Miền Nam nhớ Bác

35 năm đã trôi qua, ngày Chiến thắng 30/4 cùng với bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" vẫn không phai mờ trong ký ức của nhiều người, đặc biệt là đồng bào, chiến sỹ miền Nam.

Bác Hồ với Dũng sĩ miền Nam 1969. Có một sự thật lịch sử mà các sử gia phương Tây không thể lý giải được là tại sao sức mạnh tinh thần mãnh liệt có trong mỗi đồng bào chiến sỹ miền Nam lại có cội nguồn ở mãi tận miền Bắc - nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác Hồ không chỉ là biểu tượng cho ý chí và quyết tâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà còn là một niềm tin tất thắng để mỗi người dân miền Nam vững tin đi đến tận ngày thắng lợi cuối cùng. Năm 1967, không quân Mỹ leo thang bắn phá ác liệt ở miền bắc. Dưới căn hầm sâu tránh bom, trên một chiếc giường nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp với Bộ Chính trị về nhiều quyết sách lớn cho những thời điểm quyết định. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cả 2 miền Nam và Bắc đã cho thế giới thấy, dân tộc Việt Nam là một, từ vị Chủ tịch nước tới người dân thường cùng một ý chí. Nơi hầm sâu tránh bom, tất cả vẫn vững một niềm tin ở ngày toàn thắng. Cây vú sữa được đồng bào miền Nam gửi tặng Bác từ năm 1955, đến giờ nó vẫn xanh tốt và luôn là biểu tượng của tình cảm đau đáu mà Bác hướng về miền Nam. Ông Bùi Kim Hồng, Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Phủ Chủ Tịch kể lại: "Bác Hồ nói, ở miền Nam, mỗi người có một nỗi đau khổ riêng, mỗi gia đình có một nỗi đau khổ riêng. Cộng tất cả những nỗi đau khổ đó là nỗi đau khổ của tôi". Con đường được đặt tên là đường Xoài vì hai bên đường có những cây xoài cổ thụ. Hơn 40 năm đã trôi qua không có nhiều thay đổi. Con đường đã chứng kiến những cuộc gặp gỡ của những người thân trong gia đình. Tạ Thị Kiều, A Vai và nhiều dũng sỹ miền Nam đã được ra thăm Bác Hồ. Họ cũng như bao đồng bào miền Nam đã dũng cảm và bền bỉ chiến đấu bởi niềm tin sẽ được gặp Bác và đến ngày toàn thắng, được đón Bác vào thăm miền Nam. Cho đến tận những ngày cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đau đáu một nỗi niềm với miền Nam. Gần 60 năm cuộc đời cách mạng, nhưng dân tộc vẫn chưa hoàn toàn được độc lập, đất nước vẫn bị chia cắt. Đối với Bác, đó là một điều chưa trọn vẹn. Cũng theo ông Bùi Kim Hồng: "Cái truyền thống nhân đạo của người Việt Nam được hun đúc từ bao nhiêu thế hệ và kết tinh trong con người Hồ Chí Minh, đó là làm sao chấm dứt được cái sự đau thương mất mát. Mỗi một lần nghĩ về trận chiến xảy ra là mỗi lần Bác nghĩ về sự mất mát. Nếu chưa giải phóng được miền Nam, thì trận chiến đó luôn luôn diễn ra. Đó sẽ là sự mất mát về con người". Trong khu vườn Phủ Chủ tịch có một địa danh chưa được gắn biển được gọi là Đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là nơi Bác đã tự tập luyện hàng ngày để rèn sức khỏe với mong muốn, sẽ đi bộ vượt Trường Sơn vào thăm miền Nam. Nhưng ước nguyện của Người đã không kịp trở thành hiện thực. Con đường mà Bác định đi, cả dân tộc đã phải mất thêm 6 năm nữa để đi hết. Bác đã sống trọn vẹn với sự nghiệp cách mạng cho đến giây phút cuối cùng. Và con đường Bác chọn có một niềm tin để mỗi người Việt Nam đều nhìn thấy và bước tiếp đến ngày toàn thắng. Tác giả : Văn Thành

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/mien_nam_nho_bac____c3b336975e.html