Nhớ chợ Đình ngày Tết

Khi tôi lớn lên thì chợ Đình quê tôi đã có tự lâu rồi. Trong ký ức tôi và bạn bè, thuở đồng ấu khó phai mờ hình bóng chợ với âm thanh rộn ràng, đằm thắm tình quê.

Chợ Đình (xã Xuân Thủy, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) nằm trên một khu đất rộng khoảng 2.000m2, phía tả cây ngô đồng trăm tuổi xum xuê bóng xanh bốn mùa, bên gốc là cái giếng cổ nước trong vắt.

Phía hữu chợ Đình ngày xưa có một cây trôi cổ thụ cao vời vợi, ríu rít những bầy sáo sậu bay về làm tổ.

Chợ Đình họp hai ngày một phiên, tuy là chợ quê nhưng chẳng lúc nào thưa thớt người. Từ năm giờ sáng, khi sương mù còn bao phủ cánh đồng làng, đã nghe bốn phía bà con lục tục đi chợ Đình. Người kĩu kịt gánh chè vườn ra chợ bán, người khệ nệ tay xách chú lợn con nhỏ đựng trong chiếc lồng đan bằng giang, nứa...

Tôi nhớ các cô, bác đi chợ Đình hồi ấy ai cũng chít khăn mỏ quạ đen, mặc áo nâu sồng, váy sồi đen, với nhịp bước khá tất bật, vội vã. Họ đội trên đầu mình những chiếc "mủng" và có "nắp đậy" bằng cái "mẹt" tròn như vầng trăng rằm.

Không ít lần đi chợ quan sát, tôi mới hiểu rằng phía trong những cái mủng kia đựng các sản phẩm quen thuộc: nhà nọ dăm ba ký gạo, nhà kia vài ký khoai khô, hoặc lạc, đậu, vừng. Có bà chỉ đưa tới chợ bán mười quả trứng hay hai chai mật, nhưng do "sợ vỡ " nên vẫn cẩn thận đội trên đầu. Những nét đơn sơ, bình dị ấy càng làm cho tôi yêu da diết chợ quê.

Phiên chợ Đình ngày Tết diễn ra vào đúng sáng 29 tháng Chạp. Lúc đó, cả làng tôi, mọi nhà đều cửa đóng then cài, rủ nhau đi chợ. Phần mua sắm hàng Tết, phần đi chợ Tết đối với dân làng tôi như một thú thư giãn sau một năm làm lụng vất vả. Đi chợ Tết cũng là dịp để người quê hỏi thăm nhau lần cuối cùng trong năm cũ.

Bây giờ chợ Đình đã khác xưa nhiều lắm.

Vào chợ Đình ngày Tết, chúng tôi phải "đoàn kết" dắt tay nhau len lỏi giữa biển người với muôn màu sắc rực rỡ, âm thanh rậm rịch và náo nức.

Đủ các loại hàng được bày ra, những người bán hàng cá, hàng rau, hàng bánh đa, bánh đúc vẫn ngồi sắp xếp theo thứ tự như ngày thường, nhưng hàng nhiều hơn, nét mặt và lời chào hỏi rạng rỡ hơn.

Chúng tôi khoái nhất là đi chợ Tết được sắm quần áo mới. Còn đồ chơi trong ngày Tết với lũ trẻ chúng tôi sướng nhất là được mua băng pháo tép (trong băng pháo tép dài có cài vào bốn quả pháo đùng).

Những băng pháo tép nổ vào lúc đón giao thừa và sáng mồng một Tết. Cứ mỗi lần nhắc đến chợ Đình, nước mắt tôi lại trào ra khi nhớ về cha mẹ và bà con cô bác, phút chốc bây giờ đã trở thành "người muôn năm cũ".

Hình bóng ông già Chu Linh tóc bạc, râu bạc, da dẻ đỏ au, ngồi bày bán dưới gốc cây trôi những bức tranh Đông Hồ, câu đối tết và ảnh Bác Hồ. Nhiều lần vẫn tái hiện trong giấc mơ tôi.

Bây giờ chợ Đình đã khác xưa nhiều lắm. Nhờ có dự án của Nhà nước đầu tư nên chợ Đình được "lên ngôi". Nhiều năm gần đây, tôi có dịp vào chợ Tết. Một cảm giác thật bâng khuâng khó tả.

Cây ngô đồng và cây trôi cũ đã biến mất từ lâu. Trong chợ có đầy đủ các dịch vụ hàng hóa, đa dạng sản phẩm. Cứ nhìn vào sức mua và sức bán đủ biết cuộc sống người dân quê tôi đã sung túc hơn ngày xưa nhiều.

Nhưng nét riêng chợ Tết quê vẫn hiện hữu những rổ cam bù đỏ rực, rồi ngồn ngộn những gian hàng lá dong rừng gói bánh chưng xanh. Vẫn đặc sản tự nuôi thịt gà, lợn, bò, dê. Bày dãy ngang dãy dọc. Sức bán, mua hối hả hơn.

Người đi chợ quê vẫn gánh gồng và thúng mủng kìn kìn.. Chỉ khác một điều, người đương thời ăn mặc sang trọng hơn. Họ đi đứng thanh thản và vui vẻ khi ấm no cùng không khí xuân đã tới muôn nhà.

Phan Thế Cải

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nho-cho-dinh-ngay-tet-post190516.info