Nhà máy Z131 - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

(CL)-Nhà máy Z131 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là doanh nghiệp quốc phòng - an ninh được thành lập ngày 15/6/1966. Nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất quốc phòng phục vụ quân đội suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cho đến nay. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị cấp trên giao phó, Nhà máy Z131 còn là một trong những đơn vị dẫn đầu của ngành công nghiệp quốc phòng về sản xuất kinh tế. Nhờ đó, đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho hàng nghìn người. Điều đáng quý của những con người nơi đây là trong bất cứ hoàn cảnh nào họ vẫn bám nhà máy sản xuất với sự đoàn kết trên dưới một lòng. Từ đây, một làng quân nhân đã hình thành và gắn bó với nhà máy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ban chấp hành Đảng bộ nhà máy

Từ lịch sử hào hùng

Nhà máy được xây dựng trong giai đoạn miền Bắc bị đế quốc Mỹ ném bom phá hoại ác liệt. Vì vậy, phải đóng trong rừng sâu, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, hầu hết công nhân mới bước vào nghề. Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, nhà máy đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại vũ khí chiến đấu phục vụ chiến trường, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Qua 9 năm đầu tiên, với ba lần di chuyển, bất chấp bom đạn của chiến tranh phá hoại, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, nhà máy vẫn vừa xây dựng vừa sản xuất và phục vụ chiến đấu.

Đất nước thống nhất, ngành công nghiệp quốc phòng chuyển sang hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một thử thách mới cho những chiến sĩ quân giới trong thời bình. Cùng với các nhà máy sản xuất quốc phòng khác trong Tổng cục, Z131 vừa sản xuất quốc phòng vừa tham gia sản xuất kinh tế. Từ năm 1976 - 1985, nhiệm vụ sản xuất quốc phòng của Z131 giảm chỉ còn 30% giá trị tổng sản lượng. Toàn thể CBCNV của Z131 đã khắc phục khó khăn vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, vừa đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản xuất kinh tế, đảm bảo đời sống và duy trì năng lực sản xuất quốc phòng. Vì vậy, khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây nam năm 1978 và biên giới phía Bắc 1979, Z131 vẫn hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng phục vụ cho các mặt trận, cùng quân dân cả nước giữ vững độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn đổi mới đất nước, những năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng VI, nhà máy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nổi lên là nhiệm vụ quốc phòng không ổn định, thiếu vốn, thiếu việc làm, sản phẩm kinh tế làm ra không tiêu thụ được, đời sống CBCNV vô cùng khó khăn. Giai đoạn 1995 - 1998 khó khăn nhất tưởng chừng như không trụ vững. Nhưng bản chất những người lính vốn kiên cường, không chịu khuất phục hoàn cảnh, họ vẫn tìm cách vượt qua. Năm 1999, sản xuất kinh doanh bắt đầu có lãi. Năm 2000, nhà máy từng bước ổn định đi lên. Từ một đơn vị yếu kém, Z131 đã vươn lên là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Sản xuất kinh doanh được duy trì đạt tốc độ tăng trưởng khá và có hiệu quả cao, đời sống vật chất tinh thần của CBCNV được nâng cao, bộ mặt nhà máy ngày càng khang trang hiện đại.

Giám đốc, Đại tá Hoàng Hữu Mùi tổng kết lại những năm tháng gian khổ ấy một cách ngắn gọn, dí dỏm: “Lúc đó, anh em chúng tôi đã phải xoay sở đủ nghề để tồn tại và phát triển. Chì, mì, thuốc, nước, đá, đạp, mây, mành, quốc, kìm, xe, máy là những nghề đã từng kinh qua. Đó là tinh luyện chì tách bạc, sản xuất mì tôm, thuốc nổ công nghiệp, nước khoáng, đá mỹ nghệ, phụ tùng xe đạp, mây tre đan, mành cọ xuất khẩu, sản xuất quốc phòng, kìm bấm, xe đạp và máy nông nghiệp”.

