Nha công an trung ương - Một thời hào hùng

Xe chở đoàn cựu cán bộ của Nha Công an Trung ương (CATƯ) rẽ từ đường quốc lộ vào khu di tích lịch sử CAND, vừa qua cổng, cụ Lê Nguyên Diệu ngồi cạnh cửa xe bỗng nhổm người lên reo lên hồn nhiên như một đứa trẻ: “Suối Lê; suối Lê đây rồi!”. Không khí trong xe trở nên ồn ào. Khu di tích tòa ngang dãy dọc khang trang hiện lên trước mặt mọi người.

Một cuộc gặp cảm động

Đứng trước tượng đài Vì An ninh Tổ quốc, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công An là người chỉ đạo, thậm chí vào giai đoạn cuối có lúc ông trực tiếp làm tổng chỉ Huy xây dựng khu di tích này, bồi hồi ôn lại: Đây là một công trình vừa thiết kế vừa thi công, tốc độ thi công nhanh... Công trình gồm các hạng mục chính: Tượng đài Vì ANTQ, Quảng trường; hai lá cờ: Cờ Đảng - Cờ Tổ Quốc, Bảo tàng và danh sách 13.689 liệt sĩ công an nhân dân… Giai đoạn nước rút để hoàn thành khu di tích vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập lực lượng CAND, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn những ngày nghỉ cuối tuần thường xuyên về chỉ đạo tiến độ thi công, thiết kế kỹ - mỹ thuật, chọn nguyên vật liệu, chất liệu xây dựng... Trung úy Nguyễn Như Trang - Ban QLDA khu di tích cho biết, kinh phí để xây dựng khu di tích lịch sử này là tiền đóng góp của cán bộ chiến sĩ CAND cả nước, không dùng tới một đồng tiền kinh phí của Nhà nước.

Tượng đài khu di tích Nha Công an Trung ương Ảnh: Như Trang

Đứng trước khu di tích hoành tráng về kiến trúc, tuyệt đẹp về cảnh quan giữa khung cảnh thiên nhiên và môi trường trong mát vào buổi sáng mùa thu, nắng buổi sớm tuy gay gắt, nhưng ai cũng cảm thấy sảng khoái dễ chịu. Những cụ là cựu cán bộ Nha CATƯ hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì mới 5 năm trước đó thôi mà bây giờ đã đổi thay nhiều. Mới ngày nào họ cùng nhau đi định vị lại nơi họ đã từng ở và công tác trong những ngày kháng chiến gian khổ, nơi khỉ ho cò gáy, đêm ngủ cọp vào nhà chui vào gậm phản cõng đi con chó mà cơ quan định làm một nồi riềng mẻ cho bữa liên hoan dự kiến tổ chức vào ngày hôm sau. Công cốc cả một năm chăm bẵm. Sáng ra nhìn dấu chân cọp to như cái bát cơm, ai nấy đều lắc đầu, lè lưỡi, thở phào: “May quá không ai bị việc gì!”. Cụ Diệu hồi tưởng lại, khi nhận được giấy mời của Ban liên lạc, cụ cố thuyết phục cụ bà cùng đi. Những lần trước cụ bà còn từ chối, lần này cụ đã theo cụ ông như trở về với cố hương. Hai cụ ngồi bên nhau chăm chút từng li từng tí, vẫn anh anh, em em, tình cảm như thời mới yêu nhau.

Những cựu cán bộ Nha CATƯ tham dự chuyến hành hương lần này còn ít lắm, có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng Ban liên lạc vẫn duy trì các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động từ thiện, giao lưu các thế hệ. Con của các đồng chí đã từng công tác ở Nha CATƯ như cố thứ trưởng: Ngô Ngọc Du (anh Tuấn - anh Sơn), Nguyễn Minh Tiến (chị Hiền - chị Thục), Viễn Chi (anh Minh); cụ Đoàn Kính (chị Hòa - chị Thuận)… là thế hệ thứ hai cũng tham gia rất nhiệt tình... Một điều tuyệt vời là họ rất thân thiết với nhau, coi các đồng đội của bố mẹ như cha chú ở trong nhà. Chứng kiến những tình cảm ấy, tôi rất xúc động. Có lẽ tình cảm được nuôi dưỡng trong sự chân thành và gắn bó máu thịt trong gian khó của những người đồng chí đã truyền lại cho con cháu họ.

