Những hình xăm trên người Bạch Hải Đường nói gì?

(24h) - Như hầu hết các tay giang hồ cộm cán, Bạch Hải Đường (BHĐ) thích xăm mình để khẳng định số má. Nhìn dưới góc độ phân tâm học, đó cũng là tâm thế tự tôn để cố vượt qua cái mặc cảm tự ty trong suốt quãng đời nghèo khó của BHĐ.

Theo tài liệu còn lưu giữ của các cơ quan chức năng và các nhân chứng, trên thân thể của BHĐ chi chít hình xăm và các câu thơ. Gã “siêu tội phạm” sống ngoài vòng pháp luật tưởng chừng không biết sợ ai, lại phải nhiều lần khóc vì...hận tình! Mỗi mối tình đi qua trong cay đắng, mỗi ước mơ muốn vượt lên thân phận tội lỗi, BHĐ lại “khắc” trên da thịt mình. Kể từ tháng 7-1980, khi BHĐ bị Đội trọng án Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh An Giang) bắt giữ, đưa về Trại tạm giam; ngoài cán bộ quản giáo, có một người hàng ngày đến lấy lời khai, khai thác BHĐ nhằm truy tìm những đồng bọn của y. Đã hiểu rõ tên tội phạm rất nguy hiểm này, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự lúc đó đưa người vào lấy lời khai của BHĐ cũng phải cân nhắc. Một trong những đồng chí có “nghề” nhất được giao nhiệm vụ để đề phòng BHĐ chống trả, tháo chạy. Được tin tưởng lựa chọn là Trương Huy Hoàng (hiện là thiếu tá, Đội trưởng Đội trọng án - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh An Giang, người đã bắt được tên cướp đường sông nguy hiểm Đặng Văn Hiếu được chúng tôi đề cập trong loạt bài 2.000 ngày theo dấu tội phạm đã đăng trên Báo CATP - NV). Đồng chí Hoàng lúc đó là một sĩ quan có món võ độc chiêu để bắt cướp bằng cách “khóa” tay nên hầu như đối tượng hình sự nào cũng phải thúc thủ khi đối mặt. Công việc hàng ngày của đồng chí Hoàng là vào phòng giam BHĐ để vừa lấy lời khai, vừa “canh” cho các cán bộ khác chăm sóc vết thương cho y (bị thượng úy Phạm Thanh Sơn bắn vào bắp đùi - NV). Đồng chí Hoàng kể lại: Sau khi Công an An Giang bắt được BHĐ, công an các tỉnh đều cho cán bộ đến làm việc, lấy lời khai, đối chiếu các vụ án, nạn nhân để xác định chính xác những vụ án do BHĐ gây ra. Vì BHĐ đã gây án ở nhiều tỉnh, với nhiều nạn nhân. Đồng chí Hoàng là một trong những cán bộ công an có thời gian giáo dục, uốn nắn BHĐ những ngày cuối đời. “BHĐ đúng là một đối tượng giang hồ “anh chị” thứ thiệt. Y ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, kiệm lời và thuộc típ người thông minh, chứ không phải dạng “đầu gấu” bặm trợn bình thường. Có lẽ vì phong cách như thế nên trước giải phóng, lực lượng cảnh sát chế độ cũ rất ít để ý tới tội ác của BHĐ, nên y tung hoành rất lâu mà không bị bắt” - đồng chí Trương Huy Hoàng tâm sự với chúng tôi vào đầu tháng 9-2009. Vì gần gũi thường xuyên với BHĐ nên đồng chí Hoàng là người duy nhất đã “đọc” và nhớ rất lâu những hình, chữ được BHĐ “in” lên người y. BHĐ cũng đã tâm sự với đồng chí về nội dung, ý nghĩa của từng hình xăm mà y đã “đóng” lên cơ thể mình. Thiếu tá Trương Huy Hoàng kể về những hình xăm trên người BHĐ Đầu tiên là hình xăm trên ngực của BHĐ. Hình xăm này có lẽ liên quan đến bản lý lịch trích ngang của BHĐ. Trong tất cả bản lý lịch, BHĐ khai y theo đạo Phật. Dù là một kẻ cùng đường, lao vào kiếp sống tội lỗi, nhưng BHĐ luôn khắc ghi trong lòng mình là một phật tử nên trên ngực BHĐ xăm hình Đức Phật. Điều này liên quan gì đến quá trình phạm tội của BHĐ? Trong tất cả các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, BHĐ đều cho rằng y chỉ thực hiện một vụ cướp vàng tại biên giới vào năm 1980, ngoài ra y chỉ trộm tài sản đem bán lấy tiền tiêu xài chứ không bao giờ đe dọa, giết người, hãm hiếp phụ nữ... “Nhiều đối tượng lâu nay gây án đã “mạo danh” Bạch Hải Đường. Chứ thực sự tôi chưa bao giờ bắn giết ai cả, tôi không biết những vụ án đó xảy ra khi nào. Nếu tôi nói sai tôi xin chịu án tử hình” - trong một bản khai BHĐ đã nói như thế. Khi cơ quan điều tra bắt được BHĐ, xác minh hầu hết những vụ án cướp của, giết người đều không có bàn tay của BHĐ. Cho đến khi BHĐ qua đời, hồ sơ của cơ quan công an cũng không tìm ra người bị hại nào là nạn nhân bị trấn lột, cướp, giết, hiếp... bởi BHĐ. Phía trên hình Đức Phật là dòng chữ chạy vòng cung “Phụ mẫu tri ân”. Như chúng tôi đã nói, BHĐ vốn có hiếu, sống nặng nghĩa nặng tình với những người thân yêu của y. Nhất là với cha mẹ. Trong quá trình tìm hiểu, thu thập tài liệu thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã gặp nhiều cán bộ trong lực lượng công an, quân đội, những người dân đang sống tại khu vực mà BHĐ từng sống. Tất cả đều cho rằng, BHĐ rất có hiếu với mẹ (vì bố mất sớm nên ít ai chứng kiến thái độ của BHĐ với bố thế nào). BHĐ từ lúc còn niên thiếu, bỏ học, đi lang thang, nhưng luôn về thăm mẹ. Sau này, khi trở thành đàn anh của một nhóm tội phạm trộm cắp trong thời chế độ cũ, BHĐ phải thường xuyên di chuyển địa bàn, bị bắt bớ, giam cầm, trốn quân dịch hay trốn truy nã... nhưng BHĐ đều tìm cách về nhà để thăm mẹ, lo cho mẹ từng tấm áo, cái mền, bữa cơm. Đó cũng là lý do y xăm “Xa quê hương nhớ mẹ hiền” (trên bắp chân). Dù chỉ là những lần thăm viếng vội vàng trong đêm. Nhiều lần trong đời, BHĐ đã phải xa mẹ. Mẹ một nơi, con một nơi, những khi có điều kiện là BHĐ về với mẹ. Trong bản cung của BHĐ, có nhiều đoạn khai rằng, trước khi đi đâu đó một thời gian dài, BHĐ đều vượt từ tỉnh này qua tỉnh khác để về chơi với mẹ một lúc cho đỡ nhớ mẹ (và có lẽ vì sự liều lĩnh, y không biết chết sống thế nào nên thường ở chơi với mẹ như chia tay trước khi lao vào một phi vụ mới - NV). Lúc trong tù, BHĐ từng mơ thấy mẹ về báo mộng và y đã tính vượt trại vì lý do đó. Tại Long Xuyên, căn nhà ở hẻm Ba Lâu (khu phố 4, đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên) mà BHĐ đã thuê cho mẹ ở, hiện vẫn còn khá nguyên vẹn như cũ. Chủ nhà là bà Bé, năm nay đã 88 tuổi, vẫn nhớ khá rõ về gã thanh niên Nguyễn Ngọc Truyện đã thuê nhà của bà nhiều năm liền từ trước giải phóng cho đến sau ngày y