Người cán bộ quản lý giáo dục trong thời kỳ đổi mới và hội nhập

Sáng nay 20/7/2012, tại Học viện Quản lý giáo dục đã tổ chức Hội thảo khoa học 'Người cán bộ quản lý giáo dục trong thời kỳ đổi mới và hội nhập'. Tới dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS. Nguyễn Vinh Hiển và các lãnh đạo Sở GD&ĐT, Trường Bồi dưỡng Cán bộ QLGD, các nhà khoa học, giảng viên..

(GD&TĐ) - Sáng nay 20/7/2012, tại Học viện Quản lý giáo dục đã tổ chức Hội thảo khoa học ‘Người cán bộ quản lý giáo dục trong thời kỳ đổi mới và hội nhập”. Tới dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, TS. Nguyễn Vinh Hiển và các lãnh đạo Sở GD&ĐT, Trường Bồi dưỡng Cán bộ QLGD, các nhà khoa học, giảng viên..

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo

Quan điểm coi trọng “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” đang thực sự hiện hữu trong tư duy và hành động thực tiễn của các cấp bộ, ngành, trong mỗi gia đình và cá nhân. Những thành tựu của xã hội, thành quả của mỗi cá nhân ngày hôm nay đều mang dấu ấn về sự giáo dục, về tự giáo dục của một nền giáo dục nhân văn và đang từng bước hiện đại. Chúng ta có quyền tự hào về nền giáo dục và đào tạo nước nhà đang phát triển mạnh mẽ, có nhiều bước tiến quan trọng cho dù đang chịu nhiều thử thách khắc nghiệt của nền kinh tế - xã hội phức tạp. Để đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ giáo dục nước nhà rất cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, trong đó, yếu tố đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao được chú trọng quan tâm phát triển hàng đầu. Và như thế, chất lượng cán bộ quản lý giáo dục được coi làm bệ đỡ để thực hiện thành công các mục tiêu về chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục.

Về công tác bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các hoạt động nghiên cứu, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ và thiết thực tiến hành đổi mới giáo dục và quản lý giáo dục. Bộ đã phối hợp với các đơn vị (đặc biệt với Học viện Quản lý giáo dục) triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đã thực hiện tốt chương trình Hội nhập kinh tế cho cán bộ quản lý giáo dục; bồi dưỡng cho 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông theo chương trình liên kết Việt Nam- Singapore; bồi dưỡng 500 hiệu trưởng và phó hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý cho các vụ, cục, các giám đốc sở giáo dục và đào tạo.

Công tác quản lý giáo dục đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao về khoa học và thực tiễn, bởi đặc thù về tính học thuật và nghệ thuật sư phạm và quản lý giáo dục. Sự phát triển giáo dục không ngừng kéo theo nhiều thay đổi phức tạp cho môi trường và đối tượng quản lý, đòi hỏi người quản lý không chỉ bằng kinh nghiệm cảm tính, bằng thói quen chủ quan mà cần được thực hiện trên cơ sở khoa học và thực tiễn đã được nghiên cứu và thực nghiệm một cách khả thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục,…nghiên cứu, điều chỉnh các chương trình bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nhằm nâng cao năng lực đội ngũ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục và quản lý giáo dục. Ngày 20/1/2012, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-BDĐT thay chương trình cũ (chương trình theo Quyết định số 3481/QQĐ-BDĐT) về các Chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cho 06 đối tượng quản lý: trường mầm non, trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp, cán bộ quản lý khoa/phòng trường đại học, cao đẳng, cán bộ quản lý sở/phòng giáo dục và đào tạo. Chương trình bồi dưỡng này đã cập nhật tư duy khoa học hiện đại và thực tiễn vô cùng phong phú về công tác quản lý giáo dục hiện nay, và bước đầu, chương trình đã nhận được những phản hồi tích cực, đồng thuận của những học viên bồi dưỡng ở Học viện Quản lý giáo dục.

Hội thảo khoa học với tiêu đề: “Người cán bộ quản lý giáo dục trong xu thế đổi mới và hội nhập” tại Học viện Quản lý giáo dục đã đặt ra đúng vấn đề quan trọng, cấp thiết: đổi mới quản lý giáo dục là khâu then chốt để tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ nền giáo dục quốc dân. Cách tiếp cận vấn đề như thế thất cần thiết, có giá trị khoa học nghiên cứu và thực tiễn trải nghiệm của người cán bộ quản lý giáo dục trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay.

Hội thảo tập trung bàn đến những vấn đề cơ bản, quan trọng của người cán bộ quản lý giáo dục, đó là:

Thứ nhất, nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng công tác quản lý giáo dục hiện nay;

Thứ hai, vai trò của người cán bộ quản lý giáo dục đối với đổi mới và phát triển toàn diện nền giáo dục;

Thứ ba, các giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và hội nhập quốc tế.

Trong bộn bề khó khăn của ngành giáo dục và đào tạo đang phải thử thách, có vấn đề năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, và có thể coi đây là bài toán cần giải đáp ngay và quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thực sự, thiết thực đổi mới nền giáo dục nước nhà. Bởi yếu tố thành công của giáo dục, của mỗi cơ sở giáo dục, của mỗi cá nhân đều mang dấu ấn thành quả lao động của nhà giáo, của nhà quản lý giáo dục. Nên thật cần thiết nghiên cứu, hội thảo, bàn luận, trao đổi về công tác quản lý giáo dục, những vấn đề liên quan đến người cán bộ quản lý giáo dục... trong môi trường văn hóa giáo dục nhưng cũng đầy thử thách khắc nghiệt này.

Đỗ Tiến Sỹ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201207/Nguoi-can-bo-quan-ly-giao-duc-trong-thoi-ky-doi-moi-va-hoi-nhap-1962518/