NSƯT Văn Chương, tài năng và tâm huyết

Dù vai diễn lớn hay nhỏ, nghệ sĩ chèo Văn Chương cũng 'quăng' mình ra để luyện tập không kể ngày đêm.

Giọng hát vàng của làng chèo

Nhiều năm qua, giọng hát của NSƯT Văn Chương, nguyên diễn viên Đoàn chèo Hà Tây, hiện là trưởng phòng nghệ thuật Nhà hát Đài TNVN đã trở nên thân quen với thính giả cả nước. Anh cũng là cộng tác viên thân thiết của Chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài TNVN. Năm 2007, Ns Văn Chương được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: NSƯT. Hơn 20 năm qua, sau các bậc thầy, bậc đàn anh như Quý Bôn, Khắc Tư, Duy Thường… NSƯT Văn Chương là giọng hát chèo hiếm, quý, được khán thính giả yêu chèo coi như “Giọng hát vàng” của làng chèo.

“Trông lên bức gấm

Nhớ tới tay ngà

Cây kia ai xới

Cho thắm giò hoa

Thấp thoáng rèm châu in vóc liễu

Tiếng đàn ai lắng thắm dây tơ…”

Giọng chèo đằm thắm, tha thiết, tiếng lòng ai oán xót xa, ngâm như rút ruột mà ngâm, hát như “Thổ tận can tràng mà hát” trong Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2001 ấy là của Ns Văn Chương. Anh đã hút hồn được khán giả, bạn diễn và Ban giám khảo. Huy chương vàng cho vai diễn Lưu Bình, Giải giọng hát nam hay nhất, giải diễn viên xuất sắc nhất, diễn viên đóng vai “Kép nền” đẹp nhất. 4 cái nhất trong một Vai diễn của một Hội diễn, trong lịch sử sân khấu chèo ít diễn viên nào có được. Đó chính là thành quả lao động không mệt mỏi hàng chục năm trời của Văn Chương.

NSƯT Văn Chương.

Duyên "tiền định"

Ns Văn Chương tuổi Dậu, anh sinh năm 1969 trong một gia đình không có người làm nghệ thuật ở Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây (nay là là Hà Nội). May mắn được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Xứ Đoài mây trắng, nơi có chiếng chèo Đoài nổi tiếng và cũng là quê hương của nhiều Ns danh tiếng nên anh đã biết nghe, biết thưởng thức chèo ngay từ khi còn nhỏ. Năm 1984, khi vừa tròn 16 tuổi chàng trai trẻ Văn Chương háo hức thi tuyển vào Đoàn chèo Hà Tây với một niềm tin cháy bỏng rằng mình sẽ theo nghiệp chèo đến trọn đời. Sau khi trúng tuyển, vừa theo đoàn tập luyện, biểu diễn, vừa tự tìm tòi học hỏi, Ns Văn Chương dần dần đã gom góp cho mình được một vốn liếng chèo kha khá.

Nói đến thành công của Ns Văn Chương hôm nay thật là thiếu sót nếu không kể đến những chỉ bảo ân cần của các thế hệ Ns, diễn viên trong Đoàn, những người đi trước đã có nhiều kinh nghiệm trong hát, diễn, truyền nghề và giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho Văn Chương. Cho đến nay, dù thời gian đã trôi xa, nhưng những buổi tập dưới sự chỉ bảo ân cần của lớp các anh các chị đi trước như: NSƯT Phương Toàn, NSƯT Khắc Tư, NSƯT Mai Khanh, Ns Hương Thách, Đạo diễn, tác giả Lương Tử Đức… vẫn còn mãi trong ký ức của Văn Chương. Bắt đầu từ cách đi, dáng đứng, giọng hát của các vai thư sinh rồi đến các vai mẫu trong chèo. Văn Chương tiếp thu nhanh nên anh đã sớm thành công ở những vai diễn đầu đời.

Như cái duyên tiền định với nghệ thuật chèo cổ, Văn chương chỉ thực sự thành công với những vai diễn đậm chất chèo. Khi nghệ thuật chèo truyền thống được phục hồi, Văn Chương như con chim sổ lồng tung cánh trước trời xanh lộng gió. Chương hát, Chương diễn với tất cả sự khát khao của tuổi trẻ, niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật chèo. Khán thính giả yêu chèo của Hà Tây và cả nước luôn luôn dành sự yêu mến cho một Văn Chương sang trọng, hào hoa phong nhã trong các vai Hoàng tử vở: “Tấm Cám”, và trích đoạn: “Hoàng Trìu kén vợ”, đặc biệt là vai Lưu Bình trong vở: “Lưu Bình Dương Lễ”… Rồi anh tiếp tục thành công với những vở mang đề tài lịch sử quê hương Hà Tây như: Phạn Huy Chú trong vở “Dáng Trúc Sài Sơn”; ông Nghè trong vở “Truyền thuyết ông Nghè”; Tự So trong vở “Nước mắt cô đào”; Tâm trong vở “Quê hương có thật”…

Điều đáng nói ở đây là dù vai diễn lớn hay nhỏ Văn Chương cũng “quăng” mình ra để luyện tập không kể ngày đêm. Hình như trong những lúc tập vai Văn Chương sống với nhân vật của mình nhiều hơn với gia đình: anh buồn, vui, hờn, giận với nhân vật, anh trăn trở với từng câu hát, điệu múa, động tác diễn. Người sành chèo đánh giá Văn Chương có một giọng hát mà ít nghệ sĩ nào có được đó là giọng hát “Thổ Màu”, ấm áp, dầy dặn, vang, rền, và sang.

