Nghệ thuật kết hợp ba thứ quân, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích

ND - Tiếp thu kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta ngay từ đầu đã quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ở cả hai miền Nam, Bắc; từ đó, tổ chức linh hoạt, hiệu quả các "hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, phối hợp chặt chẽ hoạt động tác chiến của ba thứ quân, của các binh chủng, quân chủng, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, kết hợp đánh du kích và đánh tập trung, kết hợp chiến tranh nhân dân ở các địa phương chiến tranh nhân dân của các binh đoàn chủ lực" (1), tạo sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù.

Lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong đó, bộ đội chủ lực có bộ đội chủ lực của các quân khu, của khu, của miền và lực lượng cơ động của Bộ; bộ đội địa phương tỉnh, huyện là các trung đội, đại đội, tiểu đoàn bộ binh; và lực lượng dân quân, du kích (công khai và bí mật) là các tổ, tiểu đội, đội du kích tại các ấp xã, đường phố... Mỗi thứ quân đều có vị trí tác dụng, những đặc điểm và quy luật hoạt động riêng. Để phát huy được sức mạnh của từng thứ quân, đồng thời tạo sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang nhân dân đánh bại quân xâm lược Mỹ có ưu thế về sức cơ động và vũ khí trang bị, chúng ta đã tìm ra các phương thức tác chiến phù hợp, phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân một cách chặt chẽ cả về chiến lược cũng như trong chiến dịch và chiến đấu. Chúng ta đã phát triển rộng rãi chiến tranh du kích và coi đó là một trong những hình thức chiến tranh cơ bản, một chiến lược quân sự nhằm đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Du kích, dân quân tự vệ, bộ đội địa phương và những bộ phận bộ đội chủ lực hoạt động phân tán của ta đã dùng cách đánh du kích bất ngờ, linh hoạt, "lai vô ảnh, khứ vô tung", đánh nhanh, di chuyển nhanh, khi phân tán, lúc tập trung, đánh địch mọi lúc, mọi nơi, đánh địch bằng mọi thứ vũ khí và bằng mọi hình thức, làm cho quân địch tiêu hao sinh lực, sa sút về tinh thần, ăn không ngon, ngủ không yên. Do thông thạo địa hình, lại được nhân dân che chở, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã sử dụng chông, mìn, cạm, bẫy, bẫy đá, "ong vò vẽ"... cùng các hình thức tập kích, phục kích, "độn thổ", "độn thủy", rất độc đáo, rất sáng tạo, nhưng cũng rất phổ thông và đại chúng. Chúng ta cũng đã xây dựng "làng xã chiến đấu", "vành đai diệt Mỹ", biến nó thành hạt nhân của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương để duy trì cuộc chiến đấu lâu dài trong lòng địch, ghìm chân, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân, tạo thời cơ và địa bàn thuận lợi cho các đơn vị bộ đội tập trung của ta tiến công tiêu diệt địch. Quân viễn chinh Mỹ và quân đội Sài Gòn đều đã dùng trăm phương nghìn kế để chống và loại trừ chiến tranh du kích của ta, nhưng chúng đều thất bại. Chiến tranh du kích của ta không những vẫn tồn tại mà còn phát triển vô cùng sáng tạo, phát huy hiệu lực chiến lược ngày càng lớn và vẫn là mối lo ngại thường xuyên đối với địch. Những chương trình "bình định nông thôn" - biện pháp chiến lược quan trọng của Mỹ nhằm loại trừ chiến tranh du kích ở miền Nam đều bị thất bại. Quân Mỹ đã bị hãm sâu vào thế trận thiên la địa võng của chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương ở miền Nam. Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ ở miền Nam đã phải báo cáo: "các lữ đoàn lính thủy đánh bộ tinh nhuệ đã bị chiến tranh du kích căng ra như một sợi dây đàn ở đường 9, bắc Quảng Trị, ở Quảng Nam-Đà Nẵng, Chu Lai; số thiệt hại do chiến tranh du kích gây ra ngày càng lớn"(2). Lúc chưa có và ngay cả khi đã có quân đội hiện đại và vũ khí hiện đại, chúng ta vẫn luôn coi trọng vai trò của các lực lượng vũ trang địa phương, của đông đảo quần chúng, của vũ khí thô sơ, các cách đánh độc lập của từng binh chủng quy mô vừa và nhỏ trong tiến công địch. Chúng ta chưa có không quân chiến lược tầm xa thì đã có lực lượng tại chỗ, các đội pháo binh và bộ binh tinh nhuệ tập kích sâu vào các căn cứ hậu phương của địch, đạt hiệu suất chiến đấu rất cao. Chúng ta chưa có hải quân mạnh thì đã có các đội đặc công nước làm được một phần nhiệm vụ của hải quân, chuyên đánh phá tàu xuồng và căn cứ hải quân của địch... Vì vậy, ta có thể chủ động tiến công địch một cách liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện địa hình và thời tiết, ở chiến tuyến cũng như ở sâu trong sào huyệt địch. Đây chính là nét rất độc đáo và sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của ta. Trong nghệ thuật quân sự hiện đại của chiến tranh cách mạng Việt Nam, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh phát triển rộng rãi chiến tranh du kích, chúng ta đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh chiến tranh chính quy, chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực cơ động, tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng. Chúng ta rất coi trọng việc xây dựng bộ đội chủ lực chính quy, hiện đại, phát huy tác dụng của vũ khí hiện