Người Lý Sơn trình làng củi mùn cưa ở Đà Nẵng

(Cadn.com.vn) - Khoảng 10 năm trước, ở đảo tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), chuyện học sinh đậu đại học có thể coi là sự kiện của cả huyện. Thế cho nên câu chuyện ở cuối đảo có chàng trai ốm yếu bệnh tật nhưng thi 3 lần đậu cả ba, hay đầu đảo có ngư dân nhí không biết đến chuyện học thêm, ngày ngày bám ruộng tỏi hoặc theo thuyền đi khơi mà vẫn bước chân vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng càng khiến người Lý Sơn tự hào.

Tự hào hơn là bây giờ rất nhiều người Lý Sơn vùng vẫy từ biển khơi đến các thành phố lớn trên đất liền và tạo dựng được tên tuổi.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thanh (trái) và Võ Văn Phấn bên sản phẩm củi mùn cưa.

Đi ra từ... gốc tỏi

Võ Văn Phấn hơn Nguyễn Văn Thanh một giáp, nhưng Phấn ra trường chỉ trước Thanh 2 năm. Ở Lý Sơn, nếu như Thanh nổi tiếng với việc trốn học đi trồng tỏi hay làm đủ nghề để kiếm sống thì Phấn là chàng trai học cực giỏi nhưng chỉ tội hay đổ bệnh. Thanh chưa một lần vào lớp học thêm nhưng đậu ĐH ngay từ năm đầu thì Phấn 3 lần thi là 3 lần đậu, nhưng đều phải bỏ học “ngang xương” vì bệnh tật. Thế nên 34 tuổi anh mới cầm bằng kỹ sư ra trường. Phấn kể, Lý Sơn hồi đó, mỗi năm cả trường chẳng có được mấy học sinh đậu ĐH chính quy, đặc biệt là các trường lớn, dù đã được cộng điểm ưu tiên.

Chẳng có gì khó hiểu, vì đời sống của huyện đảo ngày đó còn rất khó khăn, gia đình nào cũng bám víu vào cây tỏi và tàu cá. Tiềm lực đấy, thế mạnh đấy, nhưng bội thu hay tay trắng đều phụ thuộc vào ông trời. Có năm người ta bán tỏi xây nhà, mua xe, nhưng có năm mất mùa, đến củ tỏi giống tái đầu tư cũng phải đi gom góp. Khó khăn, học sinh nhiều đứa cũng phải gấp sách để theo người lớn bám tàu ra khơi. Nhưng cũng có một điều lạ, là ở giữa biển khơi, cậu học sinh nào của Lý Sơn mà đã học là học... chết bỏ! Từ một vài học sinh vào đất liền học ĐH, càng về sau, con em Lý Sơn bắt đầu “rẽ gốc tỏi” đi lên bằng nghị lực phi thường.

Thực ra, nếu chỉ nghe Phấn và Thanh kể về chuyện học của mình thì tôi không dám nói nhiều. Nhưng quá khứ của hai chàng trai đã bước chân vào thương trường này còn được kể bởi một người con Lý Sơn khác, hiện là đồng nghiệp của tôi tại Báo Công an TP Đà Nẵng, đó là nhà báo Lê Hùng. Thanh là lớp phó phụ trách học tập của Hùng, chưa bao giờ đi học thêm hay vào lò luyện. Còn Phấn là đàn anh, tốt nghiệp cấp 3 trước Hùng cả giáp nhưng tốt nghiệp ĐH chỉ trước 1 năm. Xuất phát từ chuyện cứ phải bỏ học giữa chừng vì bệnh tật.

Sản xuất củi mùn cưa tại Cty TNHH Bách Phương.

