Nghỉ thai sản 6 tháng: Người mừng, kẻ lo

Sự thay đổi này (nếu có) sẽ tạo cú sốc lớn với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang xây dựng chính sách kéo dài thời gian nghỉ hộ sản lên 6 tháng, dự kiến sẽ trình Chính phủ vào năm 2011. Ngày 17/8, ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết Việt Nam đang nằm trong số những quốc gia có tỉ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng cao nhất thế giới, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi (hiện tại toàn quốc xấp xỉ 32%). Thiếu sữa mẹ: Nhiều bệnh Ông An cho hay chính sách mới này sẽ cho phép các bà mẹ được nghỉ sau sinh khoảng sáu tháng (thay vì bốn tháng như hiện nay). Trong thời gian nghỉ thai sản, bà mẹ sẽ được hưởng các quyền lợi như quy định hiện nay. Đặc biệt với doanh nghiệp phải tạo các điều kiện tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho người lao động không bị ảnh hưởng. Cũng theo ông An, quy định hiện nay mỗi bà mẹ chỉ sinh tối đa hai con và suốt cuộc đời chỉ được nghỉ có tám tháng sau sinh để chăm sóc hai con là quá ít so với sự cống hiến sức lao động và chức năng làm mẹ. Việt Nam đang là một trong 20 quốc gia có tỉ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng cao nhất nhì thế giới, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Nhiều tỉnh có tỉ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng trên 50% như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk… Do không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu nên nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, đồng thời cũng là những nguyên nhân gây béo phì và các bệnh tim mạch trong giai đoạn trưởng thành. Cũng theo ông An, việc trẻ được bú sữa mẹ còn có thêm ba lợi ích: Giảm tỉ lệ trẻ mắc bệnh béo phì; giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường khi trưởng thành và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khi về già. Nếu sau sinh bà mẹ được nghỉ ngơi hoàn toàn ít nhất là sáu tháng, người mẹ sẽ có thời gian tiếp cận với các kiến thức về nuôi dạy trẻ, có thời gian chuẩn bị tốt về dinh dưỡng cho bản thân để có nguồn sữa tốt cho con. Mặt khác, cho trẻ bú sữa mẹ còn hạn chế được tình trạng có thai ngoài ý muốn... Cần ý kiến bộ, ngành Theo ông An, tăng thời gian nghỉ thai sản cũng chính là khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhiều nước còn cho phép bà mẹ sau sinh có thể nghỉ tới một năm. Song ở Việt Nam, đề án sẽ vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đông công nhân nữ. Qua khảo sát, ông thấy hầu hết các cơ quan, xí nghiệp đều không có nhà trẻ gắn liền bên cạnh để bà mẹ có thể đem con nhỏ bốn tháng đi theo. Hệ thống trường mầm non hiện nay đều chưa đủ điều kiện nhận chăm sóc trẻ nhỏ dưới một tuổi, nhiều bà mẹ đang phải chịu áp lực rất lớn khi nghỉ hết thời gian quy định phải đi làm mà không có người trông trẻ. Việc chăm sóc trẻ em tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, đã có nhiều trường hợp trẻ em nhỏ không được chăm sóc cẩn thận gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ, nhiều trường hợp mẹ ở cơ quan thì thừa sữa mà con ở nhà thì khát sữa vì không phải bà mẹ nào cũng có điều kiện buổi trưa về nhà cho con bú. Ông An cũng nhận định rằng đề án trên sẽ tạo một chính sách có lợi cho các bà mẹ là cán bộ, công chức, viên chức, hay các bà mẹ là nông dân, ngư dân… Để đề án này trở thành hiện thực cần phải có tiếng nói chung từ nhiều bộ, ngành có liên quan như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các cơ quan bảo hiểm xã hội khác. Kẻ lo, người mừng Nghe thông tin trên, ông Lê Quốc Thái, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hòa Bình, thảng thốt: “Chết mất!”. Hơn 70%/145 cán bộ, giáo viên là nữ. Trung bình mỗi giáo viên phải đứng lớp 320 giờ/năm + 219 giờ nghiên cứu khoa học và rất nhiều giờ ngoại khóa khác. Thậm chí có giáo viên phải dạy gấp 3-4 lần số giờ quy định. Nếu phải cáng đáng thêm hai tháng của người nghỉ thai sản thì e rằng không nổi. Hiệu trưởng Thái kiến nghị nếu áp dụng quy định mới này, nhà nước cần tính thêm việc hỗ trợ các chế độ, chính sách và đào tạo thêm nhiều giáo viên. Ông Lê Xuân Luyện, Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu lao động Oleco, lo lắng đặt vấn đề nếu như người đang nắm giữ vị trí chủ chốt của công ty nghỉ thai sản đến sáu tháng thì sẽ rất khó khăn. Tìm được người thay thế có thể quan hệ nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan, Đông Âu… không dễ chút nào. Song ông cũng hy vọng nghỉ sáu tháng chỉ là quy định mở, nếu doanh nghiệp có chế độ tốt, cán bộ nữ vẫn có thể xin đi làm sớm và nghiễm nhiên được hưởng hai lương: công ty và chế độ bảo hiểm xã hội. Trái ngược với nỗi niềm trên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) Phạm Thị Dung lại tỏ ra vui mừng vì việc kéo dài thời gian thai sản hai tháng là điều rất mừng cho những người làm công tác chăm sóc trẻ nhỏ như họ. Bởi hiện nay các giáo viên phải làm ít nhất 10 giờ/ngày nên rất vất vả nếu như phải nuôi con nhỏ. Với tính chất 100% là giáo viên nữ, trường không sợ khi phải bù giáo viên bởi luôn có 3-5 cô dạy phụ có thể hỗ trợ cho các giáo viên nghỉ thai sản. Cùng chung quan điểm vui mừng như cô Dung, bà Đoàn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Vận tải và dịch vụ (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho hay chỉ chưa đầy 20% cán bộ, công nhân viên là nữ thì công ty sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều. Đây là mong muốn “không ngờ tới” của bà bởi từ trước đến nay, các chị em trong công ty khi có con nhỏ thì nghỉ rất nhiều. Theo Pháp luật TPHCM

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100824091746149p0c1000/nghi-thai-san-6-thang-nguoi-mung-ke-lo.htm