Mọi người đến thăm ông Vi Đức Phương - nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, cựu nhân viên văn phòng Nha CATƯ, ông đang dưỡng bệnh, do sức khỏe giảm sút nên ông lúc nhớ, lúc quên. Nhưng hôm nay vừa gặp ông đã nhận ra ngay Thiếu tướng Quang Phòng, bà Lê Thu... chuyện hàn huyên thật xúc động.

Lãnh đạo công an tỉnh Tuyên Quang các thế hệ, lãnh đạo khu di tích lich sử CAND đón tiếp đoàn cựu cán bộ Nha CATƯ với tình cảm kính trong thân thiết như đón những người thân đi xa trở về.

Cảo thơm lần giở trước đèn

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng - nguyên phó tổng cục trưởng tổng cục an ninh, linh hồn của Ban liên lạc hội cựu cán bộ Nha CATƯ, mở đầu buổi giao lưu, cho biết: Thực hiện quyết sách trường kỳ kháng chiến, Bác chỉ đạo cơ quan đầu não của Đảng, chính phủ trở lại chiến khu mà các cơ quan T.Ư đã đóng trước khi về tiếp quản thủ đô. Nha CATƯ đóng ở thôn Đồng Đon (xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), gần đó là các cơ quan của Đảng, Chính phủ. Trước khi về tiếp quản thủ đô, Bác đã chỉ đạo đồng chí Lê Giản ở lại củng cố chiến khu để có thể phải quay trở lại kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài.

Lo xa của Bác quả là thần diệu. Sự việc đúng như Bác đã tiên đoán. Lúc đầu mới lên cơ quan chỉ khoảng hơn một chục người. Sau đó số cán bộ nhân viên của nha tăng lên gần 150 người. Lúc đầu còn ở nhà dân, sau đó làm nhà ra ở riêng. Toàn bộ nhà cửa của cơ quan Nha CATƯ đều ẩn dưới tán cây rừng. Nhà làm bằng khung gỗ, tre, lợp bằng phên nứa, lá cọ. Trong nhà thường có một dãy bàn, hai hàng ghế để ngồi làm việc. Giường ngủ là những sạp dài, bề mặt đan bằng phên nứa. Xung quanh nhà dọn cỏ sạch sẽ, có rãnh thoát nước phòng rắn, muỗi, vắt. Các nhà được nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào.

Cựu cán bộ Nha Công an Trung ương đến thăm khu di tích ngày 25.8 Ảnh: Như Trang

Tướng Nguyễn Quang Phòng lúc đó công tác tại Ty Tình báo. Ty Tình báo được hình thành từ việc sáp nhập một bộ phận của Cục Tình báo (Bộ Quốc phòng) vào Nha CATƯ theo quyết định số 08-QĐ/TW ngày 28.02.1950 của Ban thường vụ T.Ư Đảng. Ngày 14.5.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 66 - SL thực hiện quyết định này. Lễ sáp nhập thành lập ty tình báo thuộc Nha CATƯ để bảo mật được gọi tên là “đám cưới của anh cả Nhã và cô Tý béo”. Sở dĩ có tên gọi kì lạ này là do thời kì nay Nha CATƯ có biệt danh là “Nhà ông cả Nhã” địa chỉ là Việt Yên trong hệ thống giao thông liên lạc trong ngành công an. Từ “Tý béo” là tiếng lóng để chỉ từ tình báo. Đồng chí Trần Hiệu được giao trách nhiệm là trưởng ty. Cán bộ chiến sỹ của ty sinh hoạt biệt lập, mặc dù cùng ở trong khu cơ quan Nha CATƯ. Nhà ăn của Ty Tình báo nằm sát bờ suối Lê, còn nhà ở nằm ở chân đồi nhìn xuống cánh đồng Lũng Cò.

