Người có căn mệnh là ai?

Chúng ta vẫn thường nghe thấy nói đến những người có căn đồng, số lính. Họ là những người sinh ra để đi hầu thánh.

Thực hư chuyện này thế nào? Căn vốn có nghĩa là gốc rễ (rễ cây), còn có nghĩa để chỉ căn do (nguyên nhân) của sự vật hiện tượng. Dân gian cho rằng số mệnh con người do con tạo xoay vần, do thiên cơ định sẵn. Thông thường người Việt Nam vẫn tin cả số mệnh và luật nhân quả. Và căn đồng số lính có thể hiểu là số phận của một người đã được định sẵn là phải ra hầu thánh để làm lính, làm đồng. Tại sao một người bình thường lại có "căn đồng số lính"? Có người thắng thắn cho rằng, có thể ở kiếp trước, người đó báng bổ thần thánh, hoặc phá hoại đền chùa hay chế giễu những người đi lễ thành tâm. Cũng có thể là tiền kiếp, người đó nhất tâm phụng sự cửa thánh nhưng chưa trọn vẹn thì kiếp này ta lại phải tiếp tục phụng sự. Tuy nhiên, phần lớn người ta cho rằng, mỗi người có một vị thần cai quản số mệnh của mình (vị thần cầm bản mệnh). Chấm đồng cũng giống như chấm lính và bắt lính. Hình dung một người được các quan lại thời xưa chấm lính (biên tên vào sổ đi lính) rồi sau đó đến thời hạn các quan lại bắt lính. Chính vì vậy mà các cụ xưa có câu: Chấm đồng từ thủa mười ba. Đến năm mười bảy phải ra trình đồng. Vậy người ta nhận biết căn mệnh của mình từ đâu? Theo một số đồng thầy, người có căn mệnh có thể nhận biết được bằng dáng vẻ, theo tử vi hoặc bằng tướng số. Ví dụ như những người có căn của vị nam thần thì nét mặt bừng bừng, mắt long lanh trông hơi dữ tướng, nóng tính và bốc đồng. Những người phụ nữ nóng tính, nhưng có phần cương quyết thì cho là có căn quan hoặc căn ông Hoàng và những người đàn ông trông nữ tính thì cho đó là có căn cô. Còn những người có căn của vị thánh nào đó thì tính cách có vẻ phù hợp với phong thái của vị thánh như được miêu tả trong truyền thuyết. Về căn đồng, nhiều người giải thích là do họ có nợ tứ phủ và phải ra trình đồng. Tuy nhiên, có người trình đồng để mở phủ hầu và có người trình đồng để tiễn căn đi. Trình đồng tiễn căn áp dụng với những người được chấm đồng nhưng không có điều kiện để mở phủ. Nghi lễ trình đồng mở phủ và trình đồng tiễn căn tương đối giống nhau. Người ta thường bày bốn chum nước có dán giấy 4 màu đỏ xanh trắng vàng, tương ứng với bốn phủ thiên nhạc thủy địa (dán vào thân chum hoặc nắp chum). Lễ mở phủ thì có mở nắp chum còn lễ tiễn căn thì không mở nắp. Dù những thông tin trên đa phần là truyền miệng và cũng không mấy thuyết phục nhưng nhiều người vẫn tin có mối liên hệ giữa vị thánh căn mệnh và số phận bản thân mình. Thí dụ như căn cô bơ thì tình duyên trắc trở, căn ông bảy thì mê cờ bạc, căn chầu bé thì tính đành hanh, căn ông mười thì đỗ đạt làm quan to. Thưc tế, rất nhiều người chỉ mới đi xem bói, dù chưa biết thực hư thế nào, nhưng nghe thầy nói mình có căn ông bảy thì bắt đầu tập hút thuốc, căn cô chín thì muốn học tử vi để sau này bói, căn chầu lục thì tập ăn trầu. LINH HƯƠNG

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/VanHoa-XaHoi/2011/5/4E5171C3A2872E85/