Ngủ-yên Phú-ông Mai

SGTT.VN - Gần đây khoa Kinh tế đại học Amsterdam (Hà Lan) nơi tôi dạy bắt đầu nhận thêm rất nhiều sinh viên da màu từ các nước châu Phi. Sự kỳ thị tất nhiên là có, dù rất khó nhận ra. Để ngấm ngầm động viên họ, tôi thường mở đầu môn học bằng câu hỏi: “Tổ tiên loài người chúng ta có nguồn gốc từ nơi nào?” Rất nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng khi biết rằng Nam Phi là cái nôi của nhân loại, rằng tất cả chúng ta bản chất đều là người gốc Phi.

LTS: “Mỗi khi bước vào một cuộc hành trình mới, tôi cố gắng trút bỏ mọi định kiến, mọi hình dung. Tôi dốc cạn để đầu óc trống rỗng, không mong chờ, không phán đoán. Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như một tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay…” Đây là lời dẫn loạt bài viết Những cuộc hành trình của trái tim trần trụi, SGTT Nguyệt san sẽ khởi đăng từ số báo này. Tác giả Phương Mai – là tiến sĩ giảng dạy đàm phán đa văn hóa tại đại học Kinh tế Amsterdam (SGTT Nguyệt san số tháng 10.2010 đã có bài phỏng vấn Phương Mai – Độc thân và vẫn long lanh), từng làm báo, nên câu chuyện về hành trình và trải nghiệm 60 quốc gia mà chị đã đặt chân đến cực kỳ lôi cuốn và nhiều bất ngờ. SGTT Nguyệt san xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Flat Cape, nơi chính quyền phân biệt chủng tộc từng dồn dân da màu và da đen đến sống, để dành khu trung tâm cho người da trắng (gốc Hà Lan). Khoảng cách giàu nghèo không mấy thay đổi với một nửa dân số Cape Town sống trong khu ổ chuột (township), tỷ lệ thất nghiệp 40 – 70%.

Đầu năm 2010, tôi nổi hứng quyết định bỏ việc, dành hẳn gần một năm đi bụi. Lộ trình tôi chọn chính là lộ trình di cư của loài người, từ điểm khởi đầu 200.000 năm trước tại châu Phi, con người dò dẫm qua châu Á và châu Úc, rồi từ châu Á chia làm hai nhánh vòng lên châu Âu và vượt đại dương đặt chân lên châu Mỹ. Mỗi nơi đi qua, tôi cố gắng tìm hiểu vị thế của dân bản xứ – những người đầu tiên đặt chân khai hoang vùng đất mới và tồn tại qua bao thăng trầm của thời đại.

Biết tôi chuẩn bị hạ cánh xuống Johanasburg, cô gái ngồi cạnh trên máy bay khuyên tôi nên gọi cho khách sạn cử người ra đón. “Sao thế? Taxi đầy mà”, cô ta khinh khỉnh nhìn tôi, lôi son ra quẹt đỏ lừ đôi môi dày bự rồi xoa đầu tôi như thể an ủi một đứa học trò ngốc: “Welcome to the world’s capital of rape”.

“Thủ đô của cướp giết hiếp” – tôi thở hắt ra, bật điện thoại gọi con bạn đã đến trước vài ngày và nghe thêm một tràng rủa xả: “Mày khùng vừa thôi mày! Cứ 17 giây có một phụ nữ bị cưỡng ép, đấy là chưa kể lũ nạn nhân trẻ con! Mà đi đường đừng có gọi điện thoại! Ở đây nó lịch sự lắm, nó chờ mày gọi điện xong rồi xin đàng hoàng chứ không thèm cướp giật gì đâu!”