Trong tâm tưởng, bà Lê Thu không lúc nào vắng hình ảnh ông Cao Phòng, người chồng mà bà hết mực yêu thương. Sau 65 năm bà có ông, kể cả những tháng năm ông đã đi xa, bà vẫn tự hỏi: Tại sao bà, một phụ nữ dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng, ít chữ, người thấp nhỏ, lại “cưa” đổ một chàng trai cao lớn, đẹp trai nổi tiếng trường Bưởi (Hà Nội). Bà đắm say ông, ông đắm say bà chỉ có ông và bà biết. Tám mươi tư tuổi rồi, bà nói chuyện mà như tự sự với giọng còn đắm say lắm. Ông bà đã bao lần hẹn hò bên suối Lê, bao lần ngắm Lũng Cò trong chiều tà, lúc hoàng hôn buông dần màn đêm xuống để gọi ánh trăng non về bên đỉnh núi xa xa. Kết thúc hội nghị công an lần thứ V vào trung tuần tháng 1.1950, đám cưới của ông bà được tổ chức trọng thể tại Hội trường nha Công an, nơi vừa diễn ra hội nghị.

Cái chung và cái riêng hòa cùng nhau tạo nên niềm vui lớn. Hội nghị công an thông qua đề án xây dựng công an nhân dân, công tác tình báo, căn cước... các đề án này đã đặt nền móng về lý luận nghiệp vụ cho công tác công an. Đám cưới của ông bà diễn ra trong niềm vui chung, trong sự yêu thương đùm bọc của đồng chí đồng đội. Thương ông bà không có quần áo lành trong ngày cưới, đồng chí Phạm Hùng - Giám đốc Nha công an Nam Bộ, đại biểu dự hội nghị công an toàn quốc đã tặng mỗi người 4m vải để may quần áo cưới. Ngày cưới không có mâm cao cổ đầy, nhưng cả cơ quan tràn đầy tiếng đàn, giọng hát.

Ở Nha CATƯ còn có những mối tình mà người nghe kể chuyện này cứ tưởng nghe chuyện tình của nàng Kiều với chàng Kim Trọng. Vì tình yêu nàng Kiều bất chấp lễ giáo phong kiến “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến với Kim Trọng. Chuyện tình của ông Đoàn Kính với bà Lê Thị Ren cũng như vậy. Vì nhiệm vụ kháng chiến ông Đoàn Kính theo cơ quan - Nha CATƯ - lên Sơn Dương làm việc. Vì nhà ở xa, khi biết ông đã đi kháng chiến, bà liền trốn nhà vượt qua hàng trăm cây số đi tìm ông. Đường xa, qua núi cao, suối sâu, thú dữ rình rập, địch vây quét bắt bớ, chặn mọi ngả đường lên chiến khu. Thế mà bà tìm được nơi Nha CATƯ ở, đến được với ông. Không hôn thú, không cưới xin nhưng ông bà vẫn sống hạnh phúc, sinh ra con trai đầu lòng vào năm 1952, đặt tên là Đoàn Đức Nghĩa. Ngày đoàn cựu cán bộ Nha CATƯ trở lại Sơn Dương thăm lại chốn cũ người xưa (25.8.2015), anh Nghĩa vì có việc bận, không đi được nhưng vẫn dõi theo hành trình của Đoàn. Khi đoàn vừa đến nơi anh đã gọi điện thoại cho hai cô em: Hòa - Thuận hỏi thăm đoàn đã đến nơi chưa, anh mong có ngày được trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Trong đoàn có nhiều người thuộc thế hệ thứ hai của những người có thời gian công tác tại Nha CATƯ đóng quân đã sinh ra và lớn lên cùng bố mẹ trong thời gian khó ấy. Các bậc tiền bối của họ không còn nữa như cố thứ trưởng Ngô Ngọc Du, Viễn Chi, Minh Tiến… nhưng thế hệ con cháu các cụ có lẽ không thể quên được mảnh đất, con người đã nuôi dưỡng chở che cho bố mẹ, cho họ trong những ngày đầu kháng chiến 9 năm gian khổ.

