Những công nhân từng làm việc tại Cty Dệt Mùa đông đón Tết Bính Thân 2016: Mừng vui xen lo lắng dịp cuối năm

Lần đầu tiên trong đời, CN Dệt Mùa đông được cầm trên tay những số tiền rất lớn, từ vài chục triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng. Có tiền trong tay vào dịp cuối năm, nhất là sau khi đã trải qua 3 tháng “nếm mật nằm gai” để đòi quyền lợi - tiền hỗ trợ di dời của Cty. NLĐ rất vui nhưng xen vào đó là một sự lo lắng cho tương lai: Sang năm liệu có kiếm được việc gì để mưu sinh?

Bữa tiệc tất niên của CN từng làm ở Dệt Mùa đông, cũng là để ăn mừng khi đòi được tiền hỗ trợ. Ảnh: Q.Chi

“Lần đầu tiên cầm số tiền lớn như vậy”

Trao đổi với PV, chị Dương Thị Bích - CN Cty Dệt Mùa Đông, cho biết đã về quê từ hôm 26.1, một ngày sau khi chị nhận được tiền hỗ trợ từ Cty. Quê chị Bích ở Văn Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Chị đã làm ở Cty Dệt Mùa đông được 14 năm, sau khi được Cty giải quyết tiền hỗ trợ, chị được 70 triệu đồng. “Lần đầu tiên tôi được cầm số tiền lớn như vậy. Trước đây, thu nhập hàng tháng của tôi rất thấp, chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng; tháng nào cao lắm cũng chỉ được 3 triệu đồng. Nhiều khi cầm đồng tiền chưa ấm tay, đã trả nợ, chi tiêu hết sạch”- chị Bích tâm sự.

May mắn hơn so với các CN khác, chị Bích ở cùng với dì, lại được anh trai hỗ trợ, nên hơn 3 tháng bám trụ ở Cty, không công ăn, việc làm, chị được dì “bảo trợ” ăn, ở nên không phải vay mượn nhiều. Với số tiền có được, chị Bích cũng đã ra chợ mua cành đào gần 200 nghìn và mua ít hoa để bày biện trong nhà cho có không khí Tết.

Tôi hỏi chị Bích: “Nếu các chị không đòi được tiền, thì Tết này sẽ như thế nào?”. Chị Bích trả lời ngay không gần suy nghĩ: “Tôi đã nói với anh trai là nếu Cty vẫn chưa trả tiền thì năm nay sẽ không về quê ăn Tết mà sẽ đón giao thừa tại Cty luôn. Tuy nhiên, mọi người luôn tin rằng sẽ được trả tiền hỗ trợ, nên đồng lòng ở tại Cty cho đến khi nào được giải quyết thì thôi”.

Chị Bích kể thêm, anh chị em rất đoàn kết và thông cảm nhau. Xác định đây là “cuộc chiến trường kỳ”, nên tuy đôi lúc xảy ra cãi nhau, nhưng mọi người dàn hòa ngay vì mục đích chung là đòi được quyền lợi.

Cũng như chị Bích, chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1972), trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội lần đầu tiên cầm một số tiền lớn rất lớn 110 triệu đồng sau 22 năm làm việc tại Cty.

Công nhân từng làm ở Dệt Mùa đông đi mua hoa chuẩn bị chơi Tết. Ảnh: Q.Chi

Ngay sau khi nhận được tiền, chị dành để trang trải nợ nần vay mượn trong 3 tháng không có việc làm; đồng thời sắm sửa một số đồ dùng chuẩn bị đón Tết. “Những năm trước, phải làm đến cận Tết, lại ít tiền, nên sắm sửa muộn hơn và “chùn tay”. Mọi năm trước, Cty thưởng Tết cho tôi chỉ khoảng 2,4 triệu đồng cùng với túi quà - trong khi đó tôi là lao động xuất sắc mà mới được như vậy. Năm nay, có một số tiền nên tôi rảnh rang hơn và “phóng tay” hơn một chút để chi tiêu cho ngày Tết. Giả sử vừa rồi không được chi trả tiền hỗ trợ, thì không biết chúng tôi sẽ phải đón Tết như thế nào với những cái túi rỗng không”- chị Hoa nói.

Sang năm mới đi làm ở đâu?

Niềm vui có một chút đỉnh, nhưng nỗi lo lắng về công ăn việc làm vẫn đè nặng lên những người từng là CN Dệt Mùa đông. Ba tháng qua, họ bỏ tất cả công việc để đi đòi quyền lợi. Đến khi đòi được tiền, thì đã là cuối năm nên rất khó xin việc.

Chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Tôi tính cứ nghỉ Tết xong đã, rồi ra Giêng sẽ đi kiếm việc làm mới. Nhưng tôi lo lắm. Tôi năm nay đã 44 tuổi rồi, xin việc mới rất khó. Tôi đang nhờ người xin làm tạp vụ ở cơ quan khác, không biết có được không”. Chị Hoa đã đóng BHXH được hơn 20 năm, đủ thời gian để hưởng lương hưu, nên chị sẽ không phải đóng BHXH nữa. Số tiền 110 triệu hỗ trợ này, chị sẽ “dắt lưng”, nhỡ đâu không xin được làm tạp vụ thì còn có chút vốn để buôn bán nhỏ, kiếm sống qua ngày. Chị xác định, phải đến hết tháng 3.2016 chị mới có thể ổn định được cuộc sống.

Không như chị Hoa, chị Nguyễn Kim Trường (SN 1972, quê xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) mới được tham gia đóng BHXH được 16 năm, chưa đủ thời gian để hưởng lương hưu, mặc dù chị làm ở Cty 19 năm. “Cầm trên tay 95 triệu đồng tiền hỗ trợ, tôi rất vui sướng. Nhưng cầm tiền vậy mà chẳng dám tiêu. Vì cần phải dành để đóng BHXH tự nguyện cho đủ thời gian được hưởng lương hưu”- chị cho hay.

Nói về tương lai, chị Trường rất lo lắng, bởi cũng như chị Hoa, năm nay chị Trường đã 44 tuổi, cái tuổi rất khó để xin việc mới, nhất là trong tay chị lại không có bằng cấp gì. “Thôi đành “nước chảy, bèo trôi” thôi. Cứ đón Tết cho đàng hoàng, vui vẻ đã, rồi ra Tết sẽ tính tiếp. Hy vọng là tôi sẽ xin được một công việc ổn định, lương thấp chút cũng được” - chị Hoa nói.

Như Báo Lao động đã nhiều lần thông tin, sau hơn 3 tháng bám trụ đầy mệt mỏi, khổ sở tại để đòi chế độ và hỗ trợ khi Cty cổ phần Dệt Mùa đông di dời từ địa chỉ 47 Nguyễn Tuân vào KCN Thạch Thất (huyện Quốc Oai, Hà Nội) để lấy đất xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng , cuối cùng, hơn 100 CN đã được lãnh đạo Cty này đồng ý mức hỗ trợ: Mỗi năm công tác thực tế tại Cty là 5 triệu đồng (thời gian công tác là tổng thời gian làm việc thực tế tại Cty). CN cho biết, người được nhận mức hỗ trợ cao nhất là 140 triệu đồng cho 28 năm làm việc; ít nhất là 40 triệu đồng cho 8 năm làm việc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/nhung-cong-nhan-tung-lam-viec-tai-cty-det-mua-dong-don-tet-binh-than-2016-mung-vui-xen-lo-lang-dip-cuoi-nam-515692.bld