Trải nghiệm Phi châu của tôi khởi đầu khá hoang mang như vậy. Bốn tháng tiếp theo cuốn tôi vào một vòng xoáy dữ dội của cảm xúc, bởi nhịp sống ở Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung không dành cho kẻ ưa cảnh thanh bình. Cái gì cũng được đẩy lên đến cực đoan: Nam Phi nghèo, tôi đã làm tình nguyện trong một trại trẻ cách thủ đô hào nhoáng chưa đầy 100km mà trẻ con không đủ nước sạch để uống. Nam Phi giàu, tôi và lũ bạn rỗi hơi đã từng đếm được 200 cái Lamborghini trị giá bằng một nửa GDP của Đông Timor. Nam Phi thực hiện một cuộc đổi thay chính trị ngoạn mục nhất trong lịch sử nhân loại lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc thay bằng dân chủ cầm quyền, nhưng Tổng thống Nam Phi khi được hỏi về nguy cơ lây lan AIDS do bị tố cáo quan hệ với gái mại dâm, vẫn có khả năng phát ngôn vô tư nhất trần đời rằng có sao đâu vì “đằng nào thì tôi cũng đã tắm rồi mà” (!!!)

Tác giả làm tình nguyện tại trại trẻ mồ côi nơi các em nhỏ mắc bệnh AIDS bị bỏ rơi.

Nhưng hai thái cực làm tôi ngạc nhiên nhất là sự hoán đổi kinh khủng và di chứng nặng nề của khoảng cách màu da. Dưới chế độ Apartheit, người da đen từng bị coi là mạt dân thì 40 năm sau, giờ đây người da trắng xếp hàng cuối trong thứ tự ưu tiên tuyển dụng. Một số bạn bè gần gũi khuyên tôi nên dùng tiếng Anh để giao tiếp thay bằng tiếng Hà Lan, để không kích động sự kỳ thị đối với ngôn ngữ của kẻ thống trị trong quá khứ. Rick, chủ khách sạn nơi tôi ở, trong một cơn tâm sự không kìm được đã cho tôi chiêm ngưỡng tầng hầm bí mật dưới gara ôtô, nơi anh cất công xây thành một pháo đài phòng thủ kiên cố với đầy đủ súng ống và thực phẩm dự trữ trong vòng một tháng. Tôi không biết nói gì chỉ im lặng. Nelson Mandela đang như chuối chín cây. Tin đồn ngày càng dễ trở thành sự thật rằng ngày ông chết sẽ là ngày người da đen khai hỏa chiến dịch Lưỡi Dao Đêm, người da trắng sẽ bị tàn sát và diệt chủng đến kẻ cuối cùng.

Tôi đến Nam Phi hoang mang bao nhiêu thì rời Nam Phi rối bời bấy nhiêu. Lục địa đen từng là cái nôi của văn minh nhân loại, suốt hơn 100 năm qua quay quắt giãy giụa giữa các cực giá trị đối lập, không thể bình hòa, không thể giao thoa, không thể hàn gắn, và có lẽ cũng chính vì thế mà mãi không thể đứng lên.

Alice Spring đón tôi dịu dàng như thể muốn an ủi một kẻ sắp ngã quỵ sau đường trường mệt mỏi. Ấy là tôi đã hồn nhiên nghĩ thế cho đến khi đang đi trên đường thì bị một bàn tay từ trong bóng tối bất thần túm lại. Cảm giác đầu tiên không phải hoảng sợ mà là sự buồn nôn đến quặn ruột bởi hơi rượu rẻ tiền nồng nặc. Nhận ra mái tóc đen lượn sóng và đôi mắt sáng quắc đặc trưng của thổ dân Úc, tôi định thần lại. Gã thổ dân say bét nhè cười toe toét huơ chai rượu trước mặt nhiệt tình mời tôi uống chung. Cùng lúc đó một người đi đường tiến tới, không nói không rằng tấn gã say dúi xuống ghế đá và lôi tôi xềnh xệch ra khỏi hiện trường.

Xà lim nơi Nelson Mandela bị giam cầm 18 năm trên đảo Robben (Nam Phi).