đại có trong tay, thực hiện tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng quy mô ngày càng lớn để giáng cho địch những đòn tiêu diệt ngày càng nặng nề. Cùng với từng bước phát triển của các lực lượng vũ trang, tác chiến tập trung, chính quy của ta đã phát triển từ thấp đến cao, từ quy mô nhỏ và vừa đến lớn; từ những trận đánh đơn thuần bộ binh quy mô đại đội, tiểu đoàn tiến lên các chiến dịch nhỏ liên trung đoàn, sư đoàn, những chiến dịch quy mô lớn vài sư đoàn, tiến đến các hoạt động chiến lược bằng tập đoàn lực lượng lớn, giành thắng lợi quyết định. Từ năm 1970, trước tình hình đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra ba nước Đông Dương, Đảng ta chủ trương tập trung xây dựng và tổ chức các binh đoàn chủ lực cơ động ngay trên chiến trường, nhằm tăng cường khả năng đánh tiêu diệt lớn quân địch bằng lực lượng binh chủng hợp thành. Quán triệt nghị quyết Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, tháng 2-1970, Quân ủy T.Ư xác định rõ nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của quân đội ta lúc này là: "Xây dựng những binh đoàn chủ lực mạnh, làm trụ cột cho cả chiến trường Đông Dương; xây dựng bộ đội chủ lực ở miền Nam đủ mạnh để có thể đánh những trận tiêu diệt lớn; nâng cao sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị chiến lược trên miền Bắc sát với tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ của những binh đoàn chủ lực cơ động, có khả năng tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng trên các chiến trường"(3). Từ những năm 1970-1971, Đảng ta đã chỉ đạo xây dựng một số đơn vị chủ lực lớn gồm một số sư đoàn bộ binh và đơn vị binh chủng (Binh đoàn 70, Đoàn 301). Tiếp đó, tháng 10-1973, ta thành lập Quân đoàn 1-Binh đoàn Quyết Thắng ở miền Bắc; tháng 4-1974, thành lập Quân đoàn 2-Binh đoàn Hương Giang ở Trị-Thiên; tháng 7-1974, thành lập Quân đoàn 4-Binh đoàn Cửu Long ở Đông - Nam Bộ; tháng 2-1975, thành lập Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) tại Nam Bộ; tháng 3-1975, thành lập Quân đoàn 3-Binh đoàn Tây Nguyên ở Tây Nguyên. Việc thành lập Quân đoàn 1 ở hậu phương, nhất là việc tổ chức các quân đoàn 2, 3, 4 và Đoàn 232 ở nơi tiền tuyến không chỉ là sự hợp thành của các sư đoàn bộ binh và lữ đoàn, trung đoàn binh chủng cùng các đơn vị bảo đảm, phục vụ, mà là sự hình thành một tổ chức mới cao hơn, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc về quy mô tổ chức lực lượng và thay đổi hẳn về chất của quân đội ta trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh. Với các quân đoàn binh chủng hợp thành được trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, sức cơ động cao, sức chiến đấu liên tục, cùng với việc phát triển bộ đội địa phương, dân quân du kích rộng khắp, ta đã có khả năng mở các chiến dịch tiến công bằng lực lượng binh chủng hợp thành quy mô lớn trên các hướng chiến lược ở chiến trường miền Nam, kể cả nơi sát trung tâm đầu não, đánh, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng và cục diện chiến trường ngày càng có lợi cho ta, sớm kết thúc chiến tranh. Trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ lực lượng, sự phối hợp chặt chẽ của ba thứ quân, quân và dân đã tiến hành cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng. Trong 55 ngày đêm chúng ta đã phát huy đến mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng, lấy tiến công quân sự của các binh đoàn cơ động chiến lược làm động lực, kết hợp chặt chẽ với hoạt động của lực lượng tại chỗ, bộ đội địa phương, dân quân du kích; kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, nhanh chóng chia cắt, bao vây tiêu diệt và làm tan rã từng mảng lớn sinh lực địch, phá vỡ từng tập đoàn phòng ngự lớn của chúng, tiến tới giành toàn thắng bằng cuộc tổng công kích và nổi dậy ở trung tâm sào huyệt ngụy quyền Sài Gòn. Qua thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có thể khẳng định: Chiến tranh du kích rộng lớn là cái nền, chỗ dựa vững chắc của chiến tranh chính quy. Sức mạnh của chiến tranh chính quy bằng các binh đoàn chủ lực luôn phải được kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân du kích, với chiến tranh nhân dân địa phương, chiến tranh du kích, với phong trào toàn dân đánh giặc, phong trào đấu tranh cách mạng, đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng đông đảo. Mặt khác, chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương có phát triển được hay không là tùy thuộc vào sự phối hợp của chiến tranh chính quy và sự phát triển của bộ đội chủ lực, trình độ tác chiến tập trung, tác chiến hiện đại của bộ đội chủ lực. Những kinh nghiệm đúc kết này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. (1) Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nxb Sự Thật. HN 1979, tr 324. (2) Dẫn theo Chiến tranh Cách mạng Việt Nam (1945-1975) Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H 2000, tr 286. (3) Dẫn theo: Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập II, Nxb QĐND, H, 1999, tr.365. (Viện lịch sử Quân sự Việt Nam)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=172571&sub=130&top=37