Nhiều loại hoa ở Huế rẻ chưa từng thấy

Nguyên nhân giá hoa ở Huế giảm như vậy được cho là do sức mua kém vì thời tiết mưa lạnh kéo dài.

Sáng 2/2 tức 24 tháng Chạp Âm lịch, thời tiết ở Huế mưa lạnh. Không giống các năm trước, các chợ hoa trước khu vực Phu Văn Lâu, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh và nhiều đường phố ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến thời điểm hiện tại vẫn thưa vắng người mua.

Chị Vân, ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết ở các chợ Bến Ngự, An Cựu, Đông Ba, nhiều loại hoa giá rẻ chưa từng thấy.

Điển hình là hoa lay ơn nhập từ Đà Lạt, Phú Yên chỉ có giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/10 bông. Đã công tác ở Huế mấy chục năm bây giờ chị Vân mới thấy lần đầu tiên có tình trạng hoa rẻ như vậy, chứ mấy năm trước 10 bông hoa lay ơn có giá xấp xỉ 100.000 đồng.

Các năm trước 10 bông hoa lay ơn có giá xấp xỉ 100.000 đồng. Ảnh minh họa: chichbong.com

Đang lúi húi bê hai chậu hoa thạch thảo lên xe, anh Đông nhân viên khách sạn ở đường Bến Nghé cho hay, giá của loại hoa này cũng chỉ có 300.000 đồng/cặp, chỉ bằng 1/3 của năm trước.

Anh Hùng, chủ cơ sở bán hàng mộc mỹ nghệ tại đường Trần Hưng Đạo cũng vừa mua 2 chậu cúc vàng với giá 150.000 đồng; loại hoa này mấy năm trước mỗi cặp có giá bán từ 250.000 đồng đến 550.000 đồng; thậm chí cúc đại đóa mang từ Đà Lạt về có giá lên tới 1,5 triệu đồng.

Đối với người buôn hoa là vậy, các vùng trồng hoa để cung cấp cho thị trường Tết ở Thừa Thiên - Huế cũng hết sức khó khăn. Đầu vụ nắng nóng kéo dài, mưa ít, nhiều loại sâu bệnh phát triển nhanh ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của hoa Tết.

Nhiều người trồng hoa còn phải tốn thêm chi phí đầu tư như: phân, thuốc, lưới che... trong khi năng suất hoa năm nay giảm khoảng 20%. Vì vòng đời của hoa ly chỉ kéo dài khoảng 75 ngày từ khi củ nảy mầm cho đến lúc thu hoạch.

Nếu thời tiết quá lạnh, vòng đời sẽ kéo dài còn thời tiết nóng, ấm củ ươm mầm dễ thối, vòng đời cây cũng ngắn hơn. Còn các loại hoa trồng ngoài trời như nho, cúc, vạn thọ… tưới nước, bơm thuốc chống nấm thường xuyên vẫn không tránh khỏi bị dịch bệnh.

Điều trớ trêu là trong khi phun thuốc chống nấm và sâu bệnh, nhiều ruộng hoa kém phát triển, hoa không hé nụ, người trồng hoa ở Huế hết sức lúng túng, bởi trung bình mỗi hộ không kể công sức, riêng tiền vốn, tiền phân bón, điện sưởi ấm cho hoa chi phí lên tới cả chục triệu đồng.

Trong khi người trồng hoa Tết ở Huế đang âm thầm chống chọi với thời tiết thì các làng hoa giấy ở Huế lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Ảnh: hoasengiaythanhtien.com

Làng hoa giấy Thanh Tiên ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách trung tâm kinh thành Huế chừng 10km về phía Đông Bắc, với nghề truyền thống làm hoa giấy đã tồn tại mấy trăm năm. Năm nay, nắm bắt nhu cầu hoa giấy tăng cao vào dịp Tết, từ tháng 11 trở đi, người dân bắt đầu phơi tre, chọn tre và chẻ tre cho thật khéo.

Thời gian sau đó lại bắt đầu nhuộm giấy, từng nhà lại quây quần làm hoa giấy. Tất cả các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh, làm nhụy hoa… đều được thực hiện bằng đôi tay khéo léo của người thợ. Công đoạn cuối cùng là tạo nếp nhăn trên hoa, tạo sự sống động cho cánh và kết lại thành từng cành, mỗi cành 9-10 bông.

Hoa giấy không đẹp bằng hoa tươi, nhưng bù lại giá cả lại khá rẻ, thường mỗi cành 2.500-3.000 đồng, riêng sen giấy có giá 7.000-10.000 đồng/bông. Có bông sen được thợ sáng tạo lắp thêm đèn điện bên trong, khi thắp sáng lên, hoa trông rất đẹp.

Càng gần Tết, mưa lạnh càng kéo dài, cả người trồng hoa lẫn người buôn hoa ở Huế chỉ còn cầu mong cho mưa thuận gió hòa, để may ra còn vớt vát lại đồng vốn cũng như công sức chăm chút cho cả vụ hoa./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhieu-loai-hoa-o-hue-re-chua-tung-thay/8767.html