Một số vị thuốc cầm máu trong dân gian

Cây nhọ nồi.

Cỏ nhọ nồi là một loài cỏ mọc thẳng đứng có thể cao tới 80 cm, thân có lông cứng. Lá mọc đối có lông ở hai mặt, dài 2-8cm, rộng 5-15mm. Cụm hoa hình đầu mầu trắng ở kẽ lá hoặc đầu cành, lá bắc thon dài 5-6mm. Quả bế ba cạnh, hoặc dẹt, có cánh, dài 3mm, rộng 1,5mm, đầu cụt. Mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Công dụng và liều dùng: Theo tài liệu cổ, Nhọ nồi vị ngọt, chua, tính lương vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ thận âm, đi ngoài. Trong dân gian thường dùng nhọ nồi giã vắt nước uống cầm máu trong rong kinh, trĩ ra máu, sốt xuất huyết ngày dùng 6-12g dưới dạng sắc uống. Viện Dược liệu và Bộ môn dược lý Trường đại học Y Hà Nội đã có những nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ nhọ nồi và cho biết loài cỏ này cũng như vitamin K có tác dụng góp phần thúc đẩy việc chống chảy máu và không gây tăng huyết áp, không làm dãn mạch. Cây mào gà đỏ: Còn có tên bông mồng gà đỏ, kê quan hoa, kê đầu, kê quan. Tên khoa học Celosia cristata L. Cây mào gà đỏ là một loại cỏ sống lâu năm, cao từ 30cm-1,5m. Thân cứng có cành nhẵn. Lá có cuống, phiến lá nguyên hình trứng đầu lá nhọn, phía gốc to rộng hơn lá cây mào gà trắng, hoa đỏ, vàng hoặc trắng, cuống rất ngắn. Công dụng và liều dùng: Theo tài liệu cổ, cây mào gà đỏ (kê quan hoa) vị ngọt, tính lương, vào hai kinh can và đại trường. Có tác dụng thanh nhiệt cầm máu. Chữa xích bạch lỵ, trĩ chảy máu, những người tích trệ không dùng được. Đơn thuốc: - Chữa lòi dom, chảy máu tươi cây mào gà đỏ sắc uống ngày 8-15g. - Chữa dạ dày chảy máu, tử cung xuất huyết, lỵ ra máu, ỉa ra máu, kinh nguyệt kéo dài: hoa mào gà đỏ (khô) 10g, ngày chia làm nhiều lần uống. Vạn tuế: Còn gọi là huyết thụ, phong mao tùng, phong mao tiêu. Tên khoa học Cycas revoluta Thunb. Thuộc họ Tuế Cycadaceae. Vạn tuế: thân hình trụ, cao 2-3m, lá mọc thành vòng, dài tới 2m, hình lông chim, cuống lá có gai, lá chét dài 15-18cm, rộng 6mm, nhỏ hơn về phía gốc và phía ngọn, gần mọc đối, nguyên, nhẵn, hình sợi chỉ, mũi có gai đơn, mép cuốn lại, có gân lồi. Công dụng, liều dùng: Theo tài liệu cổ lá vạn tuế có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng thu liễm, cầm máu, giảm đau. Hạt có tác dụng cố tinh (làm cho tinh khí lâu xuất). Người ta thường dùng lá chữa chứng chảy máu cam, lỵ. Hạt dùng trong những trường hợp hoạt tinh, khí hư. Ngày dùng 12-40g lá đốt thành than cho uống.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/i-s-ng-x-h-i/m-t-s-v-thu-c-c-m-mau-trong-dan-gian-1.266266