Những đường mòn thành đại lộ ở Đắk Nông

Sau hơn 10 năm thành lập, toàn tỉnh Đắk Nông đã nâng cấp bê tông hóa, nhựa hóa đồng bộ các tuyến đường.

QL28 đẹp như lụa chạy quanh núi rừng Đắk Nông.

Khi chia tách năm 2004, Đắk Nông là một tỉnh “kẹt” giữa hai vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, mạng lưới giao thông phát triển mạnh mẽ, Đắk Nông đã trở thành “cửa ngõ” vô cùng quan trọng kết nối vùng kinh tế Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam bộ.

Từ bê tông hóa giao thông nông thôn…

Năm 2004, tỷ lệ đường giao thông nông thôn (GTNT) được bê tông hóa chỉ đạt 2%. Ông Võ Văn Hùm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, tâm sự: “Lúc ấy, mỗi lần về các buôn làng những người làm ngành giao thông buồn lắm. Đi cả ngày trời trên con đường đất đỏ mới đến với dân. Vào mùa mưa lầy lội, có khi anh em phải đi bộ hàng chục cây số. Trong nhiều lần tiếp xúc, lắng nghe nguyện vọng của người dân, chúng tôi hiểu bê tông hóa đường GTNT cho dân là nhiệm vụ cấp bách. Và hình thức huy động dân tự làm đường, Nhà nước hỗ trợ xi măng, đã đạt được kết quả vượt bậc”.

Đến nay, đi tới đâu, nói về câu chuyện làm đường, người dân Đắk Nông vẫn hào hứng khoe thành tích của làng mình. Chúng tôi có mặt tại ngã ba Khánh Bạc, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, một ngã ba thông thoáng, nhiều hộ dân kinh doanh tấp nập. Tuyến đường rộng đến 10 m, thế nhưng ông Bùi Trọng Tấn, Chủ tịch UBND xã Nam Dong, cho biết, đây không phải là quốc lộ hay tỉnh lộ mà chỉ là tuyến đường liên xã. Cách đây bốn năm đoạn đường này chỉ rộng 3,5 m, khi bắt đầu dự án, chính quyền xã đã khảo sát hơn 100 hộ dân phải giải tỏa. Nếu áp dụng theo quy định của tỉnh thì mất khoảng 5 tỷ đồng để đền bù giải tỏa. Chính quyền đã bàn với Ban quản lý dự án thống nhất giải pháp động viên dân hiến đất để mở rộng tuyến đường. Sau đó, xã thành lập hai đoàn công tác do Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng bộ xã làm trưởng đoàn đến từng hộ dân để vận động hiến đất. Khi đó, ông Nguyễn Văn Khoán đang là Chủ tịch UBND xã đã gương mẫu hiến hơn 100 m đất mặt đường cho dự án. Tiếng lành đồn xa, lại được tuyên truyền giải thích cụ thể về lợi ích khi mở rộng tuyến đường, các hộ dân lần lượt hiến đất.

Cụ Trần Đức Phong, có ngôi nhà ngay ngã ba Khánh Bạc, cho biết: “Lúc đầu tôi cũng tiếc đất lắm. Tôi từ tỉnh Cao Bằng vào đây hơn 50 năm, khai hoang vùng đất này khi đó còn là rừng hoang, chẳng lẽ giờ mình lại mang đất cho không. Nhưng khi thấy cán bộ xã lần lượt hiến đất, tôi biết họ làm vì đời sống đồng bào, những người đã chọn nơi đây là quê hương thứ hai, thì sao mình lại ích kỷ thế được”.

Tượng tự huyện Cư Jút, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song từ đầu năm đến nay, toàn xã đã hoàn thành hơn 12 km đường cấp phối với tổng số tiền người dân tình nguyện đóng góp hơn 200 triệu đồng, nhiều diện tích đất và hàng nghìn ngày công. Tính đến thời điểm này, nhiều tuyến đường mới đã nối liền các thôn...

