Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng, phần IV: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" nêu rõ bốn mục: 1. Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. 2. Phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. 3. Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. 4. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Chúng tôi nhất trí bốn mục trên và những nội dung đề cập ở những mục ấy, nhưng Dự thảo Báo cáo Chính trị chưa nêu rõ vai trò của Nhà nước và những phương tiện, công cụ kinh tế nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát, điều tiết vĩ mô hướng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Vấn đề đặt ra là hoàn thiện thể chế như thế nào để phát huy được tính ưu việt, nâng cao được vai trò đó trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua thực tiễn vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mang lại những thành tựu 20 năm đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử và thành tựu 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X (2006 - 2010) làm cho 'tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển'. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu với sức tàn phá chưa từng thấy, gây hậu quả nghiêm trọng, tác động nhiều quốc gia trên thế giới, người ta lo ngại và tập trung ứng phó, trong đó có Việt Nam. Vận hành kinh tế thị trường định hướng XHCN nên chúng ta đã ứng phó thành công, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Vì sao Việt Nam lại làm được? Mặc dù chưa có tiền lệ, nhưng mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam trong thời kỳ quá độ, qua kết quả thực tiễn cho thấy: Vai trò điều hành, quản lý, khả năng kiểm soát của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường, vận dụng đúng đắn quy luật phổ biến của kinh tế thị trường với quy luật đặc thù của CNXH. Sự quản lý của Nhà nước nhằm hạn chế, khắc phục 'những thất bại của thị trường', thực hiện các mục tiêu xã hội nhân đạo mà thị trường tự do không thể làm được. Đồng thời khẳng định khả năng to lớn, sự đóng góp sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, các thành phần kinh tế. Trong đó vai trò kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ của Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Tuy nhiên, những yếu tố, công cụ để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường chưa được phát huy đúng mức; chất lượng xây dựng và thực hiện quy hoạch còn thấp, quản lý thị trường còn buông lỏng, chính sách phân phối còn nhiều bất hợp lý. Mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là nạn tham nhũng, đầu cơ ở thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động, gian lận thương mại dưới mọi hình thức... ngăn chặn chưa kịp thời và chưa hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí lớn. Điều đặc biệt quan tâm là những vụ việc tiêu cực lớn thường xảy ra ở một số tập đoàn, tổng công ty và công ty nhà nước. Vì những lý do trên, chúng tôi đề nghị bổ sung một số ý trong phần IV của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng như sau: - Kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam là mô hình khoa học, sáng tạo đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Nâng cao hơn nữa về nhận thức, thống nhất và đồng bộ trong việc đề ra chủ trương, chính sách, vận hành cơ chế thị trường. Chống tư tưởng tả khuynh, hữu khuynh, giữa yếu tố thị trường và định hướng XHCN. - Phát huy ưu thế vai trò Nhà nước pháp quyền XHCN, các phương tiện, công cụ kinh tế của Nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kiểm soát, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, bảo đảm duy trì ổn định, tăng trưởng bền vững. Xây dựng thể chế để bảo đảm yêu cầu bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, phẩm chất đạo đức, trình độ khoa học - công nghệ, năng lực quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, theo hướng CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. Thể chế quy định cụ thể về tiêu chuẩn và trách nhiệm người đứng đầu và tập thể lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm vai trò quản lý, điều tiết, làm đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển; trách nhiệm về bồi dưỡng, đào tạo, quản lý, đánh giá, đề bạt, sử dụng cán bộ; tổ chức tốt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/chinh-tr/chinh-tr-tin-chung/nang-cao-hi-u-l-c-hi-u-qu-qu-n-l-c-a-nha-n-c-i-v-i-n-n-kinh-t-th-tr-ng-nh-h-ng-xhcn-1.269653