Với tư cách là người được giải cứu, tôi mời Mark một cốc càphê. Mark mắt xanh tóc vàng, nhưng danh chính ngôn thuận cũng là… thổ dân do cách tính dây mơ rễ má, chỉ cần 1/8 dòng máu thổ dân (tức cách bốn đời) là Mark có quyền tham gia rất nhiều chương trình phúc lợi xã hội. Tôi buột miệng trót dại phun ra một câu cảm thán “Sướng nhé!” khiến cu cậu cáu um, lên lớp tôi một thôi một hồi về cái sự không liên quan giữa danh tính văn hóa và danh tính cơ học. Biết thế nhưng trí óc con người hành động bản năng, đâu dễ điều khiển theo tư duy biện chứng? Phải coi cái gã tóc tai vàng ươm, mắt xanh sáng lòe ngồi trước mặt là một thổ dân cũng khó như phải coi hổ báo là mèo kitty, mặc dù danh chính ngôn thuận cái bọn ăn thịt rau ráu suốt ngày gầm rú ấy đích thực là thuộc họ mèo.

Đặt chân lên mảnh đất này hơn 40.000 năm trước, những người dân bản xứ ở Úc được coi là dòng văn hóa lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn tồn tại. Bước vào thế kỷ 21, dù với hàng loạt bà con họ xa da trắng tự nhận là thổ dân kiểu như Mark, dân số Aboriginal vẫn chỉ chiếm khoảng 2%. Giữa kẻ cố tình nhập cư gốc Anh và người bản xứ tồn tại một mối quan hệ không mấy thoải mái. Thổ dân Úc ấm ức, vì bị lép vế, bị coi thường và sống như người lạ trong chính ngôi nhà của mình. Dân Úc da trắng suốt ngày than thở vì cho rằng mình phải nuôi một lũ nghiện ngập và thất nghiệp. Sự kỳ thị càng giấu giếm càng dễ trở nên ấm ức chỉ cần đụng chút là phun tràn. Chưa một người Úc nào tôi gặp không kín kín hở hở hoặc nói bung ra sự khinh miệt dành cho thổ dân, chính xác là đến 75% dân Úc da trắng kỳ thị thổ dân*. Chán một điều là sự kỳ thị này phần lớn vì không hiểu biết, 80% số họ chưa một lần tiếp xúc trực tiếp với thổ dân, hoặc cũng giống như tôi, chỉ một lần chạm trán với một gã thổ dân nát rượu là dễ dàng kết luận gần nửa triệu thổ dân cá mè một lứa ăn trên ngồi trốc tiền thuế mồ hôi xương máu của mình.

Sắc màu rực rỡ những ngôi nhà và những phiên chợ Mexico.

Mexico City là thành phố đông dân thứ hai trên thế giới, với hơn 20 triệu con người, bằng toàn bộ dân số Úc châu. Tôi chọn ở nhà hai cậu bạn quen trên Couch Surfing, một trang web liên kết bạn bè khắp thế giới dành cho dân du lịch bụi thích ăn nhờ ở đậu. Nhà hai cậu lúc nào cũng vui như tết, bạn bè ra ra vào vào tấp nập, nhiều lần tôi mệt đứt hơi muốn đi ngủ mà tiếng nhạc vẫn ầm ầm. Thấy tôi nhăn nhó thì Alex bảo: “Người Mexico bọn tớ phải nhảy nhót tưng tưng thế cậu ạ, chứ nếu không ngồi một mình bó gối nhìn vào gương là cả dân tộc tớ thành tự kỷ hết! Dân tộc con hoang mà!”

Tôi biết Alex là kẻ thâm thúy. Cậu ta nói thế vì thấy tôi mấy hôm nay vần vò quyển Mê cung cô đơn (El laberinto de la soledad) của Otavio Paz. Nhà văn huyền thoại làm rung chuyển cách nhìn về bản ngã dân tộc của chính mình bằng cách so sánh người Mexico như đứa con hoang của một cuộc ngoại tình chóng vánh giữa dân bản xứ và kẻ chiếm đóng Tây Ban Nha. Dân Mexico sinh ra với vẻ đẹp lai căng đầy mê hoặc và một tâm hồn chơi vơi, vô thừa nhận. Đứa con lạc loài ấy luôn bị giằng xé giữa hai danh tính, lục lọi, đào bới trong một cuộc kiếm tìm vô vọng về cội nguồn, để rồi bị cả cha lẫn mẹ xua đuổi trong nỗi hổ thẹn của một lỗi lầm quá khứ. Cả một dân tộc con hoang không cội rễ, chẳng được người bản xứ chính gốc yêu thương mà cũng không được người Âu da trắng thừa nhận. Danh tính duy nhất mà dân tộc Mexico có thể dành cho mình là danh tính của một kẻ cô đơn, “… quỳ gối bên dòng suối thời đại và nức nở nhìn thẳng vào bản ngã đơn độc của chính mình”.