Đường HCM hoàn thành, thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh Đắk Nông.

Ông Hoàng Văn Tăng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân cho biết: “Khi các thôn tổ chức họp dân về việc làm các tuyến đường giao thông liên thôn cấp phối, mọi người đều tán thành cao, không ai phản đối. Vấn đề bà con quan tâm là cách làm thế nào sao cho thật dân chủ, tạo mọi điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vì vậy, tất cả các khoản đóng góp của người dân đều được công khai, ghi rõ từng danh mục thu chi để bà con nắm bắt”.

Đường tỉnh lộ từ 15% lên trên 95%; đường huyện lộ từ 15% lên trên 80%; 100/113 buôn có đường bê tông, nhựa hóa……

Đến đại lộ kết nối Tây Nguyên với đồng bằng

Năm 2015, một điểm nhấn vô cùng quan trọng đối với ngành giao thông Đắk Nông đó là sự kiện thông tuyến đường Hồ Chí Minh và thông tuyến QL28.

Tại lễ thông tuyến QL28, ông Võ Văn Hùm cho biết: QL28 là trục ngang đi từ Đông sang Tây, kết nối QL1 và QL14 qua các tỉnh Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông, có chiều dài 151 km. Năm 2007, khi có chủ trương xây dựng thủy điện Đồng Nai 3&4 thì QL28 có tới 21,9 km bị ngập trong lòng hồ thủy điện. Sau đó, các đơn vị chức năng đã khảo sát tuyến mới với chiều dài 37,7 km, nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa từ Bình Thuận qua Lâm Đồng và Đắk Nông. Tỉnh Đắk Nông có hai quốc lộ. QL14 nối dọc các tỉnh Tây Nguyên qua Đắk Nông xuống Bình Phước nối với miền Nam, QL28 nối với các tỉnh Nam Trung bộ. Vì vậy, thông tuyến QL28 và đường HCM có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông. Những giai đoạn cao điểm, lãnh đạo Sở GTVT cùng ăn, cùng ở với nhà thầu để giải quyết những vướng mắc.

Ngoài hai tuyến quốc lộ này, Đắk Nông đang đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai bao quanh TX Gia Nghĩa. Đây là tuyến đường nằm trong quy hoạch đô thị trung tâm tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050.

Đường lớn, vận tải phát triển mạnh

Đường HCM và QL18 cũng như mạng lưới GTNT ngày càng hoàn thiện, thuận lợi cho phát triển kinh tế của đồng bào tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, phát triển vận tải thể hiện rõ nhất, dễ nhận biết nhất. Nếu như năm 2004, toàn tỉnh có 9 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định với 122 xe, hoạt động trên 52 tuyến. Sau 10 năm, đã tăng vượt bậc lên tới 21 đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định với 190 phương tiện, hoạt động trên 81 tuyến.Sản lượng hành khách trong những năm qua không ngừng tăng mạnh. Khối lượng vận chuyển năm 2004 là 815 nghìn hành khách. Đến cuối năm 2012, đã đạt 2.835.320 hành khách, bình quân tăng 17%/năm.

Sản lượng luân chuyển năm 2004 đạt 79.893.000 hành khách, đến năm 2012 đạt tới 343.431.510 hành khách. Tỷ lệ tăng bình quân 20%/năm.

Đối với vận tải hàng hóa bằng ô tô, năm 2004, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 378 nghìn tấn, đến năm 2012 đạt 1.642.505 tấn. Bình quân tăng 20%/năm. Sản lượng luân chuyển hàng hóa năm 2004 đạt 33.189.000 tấn/km, năm 2012 đã tăng lên 155.2017.745 tấn/km. Tốc độ tăng bình quân đạt 21%/năm.

Văn Tư

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nhung-duong-mon-thanh-dai-lo-o-dak-nong-d118239.html