Miền Crưm xanh thẳm

Từ khu di tích Khersones chúng tôi có thể bao quát thành phố Sevatophol. Những dải đồi gần xa nối nhau bên bờ Biển Đen. Những quảng trường, nhà hát, những lâu đài cổ… hiện ra dưới bầu trời xanh thẳm, chan hòa nắng gió. Một vùng bán đảo giàu trầm tích lịch sử. Một vẻ đẹp vẹn nguyên của Crưm sau bao biến đổi của thời gian vẫn tươi mới và giàu sức quyến rũ.

Một ngày bình thường. Dòng người từ mọi miền hành hương đến Khersones vẫn rất đông. Các giáo chủ trong những bộ đồ đen của giáo phái chính thống, khách du dịch nước ngoài, những dân Nga, Ucraina ở các vùng xung quanh đi với gia đình, những cặp vợ chồng mới cưới, những đám thanh niên đi nghỉ hè… Sự cuốn hút của Khersones nằm ở tầng sâu của văn hóa lịch sử vùng đất này. Hơn 2.500 năm trước, thành phố này đã ra đời. Trong nhiều thế kỷ đây là trung tâm của Crưm, một trong những cái nôi văn hóa vĩ đại của nhân loại.

Một góc Sevastopol bên bờ Biển Đen.

Ngay bên cổng vào khu di tích, liền bên nhà thờ cổ mới được trùng tu, có một bức tường thành của Khersones cũ. Bức tường đã đổ nát, chạy dọc theo phía bên phải khu di tích. Những lớp đá màu xám bạc phơ theo năm tháng và nắng gió thời gian, giờ chỉ còn cao chừng hơn một mét. Bức tường ấy luôn được bảo quản cẩn thận vì đấy là một chứng cứ có sức thuyết phục cho lịch sử lâu đời của Khersones. Chúng tôi đã có dịp đứng bên bức tường ấy để ngắm nhìn toàn cảnh của Khersones bên bờ Biển Đen, đi giữa những bụi hồng trắng chạy dài bến mép biển, tự tay đúc những đồng tiền cổ theo cách của người xưa, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga trên sóng biển… Vẻ đẹp của một quá khứ huy hoàng vẫn tồn tại trong không gian sống và sự tưởng nhớ của con người hôm nay.

So với Khersones cổ xưa thì Sevastopol trẻ hơn nhiều. Một trong những điểm thu hút du khách về lịch sử của thành phố là bảo tàng Panorama nằm ở khu trung tâm, cách không xa câu lạc bộ thủy thủ của hạm đội Biển Đen là mấy. Trên một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh, Panorama vẫn giữ kiến trúc cổ điển theo hình trụ khi được phục hồi sau tàn phá của chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bảo tàng này được họa sĩ lừng danh Franz Alekseevich Raubaud xây dựng từ năm 1901 đến 1904, miêu tả cuộc chiến tranh Crưm (1854 - 1855) diễn ra tại Sevastopol.

Lâu đài Livadia,nơi diễn ra hội nghị Yalta lịch sử

Cuộc chiến bảo vệ Sevastopol kéo dài 349 ngày nhưng họa sĩ Franz Alekseevich Raubaud chỉ tập trung miêu tả một ngày 6/8/1855, khi những người bảo vệ thành phố giáng trả thành công lực lượng liên quan Anh Pháp ở Konrabelnaya Storona, một thời khắc quan trọng của cuộc chiến tranh. Với trên 4.000 nhân vật, không ai giống ai, từ những tướng lĩnh đến những người lính bình thường trong mọi tư thế, mọi khía cạnh của cuộc chiến đấu, Panorama là một kiệt tác với không khí chiến trận bi hùng, sôi động và rất truyền cảm.

