Nghề đá 'chẻ'

Chuyện bẹp ngón tay, ngón chân, thậm chí gãy chân vì đá là thường với những người làm phu đá. Sau những tai nạn đó, người bỏ nghề nhưng vẫn có người gắn bó như cái nghiệp...

Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng hơn 35km về phía Tây Nam, làng “đá chẻ” ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã tồn tại cách đây hàng chục năm nay với hơn 200 hộ làm nghề đá chẻ tập trung vào các thôn Phú Thượng, Phú Hạ...

Đến với làng “đá chẻ” vào buổi sáng sớm có thể cảm nhận được những âm thanh chua chát, hỗn độn của máy xẻ, tiếng cạch cạch của búa gõ đá vang vọng. Nghề này mang lại thu nhập cao nhưng cũng chất chứa đầy mối nguy hiểm cho con người như tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường... Đến và làm việc với nghề đá chỉ cần có sức khỏe tốt là được nhận vào làm ngay.

Nhọc nhằn công đoạn đập đá

Chạy dọc con đường qua thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn chúng tôi được tận mắt chứng kiến những từng tốp người vẫn nối nhau cần mẫn làm việc, người đập đá, người cưa, người chẻ... tất cả đều hối hả, tất bật cho một ngày mưu sinh.

Anh Lê Quang Dũng chủ xưởng đá Quang Dũng ở thôn Phú Hạ cho biết, xưởng đá của anh thành lập từ năm 2002, nguồn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở làm đá ở đây khá dồi dào, hầu hết các mỏ đá lớn đều nằm gần các cơ sở sản xuất tại xã Hòa Sơn.

Sản phẩm đá chẻ Hòa Sơn có đặc điểm rất bền, chất lượng của sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao đáp ứng yêu cầu trong xây dựng. Đá chẻ sản xuất ở Hòa Sơn hiện có 3 màu vàng, xanh, lông chuột với nhiều chủng loại, quy cách rất phong phú về kiểu dáng và mẫu mã.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết để ra những sản phẩm đá chẻ phải qua 4 công đoạn. Đầu tiên là đập, sau đó là cắt quy cách, tiếp theo đó là tách và tẩy ú và đến công đoạn cuối cùng là bó thành phẩm. Các sản phẩm đá chẻ của xã Hòa Sơn hiện được thị trường trong nước và quốc tế rất ưa chuộng, đá chẻ được vận chuyển vào thị trường miền Bắc và miền Nam, chủ yếu là đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-nghe-da-che-a226685.html