Người có tết nên nghĩ về người... không tết

Xã hội luôn luôn phân chia hai đẳng cấp, kẻ giàu và người nghèo. Dịp tết đến, xuân về, người nghèo thì lần hồi lo ăn tết, còn người giàu thì lo chơi tết.

Dĩ nhiên người giàu thì sẵn tiền trong túi, muốn mua sắm cái gì, vào lúc nào cũng được. Họ cũng ăn tết và ăn rất to, đến mức thừa mứa. Trái lại, những người nghèo còn phải lo kiếm từng đồng lẻ để 3 ngày tết có mấy món ăn đơn giản đúng với hương vị xuân. Thế mới có nghịch cảnh là “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.

Vài năm trước, cứ mấy ngày sau tết, công nhân vệ sinh môi trường phải khổ sở vì thu gom rác. Nếu chỉ là rác bình thường thì không sao nhưng đây là những thực phẩm ôi thiu, thừa thãi bị bỏ đi. Đó là giò chả, măng miến ninh xương, bánh chưng, chè kho, các món xào thập cẩm; thậm chí những con gà luộc khô cứng vì để lâu. Sự lãng phí vô cùng của người giàu khiến người nghèo nhìn thấy mà xót xa, nuối tiếc.

Sự lãng phí ấy bắt nguồn từ suy nghĩ rằng, ngày tết phải có mâm cao cỗ đầy, phải có nhiều thứ để còn đãi khách. Bên cạnh đó là tư duy muốn chứng tỏ với thiên hạ “ta phải hơn người”. Có gia đình bày biện chồng chất mấy tầng trên bàn thờ nào rượu thịt, hoa quả, nào bánh kẹo với ý nghĩa báo hiếu với tổ tiên. Và thế là những mâm cao cỗ đầy ấy không thể ăn hết trong 3 ngày tết. Mà nếu có khách đi nữa thì ngày tết, nhà nào chẳng có cỗ, ăn vài bữa đã thấy bão hòa những món na ná giống nhau. Thế là dư thừa. Trời lạnh, món ăn xào đi, nấu lại vài lần ăn càng chóng chán. Thế là đổ đi.

Lại còn chuyện “Chở củi về rừng”. Những vị quan chức ở thành phố, dịp tết được cấp dưới biếu xén quá nhiều nên phải chuyển bớt về quê. Nếu thời bao cấp, cán bộ về quê tha quà tết lên thành phố thì bây giờ ngược lại. Từ gạo tám thơm, giò chả, bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo đến cả những con gà đồi, gà Đông Tảo, thậm chí cả lợn rừng đưa về cho gia đình, họ hàng ở quê.

Cái tâm lý chạy đua để không ai muốn kém cạnh ai của những nhà giàu lại làm khổ công nhân môi trường. Những cành đào tán rộng vài ba mét, cao ngất đến sát trần nhà, những cây quất nặng chừng nửa tạ được thải ra sau tết, ngổn ngang khắp phố phường khiến công nhân vệ sinh phải tăng ca, tăng chuyến để thu gom.

Năm nay kinh tế khó khăn, thiên tai từ thời tiết khắc nghiệt khiến cho hàng vạn gia đình nông dân mất mùa, sẽ không có tết. Đợt rét hại kèm theo băng tuyết ở 11 tỉnh phía Bắc vừa qua đã làm chết hàng loạt gia súc, gia cầm và hoa màu trên diện rộng. Người nông dân miền núi trông chờ vào nương ngô, ruộng khoai, vườn rau và mấy con trâu, bò, gà, lợn thì nay đã trắng tay. Họ còn gì để ăn tết nữa!

Những người nông dân ấy chỉ mong có lương thực để cứu đói chứ không hy vọng gì có thịt cá và những loại thực phẩm khác trong dịp đón xuân. Mặc dù mới đây, Chính phủ đã xuất hàng chục nghìn tấn lương thực cứu đói cho bà con ở 8 tỉnh nhân dịp tết Bính Thân. Nhưng với đợt rét hại này, thêm nhiều người dân nữa trông chờ vào sự cứu đói của Chính phủ.

Rét đến độ âm như vừa qua mà nhiều cháu bé ở miền núi phía Bắc chỉ phong phanh tấm áo mỏng, cởi truồng, đầu trần, chân đất. Chúng ngơ ngác nhìn đất, nhìn trời và đã quen chấp nhận cuộc sống thiếu đói ấy bởi bố mẹ chúng cũng không có nổi mấy chục nghìn mua cho chúng manh quần, tấm áo chống rét. Thiếu ăn, thiếu mặc và các cháu cũng chẳng tha thiết đến trường. Dù Nhà nước đã cho các giáo viên “cắm bản”, rất vất vả nhưng cũng khó thuyết phục được trẻ em như thế tới lớp. Ai đã một lần đến với vùng sâu, vùng xa, nơi núi rừng heo hút sẽ chứng kiến được cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số thiếu thốn và vất vả như thế nào.

