Nhiều “cảm xúc” của cổ đông ngân hàng ACB

Cổ đông của ACB tỏ ra khá hài lòng vì cuối cùng lãnh đạo của nhà băng này cũng đã nói thẳng, nói thật về tình hình hiện nay. Sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng cũng khiến nhiều người yên tâm hơn.

Ngày hôm qua (26/12), Ngân hàng TMCP Á Châu ( ACB ) đã tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2012. Đại hội đồng cổ đông đã nhất trí thay đổi và bổ sung ngành nghề kinh doanh vào Giấy thành lập hoạt động và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của ngân hàng (tổng cộng phần sửa đổi dài 52 trang), nhất trí miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT đã xin từ nhiệm hồi tháng 8 và tháng 9, đồng thời bầu bổ sung mới 4 thành viên theo danh sách ứng cử từ trước.

Không giống như các ĐHCĐ bất thường khác, ĐH của ACB lần này đã nhận được rất nhiều câu hỏi của cổ đông về hoạt động của ngân hàng hiện nay. Cũng dễ hiểu vì ACB đã trải qua thời gian khủng hoảng nghiêm trọng.

Tại Đại hội, các cổ đông đều có chung mong muốn rằng, ngân hàng nên nói thẳng, nói thật về tình hình hiện nay. Hồi tháng 8, tháng 9, khi xảy ra vụ việc 4 cựu lãnh đạo bị khởi tố vì làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, đại diện ACB liên tục lên tiếng trấn an cổ đông rằng, sự việc ấy sẽ không ảnh hưởng gì tới hoạt động của ngân hàng. Thế nhưng trên thực tế, báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 thì lại cho ra những con số hoàn toàn trái ngược, như là tổng tài sản giảm hơn 66.000 tỷ đồng, số tiền gửi của khách hàng giảm hơn 22.000 tỷ, kết quả chung thì lỗ nặng, đặc biệt là lỗ vàng và ngoại tệ lên tới hơn 1.100 tỷ đồng.

Theo một cổ đông đã lớn tuổi của ngân hàng: “chúng ta không còn gì để mất, vậy nên lãnh đạo ngân hàng nên nói thật về tình trạng hiện nay. Chúng ta đã lỗ bao nhiêu, sẽ lỗ bao nhiêu nữa. Thời gian tới sẽ tập trung làm gì…Biết được thực trạng thì mới đặt ra được mục tiêu để phấn đấu”.

Còn một cổ đông nước ngoài của ngân hàng thì quan tâm nhiều hơn tới vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên và các công ty của ông Kiên có mối quan hệ như thế nào và đang vay của ngân hàng bao nhiêu.

Thêm vào đó, điều mà cổ đông đang chờ đợi là ngân hàng làm sao để vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư. Giá cổ phiếu hồi năm 2008 là hơn 40.000 đồng, nhưng đến nay chỉ còn 16.000 đồng, khoản tiền hơn 718 tỷ đồng do chủ trương sai trái của các cựu lãnh đạo có thu hồi được hay không và giải quyết ra sao.

“Chúng tôi rất bức xúc, vì sao ngân hàng lại đi bán hơn 10 tấn vàng huy động của dân với giá 41 triệu đồng/lượng để đầu tư, để rồi phải mua lại giá 46 – 47 triệu đồng để trả lại. HĐQT lại ra quyết định một mình mà không hỏi ý kiến cổ đông về chính sách đi gửi tiền ở 29 ngân hàng khác, dẫn tới bị lừa đảo. Chúng tôi yêu cầu, từ nay, những quyết định lớn liên quan đến hoạt động, đến lợi ích của cổ đông thì ngân hàng phải hỏi ý kiến của đông”, một cổ đông khác bức xúc.

