Món ăn thấm đẫm hương quê nơi đất khách

Như có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy trên tấm áp phích ở Khon Kaen, xứ Thái cho rằng một trong hai món ngon nhất nước Việt là bánh da lợn. Nhưng dù món gì, lòng kẻ lang bạt vẫn ấm sực mỗi khi may mắn gặp món "quê nhà".

Mối giao hòa hương vị sắc của món xôi khúc hoài niệm

Tôi “biết” đến món xôi khúc xứ Bắc lâu lắm, qua cuốn sách mỏng Hoa vông vang in trước 1975 của Đỗ Tốn. Cho đến một sáng mùa thu trong veo Sakon Nakhon, miền Đông Bắc xứ Chùa Vàng.

Bì cuốn món dân dã xứ Việt.

Mai sớm đi đón bình minh chùa xưa Pra That Choeng Chum, tôi ngạc nhiên với tấm biển nhỏ tiếng Việt “Xôi Cúc”, trước căn nhà nhỏ trên đường Charoen Mueang. Khi về dừng lại, bằng tiếng Anh, tiếng Thái chập chọe (số đếm), cuối cùng là tiếng Việt, tôi lần đầu gặp món ăn của hoài niệm nơi quê người. Quả thật là xôi rất ngon. Nhất là khi gia đậm thêm tình cố hương.

Chủ nhà có tên Việt là Hoàng Minh, 68 tuổi. Gốc Quảng Bình cộng Hà Tĩnh, qua đây từ thời cụ, kỵ gần 200 năm, chú nói tiếng Việt sõi hơn giới trẻ sính chêm ngoại ngữ bây giờ. Con cái lớn bộn, làm ăn đề huề, chú vẫn giữ thúng xôi trước nhà, giữ tên Việt (người Thái không đọc được âm “kh” nên “xôi khúc” đã thành “xôi cúc”). “Thùng xôi này là truyền thống nhà từ lâu rồi. Giờ chú lớn tuổi nhưng không muốn nghỉ, có tí việc đỡ tay chân, cũng để giới thiệu món ngon của mình đến bạn, còn giúp bọn trẻ xa xứ biết món quê hương... Mọi người rất thích, mỗi lần chú về Việt Nam chơi (đã 7 – 8 lần rồi) đều bị trách sao nghỉ lâu thế…”, chú cười hiền chia sẻ và ngừng câu chuyện để lấy xôi cho khách.

Cô hàng bánh cuốn dễ thương ở chợ Phanom.

Tôi lần đầu ăn, không biết xôi khúc thật, rồi biến tấu bằng rau muống… để thay màu xanh ngày càng khó kiếm của lá khúc như các trang mạng Việt Nam chia sẻ là như thế nào. Nhưng bất ngờ khi cắn ngập răng miếng ngon đẫm hương vị làm tứa đầy nước miếng. Ngạc nhiên vì sự giao hòa phù hợp của vị, sắc, hương đã đẩy lên nhiều cung bậc món dân dã. Ngoài cùng là lớp vỏ bọc bằng những hạt nếp trắng trong thơm dẻo. Kế đến là lớp vỏ bằng bột nếp ngâm nước lá khúc xanh mơ màng, nêm chút ngọt nhẹ. Trong cùng là nhân đậu xanh vàng đậm đà lốm đốm pha tí tiêu hành mỡ, beo béo măn mẳn. Màu trắng, xanh, vàng, vị ngọt, bùi, béo, mùi nếp thơm, thoảng hương lá, nồng hương đậu… quấn quíu nhau để tôn thêm các hương, màu, sắc, vị. Thêm chút dẻo dính luyến lưu của nếp – như ùa về một trời quê hương yêu thương.

“Năam neu-ang” Xin chào Việt Nam!

Tôi ra đi, chia tay chú Minh, cô Chè…, những người thân mới nơi quê người.

