Mổ phaco, dễ bị mù lòa?

PN - Một số bệnh nhân sau khi mổ phaco lại trở thành người “khiếm thị”. Mổ phaco thực chất là gì? Phương pháp này có ẩn chứa nhiều rủi ro?

Biến chứng ít, nhưng nghiêm trọng

Theo các bác sĩ (BS), mổ phaco (nhũ tương hóa thủy tinh thể bằng sóng siêu âm) được xem là phương pháp hiện đại nhất để điều trị bệnh đục thủy tinh thể. Phaco được áp dụng tại BV Mắt TP.HCM hơn 10 năm qua, đến nay có khoảng 100.000 trường hợp đã được phẫu thuật. Đục thủy tinh thể (còn gọi là cườm khô, cườm đá, đục nhân) là căn bệnh xảy ra phần lớn ở người cao tuổi, do quá trình lão hóa gây nên. Ngoài ra, một số trường hợp đục thủy tinh thể do bệnh lý, ví dụ: bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em, đục thủy tinh thể ở lứa tuổi thanh thiếu niên do chấn thương đầu, hoặc do một số bệnh hệ thống khác như tiểu đường, viêm thận, phải sử dụng corticoid kéo dài.

Một ca mổ mắt tại BV Mắt TP.HCM - Ảnh: AN QUÝ

Theo BS Phí Duy Tiến - Phó giám đốc BV Mắt TP.HCM, phương pháp mổ phaco với sự hỗ trợ của máy móc sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh sau phẫu thuật, vết mổ nhỏ (2,2mm - 3,2mm). BS Tiến cho biết: “Mổ phaco đòi hỏi phẫu thuật viên nhiều kỹ năng hơn. Bên cạnh tay nghề, phẫu thuật viên phải biết sử dụng thành thạo thiết bị hỗ trợ. Phẫu thuật viên mổ phaco phải được đào tạo ít nhất một năm. Nếu phẫu thuật viên không được đào tạo bài bản, chưa làm chủ được máy, sẽ gây ra những biến chứng khó lường cho bệnh nhân”.

Theo các chuyên gia về mắt, nếu thiếu kinh nghiệm mổ phaco, phẫu thuật viên không chỉ gây ra nhiều biến chứng cho bệnh nhân mà tình trạng biến chứng còn trầm trọng hơn. Dưới tác động của sóng siêu âm và năng lượng, mắt được phẫu thuật có thể bị phù lên. Hiện tượng này sẽ khỏi sau khoảng năm - bảy ngày. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không hồi phục được, dẫn đến loạn dưỡng giác mạc, làm hư hại tròng đen, khiến tròng đen trở nên trắng đục. Ngoài ra, còn có biến chứng khác xảy ra trong quá trình phẫu thuật, có thể làm tổn hại lõi nhân, khiến không thể đặt thể thủy tinh nhân tạo. Bệnh nhân có thể bị biến chứng tăng nhãn áp - nguy cơ gây bệnh cườm nước sau này.

Tuy nhiên, BS Tiến nhấn mạnh: “Những biến chứng nêu trên đều có thể “khắc phục sự cố”. Trường hợp loạn dưỡng giác mạc có thể nhìn thấy nếu được ghép giác mạc… Với những BS có nhiều kinh nghiệm, mổ phaco ít gây chấn thương mắt (biến dạng mắt) hoặc biến chứng so với mổ ngoài bao bằng tay. Thông thường mổ bằng tay sẽ tạo ra vết mổ lớn, hầu hết đều phải khâu, nên thường xảy ra các biến dạng mắt. Còn phương pháp mổ phaco, 99% trường hợp không cần phải khâu”.

Mổ xong chưa phải là “hết chuyện”

Mỗi năm, cả nước có khoảng 130.000 ca đục thủy tinh thể được phẫu thuật phaco; riêng TP.HCM là 30.000 ca. Điều đáng ngại là không ít bệnh nhân quan niệm rằng, sau mổ là “ổn”. Giai đoạn hậu phẫu rất quan trọng, đó là theo dõi, tái khám định kỳ sau mổ, đặc biệt là quan tâm đến việc nhiễm trùng sau mổ. Các BS cảnh báo, hầu hết bệnh nhân sau khi mổ phaco đều tăng nhãn áp, nhưng có thể kiểm soát được. Tăng nhãn áp nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ dẫn đến mù lòa. Vì vậy, khi bệnh nhân cảm thấy nặng mắt, đau nhức, thậm chí nôn ói, phải nghĩ đến tăng nhãn áp và nhanh chóng nhập viện.

Những người trên 50 tuổi, khi bị mờ mắt phải thường xuyên đi khám để theo dõi đục thủy tinh thể. Chỉ định mổ phaco phụ thuộc chủ yếu vào bệnh nhân khi cảm thấy căn bệnh này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong một tuần lễ đầu sau mổ, bệnh nhân không được để nước văng vào mắt, tránh mang vác nặng.

AN QUÝ

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2012/Pages/mo-phaco-de-bi-mu-loa.aspx