Từ hai năm nay, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã khởi xướng phong trào thiện nguyện “bữa cơm có thịt” cho trẻ em nghèo miền núi. Đó là nghĩa cử đáng trân trọng và đã được nhiều nhà hảo tâm tự nguyện tham gia. Nhưng cố gắng ấy của nhà báo Trần Đăng Tuấn mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ bởi các cháu ở miền núi bữa cơm không có thịt còn nhiều quá.

Trước tết, nườm nượp các đoàn xe ngược lên miền núi tặng quà tết cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó là tấm lòng của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Khối lượng quà tết ấy vẫn như muối bỏ biển. Nếu không trở thành phong trào rộng rãi, thường xuyên của toàn xã hội thì không biết đến bao giờ mới giúp bà con và các cháu hết đói nghèo.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo được triển khai mấy chục năm nay nhưng vẫn còn đoạn trường gian nan lắm. Bởi xã hội phát triển, đời sống nâng cao thì chuẩn nghèo cũng được điều chỉnh lại. Năm trước thoát nghèo nhưng năm sau lại tái nghèo bởi chuẩn nghèo đã nâng mức thu nhập tính theo đầu người lên cao hơn. Đó là nguyên nhân con số đói nghèo cứ giảm rồi lại tăng mà khó có hồi kết.

Cộng đồng dân cư năm nào cũng có cuộc vận động quyên góp quỹ ủng hộ người nghèo. Các vị tổ trưởng dân phố đi đến từng nhà quyên góp nhưng đáng trách thay, không ít người dửng dưng từ chối; lại có người giàu sụ mà cũng chỉ “nhón tay” đóng góp được dăm ba chục nghìn. Thế mới rõ, đạo lý “Thương người như thể thương thân” vắng bóng trong tâm hồn của họ. Trong khi đó lại có những tấm gương sáng về “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, người nghèo nhưng vẫn đùm bọc, cưu mang người nghèo khổ hơn.

Cùng một cái tết cổ truyền dân tộc nhưng có gia đình chi phí hết hàng trăm triệu đồng, trong khi có hộ chỉ ăn tết với dăm ba trăm nghìn đồng. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo sẽ còn giãn cách xa hơn nữa nếu các chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của họ. Nhưng tất nhiên, Nhà nước không chỉ cho “xâu cá” mà còn phải cho họ “cần câu” và hướng dẫn họ biết câu.

Tết này, thời tiết khắc nghiệt những ngày qua đã lấy đi cái tết của hàng vạn gia đình; họ sẽ không có tết. Nhưng cũng tết này, có hàng vạn gia đình ăn không hết phải đổ đi. Có những người làm ăn chính đáng, thu nhập bằng mồ hôi nước mắt quanh năm để xứng đáng được hưởng một cái tết sung túc. Nhưng cũng có những người giàu có từ nguồn thu tham ô, tham nhũng và hối lộ. Chính những kẻ tham nhũng này là đối tượng góp phần làm nghèo đất nước và gia tăng số hộ nghèo.

Gần đây, một số người giàu có đã đổi mới tư duy về tết. Họ không còn lo ăn tết mà nghĩ đến việc chơi tết. Vì thế, khoản thực phẩm cho ngày tết không cần phải mua sắm nhiều, cũng không cần phải tích trữ. Họ đã dành thời gian đi du lịch trong và ngoài nước. Vì thế, ngày tết đối với họ trở nên ý nghĩa hơn là không chỉ ăn tết mà còn chơi tết. Cách ăn chơi ngày tết này cũng giảm đi phần nào sự lãng phí. Và đó sẽ là xu hướng phổ biển khi kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao.

Trở lại với chuyện tết của người giàu, kẻ nghèo, điều cần thiết vẫn là chủ trương tiết kiệm. Không phải có nhiều tiền mà chi tiêu phung phí, hợm hĩnh với đời.

Mong sao tết này, các công nhân vệ sinh môi trường không phải tăng ca, tăng chuyến đi hót những đống rác với những thực phẩm và hoa quả ôi thiu thừa mứa như mấy năm trước nữa. Và những người thừa tiền của cũng phải biết rằng, đang còn nhiều người nghèo năm nay không có tết!

Đức Toàn

Nguồn:

Năng lượng Mới số 496

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/nguoi-co-tet-nen-nghi-ve-nguoi-khong-tet-380376.html