Trong rất nhiều các lý thuyết về phát triển kinh tế hiện đại, tôi luôn bị cuốn hút bởi các giả thuyết liên quan đến danh tính dân tộc. Bao nhiêu năm qua, lịch sử của các nền kinh tế và văn minh lớn vẫn thường là lịch sử của hai cực Đông Tây, Á Âu, chưa bao giờ là Bắc Nam theo chiều kinh tuyến. Đây là hai châu lục nơi dân bản xứ vẫn hoàn toàn chiếm ưu thế và làm chủ nền văn hóa của chính mình. Tại Bắc Mỹ và Úc, danh tính bản địa chỉ còn thoi thóp, người da đỏ và thổ dân từ địa vị làm chủ trở thành vật lưu niệm cho dân du lịch, đất nước bị Âu hóa hoàn toàn. Tại châu Phi, rất khó để trở thành cường quốc khi một danh tính Phi vẫn còn bị cầm tù trong cuộc giao tranh khốc liệt giữa các cực giá trị để khẳng định mình. Và với một danh tính con hoang của Mexico và Trung Nam Mỹ, liệu châu lục này có đủ điểm tựa để cạnh tranh với một danh tính Á sâu sắc, vững bền và một danh tính Âu dồi dào mạnh mẽ?

Tái bút: Tác dụng phụ không phải ai cũng mong muốn, hậu quả của quá trình nghiên cứu danh tính dân tộc gây hệ lụy đến danh tính cá nhân – Con bé tôi với cái tên Việt Nam đánh đố thằng Tây đầy ngoắc với ngoặc đọc trẹo quai hàm tuyên bố không trả lời email của bất kỳ sinh viên nào gõ tên mình thiếu dấu. Thế là buổi sáng đến lớp chúng nó đánh vần tên và dõng dạc chào tôi như sau: “Miss Ngủ–yên Phú–ông Mai”.

* http://www.missionaustralia.com.au/news/3274-have-you-even-met-aboriginal-person

Mời bạn đón đọc kỳ tới: Đi du lịch cùng mẹ. Mục đích của những chuyến đi là để “mẹ mở mang đầu óc”, nhưng rốt cục… Mẹ 70 tuổi, học hết lớp 3, mà có sáng kiến khiến đoàn tiếp viên trên máy bay làm theo răm rắp. Mẹ bảo giao thông ở Tây như rô bốt, thiết bị định vị bảo đâm xuống sông cũng đâm... mà đúng thế thật. Mẹ bảo tháp Aiffel như cái cột điện thô và xấu... mà đúng thế thật... Và sau chuyến đi, chính con mới là người được mẹ mở mang đầu óc.

Flat Cape, nơi chính quyền phân biệt chủng tộc từng dồn dân da màu và da đen đến sống, để dành khu trung tâm cho người da trắng (gốc Hà Lan). Khoảng cách giàu nghèo không mấy thay đổi với một nửa dân số Cape Town sống trong khu ổ chuột (township), tỷ lệ thất nghiệp 40 – 70%.

Bạn có thể cập nhật các bài viết và theo dõi chuyến du hành sắp tới của Phương Mai ở Trung Đông bằng email tại www.culture-move.blogspot.com. Comment và trao đổi với tác giả tại địa chỉ www.facebook.com/dr.nguyenphuongmai (click subscribe) hoặc follow www.twitter.com/nguyenphuongmai

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/153538/ngu-yen-phu-ong-mai.html