bị bắt. Bà không hề biết người thanh niên đang thuê nhà của bà có cái “danh” là Bạch Hải Đường, càng không biết đó là một tên tội phạm. Bà nhớ mang máng: “Mỗi tháng cậu ấy trả tôi bảy đến mười ngàn tiền nhà. Cậu ấy hay về chăm sóc mẹ và vợ, thường thì về buổi tối. Ban ngày ít thấy ở nhà”. Bà Bé và căn nhà cho BHĐ thuê (nhà được giữ nguyên trạng - ảnh chụp tháng 9-2009) BHĐ sớm lao vào đường lầm lỗi, sớm chạy theo lối sống ăn chơi xa hoa và cũng sớm nếm mùi cay đắng, tủi nhục mỗi khi... rỗng túi. Suốt gần chục năm “hành nghề”, BHĐ cũng như nhiều tên gian hồ khác, luôn muốn trở thành một bậc đàn anh thực thụ trong giới này, muốn được đồng bọn tung hô, kính trọng. Ảo mộng ấy cùng với mơ ước về một chốn dung thân đã thôi thúc BHĐ khắc hình con đại bàng xòe hai cánh đạp trên một quả địa cầu, có mặt biển và dòng chữ “Vượt trùng dương ra hải đảo” sau lưng. Tuy nhiên, để “vượt trùng dương” như BHĐ mong muốn đâu phải dễ, đâu phải bằng cái nghề bất lương của y. Để có những người thân yêu, huynh đệ thực thụ bên cuộc đời cũng không dễ. BHĐ sớm nhận ra rằng, con người luôn thay đổi, nghĩa tình huynh - đệ, mà người ta thể hiện với nhau bên ngoài đôi khi chỉ là sự giả tạo, lừa dối nhau, nịnh bợ nhau lúc cần thiết. Đó là điều mà người xưa đã đúc kết “còn bạc còn tiền còn đệ tử - hết cơm hết gạo hết ông tôi”. BHĐ muốn khắc ghi điều mà y nếm trải trong quá trình phạm tội lên người. Hai bên hông, một bên khắc dòng chữ “Tiền đồng tịch kim bằng cộng lạc”, một bên là “Hậu lâm nguy - bất kiến đệ huynh” (tạm dịch: lúc đầu là anh em chia ngọt xẻ bùi, lúc lâm nguy anh em thân thiết cũng không muốn gặp). BHĐ rất tình nghĩa với huynh đệ giang hồ, là người luôn muốn được sống với “Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương” (vết xăm bên cánh tay trái của BHĐ - NV). Bằng nghề bất lương, BHĐ đã kiếm được rất nhiều tiền, tiêu xài thoải mái. Nhưng khi gặp vận đen, BHĐ phải sống với một cảm giác vô cùng khổ sở - cảm giác bị những người mình từng tin tưởng phụ bạc! Vì thế y đã “đóng” lên cánh tay phải một câu hỏi: “Tạo hóa ơi bao giờ con hết khổ?”. Cái khổ lớn nhất của BHĐ có lẽ là... đàn bà. Những người đàn bà trong cuộc đời y, dù có yêu, có thương y đến bao nhiêu đi nữa, thì lối sống bất cần, buông thả, trăng hoa của BHĐ cũng khiến họ bất mãn. Như chúng tôi đã đề cập trong bài Bạch Hải Đường “hận kẻ bạc tình” trên Đặc san CATP ra thứ sáu tuần trước, BHĐ là một kẻ si tình, đa tình và... lụy tình. Vì tình, y có thể đặt tất cả cuộc đời, tính mạng của mình vào đấy. Nhưng rồi những người phụ nữ ấy lần lượt ra đi, thậm chí tìm cách trả thù BHĐ. Những ngày cuối đời, không một người phụ nữ nào ở bên cạnh y. Thấm thía cay đắng, BHĐ đã “vẽ” vào bụng dưới của mình hình một cô gái lõa thể và dòng chữ “Thương người chung thủy - hận kẻ bạc tình...

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/news/detail/51/252776/nhung-hinh-xam-tren-nguoi-bach-hai-duong-noi-gi.24h