Đứng trước bức ảnh của những người đồng đội của mình ông Lê Nguyên Diệu không tránh khỏi phút yếu đuối của lòng mình. Ông đọc câu thơ: “Lê Tổng giám đốc đầu râu rậm / Mặt tròn mày chổi má hồng pha”. Nghe câu thơ ấy tôi hình dung ra đó là ông Lê Giản, vì tôi đã có dịp làm việc với ông, nên khi nghe đọc thơ tôi hình dung ra ngay. Đứng cạnh cụ Diệu tôi buột miệng nói tên người, cụ Diệu xác nhận ngay. Có lẽ hình ảnh người Thủ trưởng đã in sâu trong tình cảm của cụ. Lúc đó cụ Diệu mới 15 tuổi, vào công tác tại Nha CATƯ. Lúc đầu làm liên lạc, sau này phát hiện ra cụ có năng khiếu viết chữ ngược vừa đẹp lại vừa nhanh, đồng chí Nguyễn Văn Tuất phụ trách nhà in báo nội san “Rèn Luyện” xin cụ về “tòa soạn”.

Cụ cũng là một trong những người cuối cùng rời Đồng Đon về Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Chứng kiến trận máy bay Pháp ném bom vào nơi đóng quân của đơn vị và cũng từ những hố bom sâu ấy cụ đã nhận diện góp phần xác định vị trí phục dựng lại khu di tích. Từ những hố bom đó đoàn khảo sát mới định vị được chỗ nào là nhà đồng chí Lê Giản - Giám đốc nha Công an đầu tiên, đâu là nhà hội trường, nhà thông tin điện đài, nhà tình báo, nhà Ty trật tự - tư pháp, nhà Ty chính trị, nhà in nội san “Rèn luyện”.

Trong buổi gặp mặt, cụ Lê Nguyên Diệu đọc bài thơ “Lũng Cò - Miền thương nhớ”, ôn lại một thời gian khổ nhưng hào hùng của những người công tác tại Nha CATƯ. Ngày vào Nha CATƯ cụ còn niên thiếu, nay đã là cụ lão tuổi 84 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, hăng hái như ngày đầu “nhập ngũ”. Cụ xúc động đọc “Nhớ những ngày đói cơm đói muối / Có ớt rừng, rau rừng lót dạ / Sốt rét cứng hàm thuốc thang khan hiếm / Có nước măng chua thay ký ninh vàng…”. Cụ nhớ lại những đồng chí thân yêu, những người dân địa phương đã từng cưu mang đùm bọc “chỉ cho tôi đạo lý làm người”.

Cụ Lê Nguyên Diệu kể lại như sau: Khoảng tháng 9 năm 1950, Nha CATƯ chuyển tới địa điểm mới tại xã Yên Nguyên, Tân Thịnh, Tân An thuộc huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang). Báo Rèn Luyện phải chuyển đi sau vì có máy móc nặng nên chưa thể khởi hành cùng cơ quan. Mấy ngày sau thì có hiện tượng lạ là máy bay bà già của Pháp bay đi bay lại trên khu vực của cơ quan. Hôm đó, cán bộ nhân viên của tờ nội san Rèn Luyện đi lấy gạo cách xa cơ quan khoảng 9 km, chỉ có đồng chí Phóng ốm nằm ở nhà. Khi đoàn lấy gạo trở về còn cách cơ quan khoảng 2 km đường rừng thì thấy máy bay Dacota hết lượt này đến lượt khác thả bom xuống khu vực cơ quan đóng quân... từ 2h - 4h chiều. Khi máy bay ngừng ném bom anh em chạy về cơ quan đến bên bờ suối Lê nhìn về, thấy nhà cửa tan hoang cây cối ngả nghiêng, như có một người khổng lồ vừa đào bới. Mọi người đứng bên suối gào lên gọi tên đồng chí Phóng... bất ngờ, ông chạy ra từ đống đổ nát ấy, quần áo te tua, mặt mũi đen nhẻm. Thế là ào qua suối ôm lấy nhau, thế rồi òa lên khóc.