Khi Văn Chương hát chèo, diễn chèo, anh không chỉ hát chỉ diễn mà còn biết thổi hồn cho nhân vật, cho bài ca nên những bài ca và vai diễn của anh dù dài, ngắn, dù là làn điệu gì và vai diễn nào vẫn mang được hết sức nặng của nội dung, được bạn bè đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao. Đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ, người đã dàn dựng hàng trăm vở diễn cho sân khấu chèo, khi làm việc đã rất hài lòng với cách làm việc cũng như cách ứng diễn thông minh, đầy chất Ns, có cá tính sáng tạo của Ns Văn Chương.

Những thành công không nhỏ...

Có thể nói nói Ns Văn Chương là người thông minh, ham học hỏi. Anh tự nhủ chỉ có giọng hát trời cho và dáng vẻ hào hoa chưa đủ mà phải có kiến thức, phải học hỏi, phải khổ luyện mới mong tiến bộ. Hàng ngày anh đón nghe các chương trình hát chèo, hát dân ca của Đài TNVN để học các Ns bậc thầy và của các Ns đoàn bạn về cách lấy hơi, nhả chữ, buông câu, ngắt nhịp, cách luyến láy sao cho tròn vành, rõ chữ, tinh tế và sang trọng. Từ chỗ chỉ biết hát chèo, Văn Chương dần dần học sang nhiều bộ môn nghệ thuật khác, đặc biệt là nghệ thuật hát văn.

Sau hơn 30 năm cống hiến cho nghệ thuật, Ns Văn Chương đã gặt hái được những thành công không nhỏ.

Tiếng lành đồn xa, Đài TNVN, Đài THVN rồi Đài PT và TH Hà Tây mời anh cộng tác. Ngay từ bài ca đầu tiên được phát trên làn song, giọng hát của Ns trẻ Văn Chương đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo khán, thính giả. Hàng trăm bức thư gửi về Đài yêu cầu được nghe lại giọng hát của Ns Văn Chương, được làm quen, và được làm học trò của anh. Sau nhiều năm cộng tác với chương trình “Tiếng thơ” của Đài TNVN, THVN giờ đây anh cũng đã là một trong những Ns ngâm thơ được mến mộ nhất.

Sau hơn 30 năm cống hiến cho nghệ thuật, Ns Văn Chương đã gặt hái được những thành công không nhỏ: dành nhiều huy chương vàng bạc trong các kỳ hội diễn của Trung ương và địa phương, nhiều năm liền được ủy ban nhân dân, Sở văn hóa thông tin tỉnh tặng bằng khen. Tháng 2/2007, môt vinh dự lớn đến với Ns Văn Chương: anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý NSƯT. Nhưng vinh dự lớn hơn cả Văn Chương là một trong những Ns chèo có danh tiếng và được mến mộ nhất hiện nay.

Từ cuối năm 2006, Ns Văn Chương vừa làm công tác quản lý, vừa theo học lớp đại học cán bộ Quản lý văn hóa. Thời gian cứ cuốn anh đi, nhưng duyên chèo nghiệp chèo vẫn theo anh. Bao nhiêu năm anh cộng tác gắn bó thân thiết với Đài TNVN, năm 2009, Văn Chương quyết định về đầu quân cho Đài với chức danh Trưởng phòng nghệ thuật của Nhà hát Đài TNVN. Ở đây anh không chỉ phát huy khả sáng tạo qua những tiết mục hát chèo, hát văn mà còn biên tập các bài dân ca để các nghệ sĩ Nhà hát thu thanh phát sóng. Hơn 20 năm qua Đài TNVN, Đài THVH, Đài PT và TH Hà Tây, Hà Nội coi anh như người nhà, thường xuyên mời anh cộng tác. Khán thính giả khắp nơi vẫn ái mộ, viết thư gọi điện chúc mừng, gửi gắm niềm tin mỗi khi nghe hay xem được một tiết mục mới mà anh thể hiện.

Với nghệ thuật, Văn Chương là một Ns thành danh, trở về cuộc sống đời thường Văn Chương có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Vợ anh, Ns Lệ Hằng, cùng nghề nên chị rất hiểu và thông cảm với chồng, 2 con anh, một gái một trai đều ngoan, học giỏi. Nhìn thấy sự thành đạt của Văn Chương mà thấy mừng. “Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”, người có tâm với nghề hẳn trời không phụ công. Cầu chúc cho anh có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật chèo tất cả tài năng và tâm huyết./.

Mai Văn Lạng/VOV

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nsut-van-chuong-tai-nang-va-tam-huyet-426251.vov