Bán ở Đà thành, “dạm ngõ” Hàn Quốc

Thanh hiện là Giám đốc, Phấn là Giám đốc sản xuất của Cty TNHH Bách Phương, chuyên sản xuất cung ứng thiết bị nồi hơi tại Đà Nẵng. Điều tôi đặc biệt quan tâm là cả hai đang biến các phế thải nông nghiệp thành một dạng chất đốt thân thiện với môi trường và làm lợi về kinh tế cho các DN. Không chỉ “cắm rễ” ở Đà Nẵng và mở rộng ra khu vực miền Trung, mà bộ đôi “song kiếm hợp bích” này đang có cơ hội lớn để bắt tay làm ăn cùng lúc với 4 đối tác lớn từ Hàn Quốc.

* Ông Bùi Huy Phương - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Bách Phương, người không ngần ngại đầu tư tài chính để 2 kỹ sư táo bạo biến phế thải nông lâm nghiệp thành “thanh năng lượng” thân thiện với môi trường, nói: “Khi nghe ý tưởng, tôi thấy mình đã trễ so với hai đầu đất nước.
Nhưng không ngờ Phấn và Thanh đã hiện thực hóa và thâm nhập thị trường một cách nhanh chóng. Không chỉ nhận được sự hưởng ứng của các đối tác ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung, củi mùn cưa của chúng tôi đang nắm cơ hội xuất ngoại. Đó là một kỳ tích”.

Thanh cho biết, các nguyên liệu phế thải như mùn cưa, dăm bào, vỏ trấu, rơm rạ... qua quá trình sấy ép và liên kết sẽ cho ra các “thanh củi” hình khuôn phi 90 với nhiệt trị lên đến 4.500kcal/kg. Tận dụng phế thải nông lâm nghiệp, không chỉ nhỏ gọn, chỉ thải ra môi trường CO2 và nước mà loại nhiên liệu này còn tiết kiệm tới 40% chi phí so với dùng dầu FO, than đá và các loại nhiên liệu khác.

Giám đốc sản xuất Võ Văn Phấn cho biết: “Với dây chuyền hiện tại, mỗi ngày chúng tôi sản xuất 10 tấn “củi”, cứ ra lò là hết. Nhận thấy lợi thế về chi phí và giảm thiểu tác động tới môi trường, nhiều DN dệt may tại Đà Nẵng đã trở thành đối tác thường xuyên. Thực ra công nghệ này đã không còn mới tại nước ta, nhưng riêng ở Đà Nẵng, khi thành phố đang hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường thì đây sẽ là một trong những lựa chọn ưu việt. Thời gian tới, sản xuất 10 tấn/ngày chắc chắn không đủ nhu cầu thị trường, chúng tôi đang đầu tư giai đoạn 2 với công suất gấp nhiều lần”.

Sự kiện 2 chàng trai ở đảo tỏi Lý Sơn “hô biến” phế thải nông nghiệp thành chất đốt lợi thế tại Đà Nẵng đến tai nhà đầu tư Hàn Quốc. Lập tức 4 DN xứ Kim chi bay trực tiếp qua Đà Nẵng “dạm ngõ”. “Nếu sản xuất được mỗi tháng 10.000 tấn củi mùn cưa, sẽ có 4 DN Hàn Quốc sẵn sàng bao tiêu đầu ra. Đây là cơ hội không dễ có, chúng tôi đang gấp rút đầu tư giai đoạn 2 để có thể bắt tay làm ăn lâu dài với người ta” - Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Sẽ là hơi sớm để nói Phấn và Thanh là 2 chàng trai đầu tiên của Lý Sơn “rẽ gốc tỏi” ra, đi làm ăn một cách chuyên nghiệp với người nước ngoài. Nhưng gần như chắc chắn là khi nắm bắt được xu thế, chuyên môn của một kỹ sư Cơ khí chế tạo máy và một kỹ sư Nhiệt - Điện lạnh sẽ làm nên chuyện với loại chất đốt mà mỗi khi bỏ vào lò, các DN hạn chế được hầu bao cũng như cảm nhận được sự thân thiện với môi trường.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/new/97_103962_nguoi-ly-son-trinh-lang-cui-mun-cua-o-da-nang.aspx