Những lễ hội không thể bỏ qua trong dịp đầu xuân

Dịp đầu xuân năm mới, miền Bắc có rất nhiều lễ hội nổi tiếng linh thiêng mà du khách không thể bỏ qua như lễ hội chùa Hương, lễ hội khai ấn đền Trần, lễ hội Yên Tử, hội Lim, hội chợ Viềng...

Mùng 4 tháng giêng: Hội làng Đồng Kỵ

Hội làng Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) tưởng nhớ, tái hiện ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm Thành hoàng làng - ra lệnh xuất quân đánh giặc, với ngày chính hội mùng 4 có nghi thức rước pháo.

Lễ hội thực chất bắt đầu từ sáng sớm mùng 3 với lễ rước thỉnh Đức Thánh Thiên Cương lên Đền Trung. Lễ rước pháo được chuẩn bị từ sớm mùng 4. Đến 9h sáng, hai quả pháo lớn được các thanh niên trai tráng trong làng rước từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình cùng với đoàn tế hàng trăm người.

Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, làng Đồng Kỵ có nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống như hát quan họ trên thuyền, biểu diễn tuồng trong sân đình và các môn thể thao, các trò chơi dân gian như vật cổ truyền, cờ tướng, chọi gà…

Mùng 5 tháng giêng: Hội gò Đống Đa

Hội gò Đống Đa diễn ra tại gò Đống Đa (đường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội), để tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của Quang Trung hoàng đế trước quân xâm lược nhà Thanh.

Lễ hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ và đặc biệt là lễ rước rồng lửa Thăng Long từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

Sau những nghi thức trang trọng là đến các trò chơi và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa lân, múa rồng, đầu vật, cờ người, chọi gà…

Mùng 6 tháng giêng: Lễ hội chùa Hương

Lễ hội chùa Hương khai hội từ mùng 6 đến hết tháng 3 âm lịch, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Dù vậy, ngày từ ngày mùng 1, mùng 2 tết đã có hàng vạn phật tử cùng du khách khắp bốn phương trẩy hội chùa Hương, nguyện ước những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.

Những ngày quan trọng nhất lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng 2 âm lịch - ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương.

Ngoài sự linh thiêng, du khách trẩy hội chùa Hương còn được ngắm phong cảnh rất đẹp trên đường lên động chính khi ngồi đò vãn cảnh suối Yến, leo núi thăm động Hương Tích, Hinh Bồng, Tuyết Sơn...

Mùng 6 tháng giêng: Lễ hội đền Sóc

Lễ hội đền Sóc tổ chức tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), theo truyền thuyết là nơi Thánh Gióng bay về trời.

Hội bắt đầu với kê khai quang và lễ tắm tượng Tại đền Thượng, kế tiếp là hai lễ chính rước dâng hoa tre và lễ chém tướng. Sau phần lễ dâng hoa tre lên Thánh, quan tế hô lớn “lễ tất tranh lộc" thì tất cả hoa tre được vung ra để mọi người tranh cướp cầu may.

Sau lễ rước dâng hoa tre là lễ chém tướng với trò tích Thánh Gióng dùng tre ngà làm vũ khí giết giặc. Ngoài ra còn có lễ rước voi của làng Dược Thượng được thực hiện bởi 12 thanh niên khỏe mạnh, vừa đi vừa đánh trống, hò reo vang dậy một vùng.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nghi lễ cướp lộc hoa tre bị biến tướng thành các màn ẩu đả, xô xát của các thanh niên địa phương.

Mùng 6 tháng giêng: Lễ hội làng Ném Thượng

Lễ hội làng Ném Thượng diễn ra tại làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) nhằm tưởng nhớ vị thành hoàng làng đã chém lợn để nuôi quân, đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn.

Chỉ là một lễ hội nhỏ ở làng, nhưng lễ hội Ném Thượng vài năm qua gây chú ý với nghi thức chém lợn giữa sân đình gây nhiều tranh cãi. Tổ chức động vật châu Á đã lên án nghi thức chém lợn là "tàn bạo" và "man rợ". Một số nhà nghiên cứu văn hóa cũng đề nghị bỏ hẳn lễ hội này, nhưng một số vẫn ủng hộ vì cho rằng đây là nghi thức truyền thống.

Mùa lễ hội năm nay, Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo lễ hội không thực hiện nghi thức chém lợn giữa sân đình.

Mùng 8 tháng giêng: Hội chợ Viềng

Hội chợ Viềng diễn ra tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Chợ họp từ đêm mùng 7 cho đến hết mùng 8 tháng giêng.

Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên, bày bán chủ yếu là các loại cây trồng, nông cụ và đồ cổ, từ hoa cây cảnh đến cuốc, xẻng và cả những những bộ tế khí, lư hương đồng… Với quan niệm đi chợ Viềng “mua may, bán rủi”, người bán kẻ mua đều vui vẻ, người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả, chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ để được may mắn, tốt lành cho cả năm.

Mùng 10 tháng giêng: Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử tổ chức tại khu di tích Yên Tử (xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Non thiêng Yên Tử là nơi vua Trần Nhân Tông về tu luyện, khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử và hóa Phật.

Lễ hội Yên Tử được tổ chức với nhiều nghi lễ linh thiêng như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; Lễ khai ấn "Dấu thiêng chùa Đồng" đầu năm…

Ngày 13 tháng giêng: Lễ hội Lim

Hội Lim diễn ra ở thị trấn Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), nổi tiếng với các màn diễn xướng quan họ, là nét kết tinh văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc.

13 tháng giêng là ngày chính hội, mở đầu bằng lễ rước kéo dài tới cả cây số với nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ tế lễ hậu thần.

Hội Lim có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm, đặc sắc hơn cả là phần hát hội trên bến dưới thuyền với những làn điệu quan họ - nét văn hóa truyền thống miền Kinh Bắc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngày 15 tháng giêng: Lễ hội đền Trần

Lễ hội đền Trần diễn ra tại phường Lộc Vượng (TP Nam Định), quan trọng nhất là lễ khai ấn đền Trần vào rạng sáng ngày rằm tháng giêng hàng năm. Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời, đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông…

Nhiều người tin rằng xin được một lá ấn đền Trần trong ngày hội xuân sẽ có một năm thuận buồm xuôi gió trong công việc nên rất nhiều người về tham dự lễ hội, gây nên cảnh chen chúc, tắc nghẽn, thậm chí giẫm đạp lên nhau và rao bán các lá ấn giả bên đường.

Năm nay, lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 11-16 tháng giêng, tiếp tục thực hiện đầy đủ 3 nghi lễ truyền thống là lễ khai ấn, rước kiệu Ngọc Lộ và lễ rước nước tế cá.

Để tránh cảnh đông đúc, tắc nghẽn, ban tổ chức lễ hội đền Trần sẽ phát ấn từ 5h30 sáng 15 tháng giêng, sớm hơn năm ngoái 30 phút tại nhà Giải Vũ và nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Từ ngày 16 tháng giêng, sẽ tổ chức phát ấn tại các nhà Giải Vũ cho tới khi hết ấn.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-the-thao/nhung-le-hoi-khong-the-bo-qua-trong-dip-dau-xuan-516528.bld