Những câu thơ hay

Thế nào là một câu thơ hay? Câu hỏi thật mung lung và khó trả lời sao cho gãy gọn, khúc chiết. Chỉ biết rằng, cái hay trong từng câu thơ thường mang những tố chất khác nhau. Nhiều khi, tôi thường đọc và tự so sánh những câu thơ của tác giả này với những tác giả kia.

Mọi sự so sánh vốn đã khập khiễng, nhất là với thơ. Trong những bài thơ: Tràng giang của Huy Cận, Mùa xuân chín của Hàn Mạc Tử, Ông đồ của Vũ Đình Liên, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Giờ mưa ở Huế của Nguyễn Bính, Tống biệt hành của Thâm Tâm, Tây Tiến của Quang Dũng..., bài nào được bạn đánh giá là hay nhất? Trong những câu thơ Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/Con thuyền xuôi mái nước song song (Huy Cận); Giấy đỏ buồm không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu (Vũ Đình Liên); Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô (Lưu Trọng Lư); Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng (Thâm Tâm); Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành (Quang Dũng) câu nào được đánh giá là hay nhất? Chắc chắn bạn sẽ rất khó chọn lựa bởi cái hay của thơ thật đa dạng. Loóc-ca (Lorca) - một nhà thơ lớn của Tây Ban Nha nói: 'Thơ là lửa và lửa thì rất khó giải thích'. Còn những câu thơ hay, những bài thơ hay? Dẫn chứng thì nhiều nhưng để hiểu cho thật rành rẽ, thấu đáo, đâu phải dễ dàng? Bạn đọc hẳn nhớ câu thơ rất hay của Ê-luy-a (Eluard): 'Tai họa sinh ra như trẻ con trên mặt đất/người ta rồi ai cũng có thôi!'. Nhưng cái hay, tính hiện đại trong thơ Uýt-man, Ê-luy-a là cái hay của lối nói phương Tây. Còn ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng, cách biểu đạt, suy nghĩ lại có những nét đặc trưng riêng. Hàn Mạc Tử viết: Chị ấy năm nay còn gánh thóc Dọc bờ sông trắng nắng chang chang. Câu thơ hay ở chất tạo hình, ở nhạc điệu. Người thôn nữ gánh thóc đi dọc bờ sông trắng và nắng gợi lên nét đẹp quen thuộc, muôn thuở của làng quê. Người đọc cảm thụ được bằng hình ảnh ấn tượng và giai điệu câu thơ ngân nga, nhuần nhụy. Người xưa nói trong thơ có họa có nhạc là vậy. Chế Lan Viên viết: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Câu thơ không cần tới hình tượng, kỹ xảo điêu luyện mà vẫn hay. Hay bởi tình cảm hòa nhập được với trí tuệ. Có một bạn thơ nói với tôi: 'Câu thơ trên hay thật nhưng hơi rậm lời, sao ông Chế Lan Viên không sửa: 'Ta ở là nơi đất ở. Ta đi đất hóa tâm hồn' có phải kiệm lời hơn không?'. Riêng tôi, tôi thấy đó là câu thơ trọn vẹn, trọn vẹn cả trong cách sử dụng những phụ từ. Nếu bớt những phụ từ đi, câu tám chữ thành câu sáu chữ, nhịp câu thơ trong đoạn thơ sẽ thay đổi, và có khi sẽ phá hỏng, sẽ làm hẫng hụt toàn bộ bài thơ - nó giống như một vết rạn nứt, rò rỉ, sẽ làm đắm cả con thuyền ngôn ngữ. Bạn thơ của tôi mới nhìn vào một điểm, chứ chưa nhìn vào toàn cục nên mới chủ quan, mới bạo gan phán xét thơ người khác. Câu thơ của Chế Lan