Những ngôi làng mang 'sứ giả mùa xuân': Chuyện tình bên dòng Nậm Rốm

Trước đây, người Cống ở Púng Bon có một luật tục không cho con em lấy vợ, chồng của dân tộc khác. Vượt qua luật tục đó, Púng Bon giờ đây đã có những chàng rể là người Kinh, Lào, Khơ Mú...

Bản Púng Bon nằm chênh vênh trên sười núi, hướng ra dòng Nậm Rốm

Mùa này, dòng Nậm Rốm đoạn chảy qua xã Pa Thơm, huyện Điện Biên (Điện Biên) du dương như khúc tình ca của những chàng trai, cô gái người dân tộc Cống ở bản Púng Bon.

Trước đây, người Cống ở Púng Bon có một luật tục không cho con em lấy vợ, chồng của dân tộc khác. Vượt qua luật tục đó, Púng Bon giờ đây đã có những chàng rể là người Kinh, Lào, Khơ Mú và những đứa trẻ mang trong mình dòng máu của hai dân tộc.

1. Bản Púng Bon, xã Pa Thơm là nơi cư trú chủ yếu của người Cống ở Điện Biên. Trong xã hội của người Cống, ngôi nhà luôn là sự ưu tiên số một. Đã làm nhà là phải chọn địa thế đẹp, mặt hướng ra sông. Nhìn từ bên này sông Nậm Rốm, bản Púng Bon nằm cheo leo lưng chừng núi. Những ngôi nhà mái xanh, đỏ xen kẹp vào nhau, nhiều màu sắc.

Ông Lò Văn Liên kể, theo luật tục cũ, có hai điều mà từ khi sinh ra cho tới khi chết đi, người Cống phải tuân theo. Một là tuyệt đối không được lấy người của dân tộc khác làm vợ, chồng. Thứ hai, người cùng họ cách ít nhất 7 đời mới được kết hôn. Tôi hỏi, tại sao người Cống lại không được kết hôn với những dân tộc khác? Một thoáng suy tư, ông Liên bảo, cũng chẳng rõ, nhưng có lẽ là do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ cũng như địa bàn sinh sống.

Con đường đất dẫn vào bản Púng Bon

Người Cống ở Điện Biên đến ngày nay vẫn giữ được những nguyên tắc trong hôn nhân, đó là việc kết hôn phải hoàn toàn tự nguyện, một vợ một chồng. Luật tục cũng nghiêm cấm việc ly dị hay đàn ông lấy nhiều vợ.

Bản Púng Bon vốn nằm cách biệt, nép mình bên dòng Nậm Rốm. Cách duy nhất để tới nơi này là vượt qua sông Nậm Rốm. Trước đây, không có cầu, cũng chẳng có đường, Púng Bon như một thế giới khác. Nhiều người nhìn sang sông với một ánh mặt e dè, lạ lẫm. “Chắc thế nên họ chê không lấy người Cống mình. Sau mãi thành cái lệ, vậy là các cụ cấm luôn”, ông Liên giải thích.

Ngồi đợi cả buổi, tôi mới gặp được ông Lò Văn Tha, trưởng bản Púng Bon. Tay xách con cá, quần xắn cao quá đầu gối, ông Tha rửa vội tay pha trà mời khách. Kể về dân tộc mình, ông Tha cứ thao thao bất tuyệt như lâu ngày không gặp tri kỉ. “Trước đây, cái thằng nhà báo lên đây thì chẳng ai dám nói chuyện đâu. Chúng nó cứ thấy người lạ là bỏ chạy. Không phải sợ đâu, tại chúng nó không biết tiếng phổ thông thôi”, trưởng bản Púng Bon rủ rỉ.

Bản người Cống Púng Bon có hơn 40 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Ông Tha bảo, nhiều đôi trai, gái yêu nhau nhưng không thể đến với nhau vì là họ hàng. Bên dòng Nậm Rốm, bao nhiêu mối tình đơm hoa tưởng chừng có thể kết trái nhưng rồi héo tàn như cánh hoa ban gặp sương muối.

2. Từ ngày có con đường đất, cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, bản Púng Bon cũng có nhiều đổi khác. Việc lấy vợ, chồng ở nơi khác, vốn là việc “kinh khủng”, chưa người Cống nào ở Púng Bon dám mường tượng. Nhưng rồi, đã có một chàng trai người Cống dám vượt qua luật tục cổ xưa.

Một nếp nhà ở bản Púng Bon

Đó là Lò Văn Thanh, người vẫn được biết tới là chàng trai “liều” nhất bản. Trong một lần xuống núi, Thanh gặp cô gái người dân tộc Lào. Thanh như bị hớp hồn, đêm về mất ngủ. Chàng trai người Cống đấu tranh, một bên là tiếng gọi con tim, một bên là luật tục bao đời của cha ông. Thanh đem bàn chuyện với bố mẹ, nhưng rồi chỉ nhận được cái lắc đầu dứt khoát. Biết chuyện, họ hàng, thậm chí cả bản nhìn Thanh với ánh mắt như người… trên trời rơi xuống. Nhưng rồi, chàng thanh niên ấy vẫn quyết tâm đến với cô gái Lào xinh đẹp.

“Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Cống ở Pa Thơm vẫn giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo. Trẻ con được đến trường học cái chữ. Chính quyền địa phương cũng tổ chức nhiều lớp xóa mù chữ cho những người lớn tuổi. Đặc biệt, vấn đề hôn nhân, những luật tục cũ dần được xóa bỏ, nguy cơ cận huyết đã cơ bản được giải quyết.” Ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm.

Sống với nhau nhiều năm, cặp đôi trai Cống - gái Lào có với nhau gần chục mặt con, đứa nào cũng khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ngẫm lại, nhiều người bảo, có những luật tục không còn phù hợp, bỏ được lại hóa hay.

Cách đây 3 năm, cô gái người Cống, Lạ Thị Bóng (SN 1991) kết hôn với Quàng Văn Kim (SN 1987), người dân tộc Khơ Mú. Ngày cưới, hai bên gia đình tự làm lễ theo đúng phong tục của gia đình mình. Hôm sang dẫn dâu, Kim được một kỷ niệm nhớ đời.

Người Cống có một tục lệ đó là té nước vào cả cô dâu, chú rể và hai họ trong lúc đưa dâu. Vừa ra khỏi dốc, Kim đã thấy anh em nhà Bóng đứng xếp thành hai hàng, tay lăm lăm nào chậu, xô nước. Kim lẩm bẩm: “Chuyện gì thế này?”. Chưa kịp định hình, chàng rể người Khơ Mú đã bị cả họ nhà gái hất nước tối tăm mặt mày, đầu tóc, quần áo ướt sũng như vừa tắm suối.

Sau đó, Kim mới được vợ giải thích, người Cống quan niệm rằng, hất càng nhiều nước, mọi người càng ướt thì càng nhiều may mắn. Thứ nước đó có vị mằn mặn vì được ngậm qua tro bếp. Hơn một năm sau cái ngày đáng nhớ đó, căn nhà nhỏ của vợ chồng Kim đã có thêm thành viên thứ ba, đứa nhỏ mang hai dòng máu Cống - Khơ Mú.

3. Trước đây, muốn lấy con gái người Cống, các chàng trai bắt buộc phải ở rể. Thời gian ở rể tùy thuộc vào quy định của nhà gái. Người ít nhất một năm, trung bình 3 - 4 năm, có người thậm chí phải ở cả đời.

Ngày nay, tục lệ này chỉ còn áp dụng với những gia đình không có con trai. Các chàng trai sẽ phải ở rể, được dùng ruộng, nương của bố mẹ vợ để sản xuất, phụng dưỡng họ khi tuổi già. Và khi bố mẹ vợ mất, con rể vẫn phải ở lại để thờ cúng.

Trần Đăng Khoa (SN 1986), quê gốc mãi Thái Bình theo bố mẹ lên Noong Luống (huyện Điện Biên) sinh sống, lập nghiệp. Một lần theo bạn vào Púng Bon xem hội, Khoa "say như điếu đổ" cô gái người Cống - Quàng Thị Phim hơn mình 3 tuổi. Cưới Phim, Khoa phải ở rể nhưng được dựng nhà riêng. Khoa bảo, phong tục, tập quán khác nhau, nhiều việc không thể hiểu ngay nhưng ở mãi rồi cũng quen.

Trần Đăng Khoa, chàng rể bản Púng Bon

Nhà Phim không có con trai nên Khoa được giao lại toàn bộ ruộng nương để canh tác. Tôi hỏi, mỗi năm được nhiều lúa ngô không? Khoa nhẩm tính rồi bảo, chắc cũng được 30 bao thóc, đủ ăn thôi. Giọng rất hiền, Khoa lại rủ rỉ, giờ vợ chồng em chỉ mong hằng ngày đủ cơm để ăn, cuộc sống hòa thuận.

Trong ngôi nhà bé nhỏ, chênh vênh lưng chừng núi, chẳng có gì đáng giá ngoài đống nồi niêu xoong chảo và rổ bát đũa. Khi tôi tới thăm, Phim đang nấu ăn, bữa trưa có một giỏ cơm nếp, ít rau cải và măng ớt. Vợ chồng Khoa nô đùa cùng con, cười nói rôm rả.

Lò Văn Lú (SN 1982), dân tộc Thái ở xã Noong Luống cũng nên duyên cùng Lò Thị Phon (SN 1989), người bản Púng Bon. Sau ngày cưới, đã được 4 năm, Lú ở lại phụng dưỡng bố mẹ vợ. Mỗi năm, chăm chỉ làm nương rẫy vợ chồng Lú cũng kiếm được trên dưới 30 bao thóc. Hỏi chuyện chồng phải ở rể báo hiếu cha mẹ, Phon cười tít mắt bảo: "Nhà tao con trai không có, nó phải ở rể thôi. Sau này bố mẹ chết, nó có thể về nhà bố mẹ đẻ mà, nhưng vẫn phải thờ cúng".

Những đứa trẻ ở Púng Bon ngày nay đã mang dòng máu hai dân tộc

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhung-ngoi-lang-mang-su-gia-mua-xuan-chuyen-tinh-ben-dong-nam-rom-post154924.html