mắt khi nhắc về vụ tai nạn. “Sau vụ tai nạn, ông ấy suy sụp một thời gian dài, còn hiện giờ mọi việc đã dần trở lại bình thường”, chị Hiền nói.

Theo lời chị Hiền, đến nay ông T. vẫn “độc thân” nhưng ông ấy thường xuyên đi công tác nước ngoài và ít khi ở lại căn nhà này. Công việc của công ty hiện tại ông T. giao cho một quản lý là người Việt Nam điều hành. Im lặng trong chốc lát, chị Hiền kể lại những kỷ niệm về những người quá cố. Theo đó, chị Trần Thị Tương, vợ ông T. là một người rất đẹp và sống tình cảm, không bao giờ có khoảng cách giữa chủ và người làm. Chị ấy không chỉ giỏi về lĩnh vực sản xuất nồi cơm điện mà còn giỏi cả kinh doanh. Trước khi xảy ra sự cố, chị ấy từng nói, sắp tới sẽ tăng lương để anh chị em công nhân được ổn định cuộc sống và cho mọi người đi du lịch cho biết đây biết đó. “Nhưng điều ấy chưa được thực hiện thì chị ấy đã ra đi mãi mãi”, chị Hiền rơm rớm nước mắt khi nhớ về bà chủ.

Chị Hiền cũng tiết lộ, ngôi nhà cũ mà cả gia đình ông T. sinh sống trước đây và cũng từng là mái ấm hạnh phúc của vợ chồng ông đã được bán cách đây không lâu. Mọi vật dụng trong ngôi nhà gắn liền với những nạn nhân có được giữ lại hay không thì không rõ vì không có bất cứ đồ vật gì được chuyển về công ty.

Chiều 20/5/2011, ông Q. L. T (40 tuổi, người Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Lan Anh) tổ chức sinh nhật 3 tuổi cho con trai trên du thuyền chạy dọc sông Sài Gòn của nhà hàng Dìn Ký. Buổi mừng sinh nhật đã thành “đêm định mệnh” khi tàu đang đi trên sông thì bất ngờ trời mưa to kèm gió lớn. Tàu quay đầu về bến cách bờ chừng 100 m thì đột nhiên chao đảo và lật làm 16 người tử vong, trong đó gia đình ông Q. L. T. đã mất đi 9 người thân.

Việc khởi tố và thỏa thuận đền bù của doanh nghiệp Dìn Ký với các nạn nhân vụ chìm tàu thời điểm đó gặp rất nhiều trở ngại do phía hai bên đều chưa chấp nhận. Đến ngày 5/8/2011, qua hàng chục lần thương lượng, Dìn Ký mới đạt được thỏa thuận đền bù với bốn thân nhân người Trung Quốc và 12 người Việt Nam với tổng số tiền bồi thường là 6 tỷ đồng.

Các cơ quan chức năng khẳng định: Lao Văn Quang (28 tuổi) là quản lý dịch vụ nhưng lại giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy là Nguyễn Văn Đức (24 tuổi) điều khiển tàu BD 0394. Bản thân Đức cũng thừa nhận trách nhiệm lái tàu khi chưa có giấy phép và tai nạn xảy ra như trên.

Nhã Huyền - Hà Thanh

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/nhung-phan-doi-sau-5-nam-chim-tau-din-ky-d122360.html