Trước bức xúc của các cổ đông, lãnh đạo ACB đã không thể không trả lời các câu hỏi. Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy đã thừa nhận, sự việc hồi tháng 8 là “tâm bão” của khủng hoảng. Tài sản đã giảm sút tới 30% và lần đầu tiên kinh doanh bị thua lỗ. Xét về góc độ nào đi chăng nữa thì con số 28.000 tỷ đồng bị rút cũng là một vấn đề không nhỏ. Còn Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn thì cho biết, khoản lỗ liên quan đến vàng và ngoại tệ đã lên tới 1.700 tỷ đồng (trong báo cáo quý 3, khoản lỗ này là 1.144 tỷ đồng, như vậy quý 4 ACB đã lỗ tiếp 556 tỷ đồng). Khoản tiền liên quan đến các công ty của bầu Kiên là 7.000 tỷ đồng và có tài sản đảm bảo. Năm 2012 dự kiến lãi khoảng 1.200 tỷ đồng.

Những con số được chủ tịch và tổng giám đốc của ngân hàng đưa ra không khỏi khiến người ta giật mình, vì trước đó các lãnh đạo ngân hàng vẫn khẳng định sẽ không thiệt hại quá nhiều. Đúng là việc đóng trạng thái vàng đã khiến ngân hàng thiệt hại không nhỏ, thế nhưng lên tới 1.700 tỷ đồng trong 2 quý thì không ai có thể lường được. Tài sản giảm tới hơn 30% tức 66.700 tỷ đồng - mức giảm tương đương với tổng tài sản của vài ngân hàng nhỏ cộng lại quả là quá lớn. Lợi nhuận trước thuế năm 2011 của ngân hàng là hơn 4.200 tỷ, năm 2010 cũng là hơn 3.100 tỷ, năm 2009 là hơn 2.800 tỷ, nhưng năm nay chỉ còn 1.200 tỷ - chưa bằng 30% so với năm ngoái.

Tổng giám đốc của ngân hàng cho biết mục tiêu năm 2013 sẽ không quá cao. Hiện vẫn chưa có con số về chỉ tiêu lợi nhuận, nhưng tăng trưởng huy động vào khoảng 20 – 30%, tín dụng tăng khoảng 15 – 20%, mở rộng mạng lưới chi nhánh…đồng thời xác định 2013 sẽ là năm bản lề để bứt phá vào năm 2014.

Như vậy, rõ ràng rằng, khủng hoảng vừa qua đã khiến cho một ngân hàng thuộc top đầu phải cần tới hơn 1 năm để hồi phục là vấn đề không nhỏ như đã xác định trước đó. Dẫu sao, lãnh đạo ngân hàng giờ đây đã thẳng thắn thừa nhận tình hình và bày tỏ quyết tâm đưa hoạt động trở về quỹ đạo đã giúp nhà đầu tư và cổ đông yên lòng hơn. Vấn đề hiện nay là ngân hàng phải quản trị rủi ro làm sao, phải có kế hoạch kinh doanh làm sao để vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư và khách hàng.

Về sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng, tất cả các cổ đông của ngân hàng đều nhất trí và cảm thấy khá yên tâm vì ông Hùng là người sáng lập ngân hàng, đã lãnh đạo ngân hàng trong suốt 14 năm cho đến 2008 và những kết quả đạt được trong giai đoạn ấy là rất lớn. Cũng có một số cổ đông đặt giả thiết rằng, có thể trong đại hội thường niên 2013 (theo ông Đỗ Minh Toàn là sẽ diễn ra trong khoảng trên dưới 3 tháng nữa), ông Hùng sẽ trở lại với vị trí cao nhất tại ACB.

Sự trở lại của ông Hùng cũng đồng nghĩa với một gia đình có tới 3 người nằm trong HĐQT - một mô hình ngân hàng mang dáng dấp của "gia đình trị" và đi ngược với xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay. Thế nhưng cổ đông của ngân hàng cũng không phản đối. "Gia đình trị không vấn đề gì, miễn là không phải sở hữu chồng chéo như tại một số ngân hàng. Chỉ cần các anh có năng lực, hết lòng vì ngân hàng và không làm gì sai trái pháp luật để ảnh hưởng tới cổ đông thì chúng tôi luôn ủng hộ", một số cổ đông cho biết như vậy sau ĐH ngày hôm qua.

Thành Hưng

Theo TTVN

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/nhieu-cam-xuc-cua-co-dong-ngan-hang-acb-2012122708478569ca34.chn