Đến Anh hùng lao động

Giai đoạn 10 năm trở lại đây là một giai đoạn phát triển rực rỡ nhất và rất đáng tự hào của Nhà máy Z131. Đối với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, tỷ lệ chiếm 30% doanh thu hàng năm song luôn được nhà máy xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Vì vậy, Z131 luôn chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện và hoàn thành tốt yêu cầu của cấp trên. Để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống CBVNV, nhà máy tận dụng những năng lực hiện có về con người, thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm kinh tế. Ngoài việc tập trung duy trì tốt mặt hàng chủ lực phục vụ quốc phòng và kinh tế, Z131 còn nghiên cứu và phát triển nhiều mặt hàng kinh tế khác như sản phẩm cơ khí, cơ điện, kết cấu thép phục vụ cho ngành điện, than, xi măng, đường sắt, tham gia xuất khẩu một số sản phẩm... Hiện nay, nhà máy đang cung cấp hàng chục loại mô hình học cụ dùng cho giáo dục quốc phòng cho các sở giáo dục thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước. Độc quyền cung cấp vỏ Attomat an toàn chống cháy cho ngành than. Cung cấp bánh răng, chi tiết thiết bị cho ngành xi măng. Các sản phẩm kinh tế chiếm 70% giá trị tổng doanh thu hàng năm của nhà máy. Các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội tăng bình quân hàng năm 24%. Giá trị doanh thu năm 2010 tăng gấp 9,8 lần so với 2001; lợi nhuận tăng 6,2 lần; nộp ngân sách tăng 11 lần; thu nhập bình quân tăng gấp 8 lần. Năm 2011, doanh thu đạt trên 800 tỷ đồng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người là 9,5 triệu đồng/ tháng.

Để đạt được những thành quả như trên, Z131 là đơn vị dẫn đầu ngành CNQP trong việc đổi mới công nghệ, chủ động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ hiện đại. Nghiên cứu, chế tạo được nhiều loại sản phẩm quốc phòng, sản phẩm kinh tế chất lượng cao. Đơn vị cũng có nhiều thành tích trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Sản phẩm chủ lực của nhà máy 2 lần được trao giải “Sao vàng đất Việt”; “Hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn”; Giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình nghiên cứu, công trình nghiên cứu; Giải Nhì “Giải thưởng sáng tạo Khoa học - Công nghệ Việt Nam” (VIFOTECH)... Z131 còn đạt nhiều các giải thưởng và danh hiệu cao quý khác như bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của các cấp, các ngành. Nhiều Huân chương chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba... Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới, Huân chương lao động hạng Nhì (2005), Huân chương lao động hạng Nhất (2010), Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ 2011.
Với những thành tích đã đạt được, đóng góp vào công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày thành lập, Nhà máy Z131 vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Điển hình cần được nhân rộng

Ngoài những thành tích nổi bật làm nên một diện mạo Z131 như ngày hôm nay, còn có một điều quan trọng không kém mà ít người biết đến về tập thể anh hùng này. Đó là một làng quân nhân được hình thành bao bọc quanh khuôn viên nhà máy với hàng trăm hộ gia đình. Từ làng đó, những thế hệ ông, cha, con, cháu... cùng tiếp bước nhau xây dựng, bảo vệ nhà máy. Họ gắn kết với nhà máy như một lẽ tự nhiên. Trong đó, có gia đình có đến ba, bốn thế hệ cùng làm trong nhà máy như gia đình ông Vũ Thiếu Nhiếp và bà Nguyễn Thị Đàm. Vợ chồng ông gắn bó với nhà máy 20 năm. Hiện nay, con trai ông bà là anh Vũ Tiến Dũng, cháu nội Vũ Tuấn Anh đang công tác trong nhà máy. Họ thấy tự hào khi được là thành viên của đại gia đình Z131.

Gọi là “làng” quân nhân nhưng thực chất đó là những khu phố khang trang, hiện đại có chợ và có trường mẫu giáo, có khu vui chơi giải trí... Nhìn vào đó như nhìn thấy biểu tượng sức mạnh của tình đoàn kết mà không gì có thể lay chuyển nổi. Từ kinh tế phát triển, Z131 đã xây dựng được môi trường văn hóa, ổn định đời sống cho CBVNV, tạo thế và đà phát triển bền vững, lâu dài. Đây là một điển hình tốt cần được phổ biến và nhân rộng.

Kim Thanh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/DoanhnhanNhabao/2012/6/D45F73069F7B4591/