Câu chuyện – cũng về món ngon quê nhà – của cô Chè ở Good Morning Vietnam & Coffee, 165 đường Thamrong Prasit, Nakhon Phanom, Thái Lan là những nỗi niềm khác. Ghé đến lần thứ tư, tôi mới biết đến quán nhỏ nép mình góc ngã tư vắng cách dòng Mekong cuồn cuộn ngoài kia hơn 100m là nhờ vào cuốn Hành tinh cô đơn nổi tiếng. Nhớ quê, tò mò với “bốn thế hệ bán món Việt” nổi tiếng với “năam neu-ang”(nguyên văn bản Anh ngữ), tôi tìm đến. Rồi đã ghé tiếp, đã mãi bịn rịn chào cô Chè trước khi bước tiếp đường lang bạt.

Bối rối vì lần đầu ghé chủ quán tiếp bằng tiếng Anh, Thái, ngay cả khi biết khách Việt. Trong quán duy nhất bảng tên nhỏ tiếng Anh, còn thực đơn, thực khách, phục vụ… đều Thái. May mà thực đơn có hình. Hơi “quê độ” vì nghĩ mình nhầm, nhưng khi món ăn đem ra, tôi biết chắc món nem nướng có bánh tráng mỏng để cuốn, vài loại rau người Thái ít dùng như chuối chát, tía tô… là của mình. Chủ quán nhất định gốc Việt. Cùng lúc, cô Chè bước ra vồn vã chào, trò chuyện, mới vỡ lẽ. Đúng là quán đã bốn thế hệ, qua hơn 50 năm từ gánh hàng rong của bà ngoại, mẹ, đến cô, rồi đến con gái và anh con rể người Thái – nên anh chủ quán không nói tiếng Việt! Chuyện miên man theo hồi ức của cô bé Việt kiều có ông bố bộ đội Hà Nội chính hiệu, theo bà, theo mẹ rong ruổi gánh hàng rong bán món lạ món ngon trên xứ người. Đã hơn 60, giờ cô giao lại cửa hàng cho con, nghỉ ngơi chăm cháu và thỉnh thoảng về quê thăm nhà. Lúc nãy nghỉ trưa, chỉ khi nghe có khách lạ từ quê nhà cô mới xuống chuyện trò.

“Ngày trước đông khách lắm, hàng ăn bán mấy món này của bà ngoại và mẹ con cô là đầu tiên ở đây mà. Cô và bốn chị em gái phụ không kịp. Giờ bớt đông rồi, kinh tế phát triển, đi đây đi đó dễ, nhiều món ăn lạ, cửa hàng mới mở. Hơn nữa, cũng có mấy quán khác mới mở lấy tên Good Morning Vietnam, bán cũng giống như mình, do vậy nhà cô mới thêm chữ “& Coffee” để phân biệt với quán khác là vậy”. Rồi cô chùng giọng “Ngày trước nhiều món hơn, như chả giò… nhưng giờ cô không làm nữa. Không biết sao, giờ hàng bên mình qua nhiều, dễ mua hơn trước nhiều, nhưng làm không ngon. Như bánh đa gói chả giò giờ rán lên ăn nó không giòn mà còn hay bị dính răng khó chịu lắm. Nên thôi, cô không bán nữa. Chỉ có món nào chủ động được nguyên liệu như nem nướng, bì cuốn… thì cô mới bán thôi. Ít nhưng khách rất thích, không chỉ khách Tây mà cả khách Thái nếu đã từng ăn. Còn khách Việt thì khỏi phải nói rồi”.Cô cười, tôi chưa kịp gật đầu đồng ý côđã vội đứng lên phụ tiếp nhóm khách Tây vừa ồn ã kéo vào.

Tôi ra đi, chia tay chú Minh, cô Chè…, những người thân mới nơi quê người. Vẫn mong một ngày quay lại thật gần – như đã hứa chắc. Để lại được ấm áp trong tình thân, được nhâm nhi nhấm nháp món ngon quê nhà chan đẫm tình cố hương! Mong và mơ mới nhiều làm sao!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/que-nha/mon-an-tham-dam-huong-que-noi-dat-khach-659469.html