Một số dấu mốc “đầu tiên” của báo chí Việt Nam

VH- Tờ báo quốc ngữ đầu tiên: Khai sinh sớm nhất trong làng báo quốc ngữ Việt Nam là tờ Gia Định báo (phát hành số đầu ngày 15.4.1865). Tờ báo tổng hợp này có khổ 25 x 32cm, ra hằng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm.

Tờ báo Cách mạng đầu tiên: Tuần báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Số báo đầu tiên phát hành ngày 21.6.1925; ngày này sau này được vinh dự chọn làm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên: Đó là nguyệt san Thông loại khóa trình (báo kiểu sách đọc thêm, giải trí mang mục đích giáo dục) do Trương Vĩnh Ký chủ trì. Tờ báo có khổ 16x23,5cm, ra số đầu vào tháng 5.1888; phát hành hằng tháng tại miền Nam những năm 1888-1889. Tờ nhật báo đầu tiên: Bốn năm sau khi thành lập, báo Trung Bắc Tân văn ở Bắc Kỳ tăng dần số phát hành và trở thành nhật báo (báo ra hằng ngày) đầu tiên. Từ tháng 1.1919, mỗi ngày báo xuất bản một số. Tờ báo Phụ nữ đầu tiên: Báo Nữ giới chung (tiếng chuông của giới nữ) xuất bản vào thứ Sáu hằng tuần tại Sài Gòn trong năm 1918 là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ. Số 1 của nó ra ngày 1.2.1918. Tờ báo kinh tế đầu tiên: Báo Nông cổ mín đàm (ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) có khổ 20x30cm, ra số đầu vào ngày 1.8.1901, phát hành thứ Năm hằng tuần tại Sài Gòn. Tờ báo hài hước đầu tiên: So với những lĩnh vực khác, báo chí trào phúng ít hơn và ra đời muộn hơn. Tờ báo hài hước đầu tiên của Việt Nam mang tên Con Ong, phát hành ngày thứ Tư hằng tuần tại Hà Nội trong những năm 1939-1940. Số 1 của nó ra ngày 4.6.1939. Nhà báo Việt Nam đầu tiên: Nhà báo Việt Nam đầu tiên là Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên tự là Sỹ Tải thường gọi là Pétrus Ký, quê ở Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre). Ông là một học giả lớn, thạo 26 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng nghìn bài viết, có chân trong nhiều hội khoa học quốc tế, cống hiến xuất sắc cho các chuyên ngành: văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, nhân chủng học. Trương Vĩnh Ký được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam. Ông sáng lập, là Tổng biên tập những tờ báo quốc ngữ đầu tiên, cũng là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác. Nữ Tổng biên tập đầu tiên: Danh hiệu này thuộc về Nguyễn Thị Ngọc Khuê (1864 - 1921), bút danh là Sương Nguyệt Anh, con gái thứ 4 của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, quê ở Ba Tri, Bến Tre. Nhận lời mời của các đồng nghiệp, đầu năm 1918 bà lên Sài Gòn làm Tổng biên tập tờ Nữ giới chung và phụ trách tờ báo này suốt thời gian tồn tại của nó. Người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam: Đó là ông Hoàng Tích Chu (1897-1933). Ngay từ năm 1921, ông Hoàng Tích Chu đã giúp việc cho tòa soạn báo Nam Phong. Sau đó, tháng 7.1921, khi nhà tư sản Bạch Thái Bưởi sáng lập tờ Khai Hóa, thì ông Hoàng Tích Chu được chọn làm chủ bút. Trong thời gian làm báo ở Việt Nam, ông Hoàng Tích Chu đã nghĩ đến việc phải sang Pháp học nghề báo. Năm 1923, nguyện ước của ông đã trở thành hiện thực và ông trở thành người Việt Nam đầu tiên được học nghề báo. Về nước, cùng với một người bạn tên là Đỗ Văn (học nghề in), Hoàng Tích Chu đã lập ra tờ Hà Thành Ngọ báo. Với nhiệm vụ biên tập, Hoàng Tích Chu tiến hành hàng loạt cải cách báo chí. Bấy giờ, tình trạng chung của báo chí Việt Nam là nặng về lối văn biền ngẫu, dùng chữ nho, điển tích, rườm rà, rắc rối... Trên tờ Hà Thành Ngọ báo, Hoàng Tích Chu sử dụng lối văn mới sáng sủa, gọn gàng, giàu lượng thông tin. Trước đó, phần lớn các báo đều chỉ đăng tin ở trang 2, 3; còn Hoàng Tích Chu thì cho in ngay trang nhất những tin sốt dẻo, quan trọng. Ban đầu, Hoàng Tích Chu bị coi là “kẻ lập dị”, nhưng sau khi ông qua đời, giới báo chí đã tôn vinh ông là “ông tổ văn mới”. Nguyễn Minh (sưu tầm)

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/27025.vho