Những điều để lại

Những cựu cán bộ Nha CATƯ tuổi cũng đã cao, đều trên 80 đến gần 90 tuổi, các cụ còn rất khỏe, riêng cụ Vi Đức Phương đã yếu nhiều so với những lần gặp mặt trước đây. Nhưng các cụ vẫn hoạt động hăng hái để làm được việc gì đó cho đời. Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cho biết, chuyến đi này Chi hội Chữ thập đỏ của Ban Liên lạc Cựu cán bộ Nha CATƯ phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Hà Nội tặng 60 suất quà cho các cháu tàn tật tỉnh Tuyên Quang. Chi hội cũng tích cực hoạt động ở các tỉnh có những người có hoàn cảnh khó khăn nhằm góp phần giúp đỡ họ với đạo lý “lá lành đùm lá rách”. Cụ Lê Thu cho biết, cụ vừa đi 5 tỉnh miền Trung làm từ thiện. Các cụ đang làm tấm gương cho thế hệ con cháu noi theo.

Nhìn các anh các chị trong đoàn hành hương lần này, tôi thấy họ sẽ là thế hệ thứ hai nối tiếp truyền thống của cha anh họ. Vì họ đều là sĩ quan công an, quân đội cao cấp, những cán bộ nhà nước có cương vị cao trong công tác. Họ đều kính trọng những đồng chí của bố mẹ, hòa đồng với mọi người. Chắc chắn họ sẽ tiếp nối truyền thống của những cán bộ Nha CATƯ thủa nào. Những người con của Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đều tiếp bước theo con đường ông đã chọn. Con trai út của ông là thiếu tướng Nguyễn Quang Hùng - Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh cảnh vệ. Cụ Lê Thu các con đều thành đạt, con rể có người là Cục trưởng, có người là Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh - Trung tướng Nguyễn Chí Thành… Hai người con gái của cụ Lê Nguyên Diệu cũng là những trí thức thành đạt…

Thầy giáo - đại tá Đỗ Lai Kiên kết thúc buổi giao lưu gặp mặt giữa Ban liên lạc cựu cán bộ Nha CATƯ với các thế hệ lãnh đạo cán bộ chiến sĩ công an tỉnh Tuyên Quang bằng bài hát “Chưa hẹn ngày về” và “Đóng nhanh thóc tốt”. Lúc bình thường, thầy bước bồng bềnh như đi trên mây, giọng không còn tròn vành rõ tiếng, nhưng khi hát mắt thầy sáng lên. Thầy cất giọng hát, lạ thay ai cũng nghe rõ lời thầy: “Mẹ ơi! Lúc xa mẹ, tuổi con còn thơ ấu / Con ra đi xa xăm không hẹn ngày về / Loài giặc còn kia, chúng con chưa về / Chờ một ngày mai, chúng con sẽ về / Mẹ ơi! Lúc con về là ngày vui chiến thắng”... Khi thày hát bài “Đóng nhanh thóc tốt” tất cả mọi người đứng lên vỗ tay cùng hát. Thầy Đỗ Lai Kiên là công an tỉnh Vĩnh Yên về Nha CATƯ năm 1951 làm ở Ty Chính trị, chuyên làm công tác tổng hợp tham mưu cho lãnh đạo trong công tác nghiệp vụ.

Năm 1953, thầy được về học lớp đào tạo I của Trường Công an Trung ương; được giữ lại trường làm công tác giảng dạy đến năm 1981. Sau đó làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Đào tạo Bộ Công an, Bí thư đảng ủy Tổng cục Xây dựng lực lượng. Thầy nhớ lại, trong thời gian kháng chiến, cán bộ chiến sĩ Nha CATƯ trải qua nhiều gian khổ nhưng phong trào văn nghệ vẫn sôi nổi. Thầy đã từng tham gia đóng kịch, có vai thầy đóng là phụ nữ, có vai thầy đóng là tri thức... “gian khổ nhưng vui”, thầy hiền lành kết luận.

Tinh thần của cán bộ Nha CATƯ, di tích lịch sử Nha CATƯ là minh chứng đánh dấu một chặng đường trong thời kỳ chống thực dân Pháp của CAND Việt Nam. Khu di tích này là nơi mà Nha CATƯ chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc làm nên những chiến công thầm lặng nhưng vô cùng vẻ vang, làm thất bại mọi âm mưu thâm độc và xảo quyệt của kẻ thù, bảo vệ công cuộc kháng chiến kiến quốc của cả dân tộc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/nha-cong-an-trung-uong-mot-thoi-hao-hung-369983.bld