Viên có ý tưởng, có sức khái quát cao, nếu tách ra khỏi bài, khỏi bối cảnh xuất phát nó vẫn mang được tính riêng biệt. Nó sống mãi bởi nó hay, nó không cần đến sự cứu cánh trang sức nào khác. Giống như cây trầm, không cần đến hoa, tự thân vỏ cây, chất gỗ đã tỏa ra mùi hương mê hoặc. Ông Đồ là bài thơ hay nhất của Vũ Đình Liên. Hay đến nỗi nó khiến cho những bài thơ bậc trung khác trong thơ Vũ Đình Liên trở nên mờ nhạt, bàng bạc. Ở đoạn kết bài Ông Đồ, Vũ Đình Liên viết: Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ? Câu thơ tạo ra được một không gian dài rộng, đa chiều. Với vẻn vẹn có mười chữ, theo thể ngũ ngôn, tính hàm xúc thật dồi dào. Chắc hẳn cho đến mai sau, câu thơ vẫn mang tâm thế của mọi người, mọi thời. Trong bài thơ Oan nghiệt, Nguyễn Bính viết: Em có biết rằng trong quán trọ Đầu tôi lại gối cánh tay tôi. Đây là lời ông tâm sự với người vợ trong lúc buồn đau, xa cách. Câu thơ tưởng như lời nói thường ngày mà vẫn rất hay, rất thơ. Đọc thơ, không cần mường tượng nhiều, người đọc vẫn thấy hiện lên rất rõ cảnh nhà thơ nằm trong quán trọ. Cảnh ấy, với một người, thi sĩ giang hồ như Nguyễn Bính âu cũng là chuyện thường tình. Cảnh ấy, nếu diễn đạt vụng, nếu non về bút pháp, rất dễ sa vào lối tả chân, thô thiển. Cái hay, điểm sáng của câu thơ lại là chữ tôi (một đại từ nhân xưng bình thường) được tác giả sử dụng rất đắt. Đầu tôi lại gối cánh tay tôi nói về sự đơn chiếc, cô quạnh như thế quả thật là xuất thần, là hay lắm lắm. Một lần, nhân lúc đàm luận về thơ, nhà thơ Vũ Cao nói với tôi: 'Câu thơ: Đầu tôi lại gối cánh tay tôi rất hay, nhưng một câu khác Nguyễn Bính nói về cảnh hai chị em xa cách cũng rất giỏi: Ôi chị một em, em một chị. Giời làm xa cách mấy con sông...'. Vâng, sự chớp sáng ở câu thơ này lại là lối sử dụng điệp từ. Chữ một, chữ chị, chữ em được lặp lại hai lần. Nguyễn Bính là nhà thơ hay đưa ngôn ngữ thường ngày vào thơ, thơ ông gần với dân gian, có chuyện, có tả, có kể mà vẫn tránh được sự tầm thường, dễ dãi. Mỗi câu thơ hay có những điểm xuất phát khác nhau, mang diện mạo khác nhau. Đỗ Phủ hay bởi thơ ông bám chắc vào những thân phận nghèo khổ, chìm nổi trong cuộc đời, Lý Bạch hay bởi bay bổng, lãng mạn. Thơ như chắt ra từ nỗi thống khổ con người kết thành máu, nước mắt; thơ lại nhuốm đầy chất men say của rượu quý, của núi cao, sông rộng, trăng vàng. Có người thiên về triết lý, khái quát, có người giàu cảm xúc, hào hoa, lại có người mang chất đời thực xù xì, gân guốc, có người già dặn điêu luyện về bút pháp, có người viết được những câu thơ đột biến, trời cho. Làm thơ mỗi người một vẻ, mỗi dạng, cái chất tạng người này khác hẳn với chất tạng người kia. Những câu thơ hay cũng giống như hoa nở trăm loài, chim kêu trăm giọng, cái hay cái đẹp của thơ nhiều khi lại mung lung, vượt xa cả sự quy định, khuôn thước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/v-n-ngh/nh-ng-cau-th-hay-1.285516