Con đường từ Sevastopol đi Yalta đẹp hiếm thấy dù tôi đã đi qua không ít vùng trên trái đất này. Một bên là những dãy núi đá xám trầm mặc, uy nghiêm với những rừng thông, những bụi hoa vàng. Những lâu đài cổ, những khu làng nằm theo những sườn núi, có đoạn nhô hẳn lên cao. Một bên là Biển Đen lặng sóng trải dài, yên tĩnh và bao la dưới nắng vàng; đây đó một vài chiếc tàu thủy để lại những vệt nước trắng nhấp nhóa…

Một trong những công trình mang tính biểu tượng ở vùng này là lâu đài Tổ Yến. Trên một mỏm núi cao vươn sát bờ Biển Đen, lâu đài cổ, với kiến trúc gô tích đặc trưng, nằm chênh vênh, trông xa chẳng gì một tổ chim yến trên triền núi.

Nhà thờ Khersones.

Làng Foros nằm ngay bên bờ biển có một vẻ thanh bình đến nao lòng người. Những ngôi nhà nhỏ màu trắng nằm sát tận mép biển. Những rừng cây lao xao hòa tiếng sóng một ngày biển lặng. So với những địa danh khác, Foros được lịch sử hiện đại đóng một dấu mốc khó quên. Cách không xa làng là khu nghỉ mát của các nhà lãnh đạo thuộc Liên Xô cũ. Trong cuộc chính biến năm 1991, nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Gorbachev đã từng bị Ủy ban đặc biệt về tình trạng khẩn cấp khi đó giam lỏng ở đây mấy ngày trước khi trở về được Matxcơva. Sự kiện này đánh dấu sự sụp đổ của Liên Xô cũ cùng với bao biến động lịch sử khác. Bây giờ đó là một khu nhà bình thường như bao khu nhà khác và chỉ gợi sự tò mò cho những du khách quan tâm đến một câu chuyện của ngày hôm qua gắn với mảnh đất này.

Có hai lâu đài ở vùng Yalta nổi tiếng về kiến trúc và dấu ấn lịch sử của vùng đất này. Đó là lâu đài Vorontsov và lâu đài Livadia nằm không cách xa nhau bao nhiêu.

Lâu đài Vorontsov mang tên bá tước Mikhail Semyonovich Vorontsov (1782-1856) thống đốc đầu tiên của vùng Crưm. Công trình mang một vẻ đẹp cổ điển, tựa lưng vào núi và được xây dựng với rất nhiều công phu. Những loại đá đẹp nhất trong vùng được dùng ở đây. Khu vườn của lâu đài có hàng trăm loại cây quý từ khắp vùng Địa Trung Hải. Nhiều tranh quý của các họa sĩ nổi tiếng được trưng bày trong lâu đài…

Giữa dòng người đông đảo đến thăm Vorontsov hôm ấy, tôi để ý thấy một nhóm ba cô gái là sinh viên trường Mỹ thuật Yalta đang mải mê ký họa những điểm đẹp nhất của lâu đài Vẻ đẹp của Vorontsov truyền cảm hứng cho lớp người trẻ của Yalta hôm nay.

Lâu đài Livadia là một dấu ấn lịch sử rõ nét ở Yalta. Nga hoàng Nicholas II và vợ đã du lịch đến Italia. Vẻ đẹp của những cung điện thời Phục hưng đã cuốn hút ông. Trở về, ông đã quyết định xây dựng lại Livadia vốn có từ thời Alexander, theo phong cách đó.

Livadia chính là nơi diễn ra hội nghị Yalta. Từ ngày 4 đến 11 tháng 2 năm 1945, những người đứng đầu của Liên Xô, Mỹ và Anh - Tổng bí thư Joéph Stalin, Tổng thống Franklin Roosevelt và Thủ tướng Churchill - đã bắt đầu cuộc họp tại lâu đài này nhằm phân chia và tái thiết lại châu Âu sau chiến tranh, một hội nghị nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi trong lịch sử.

Đến thăm Livadia bây giờ, qua những khu trưng bày, với những hiện vật, tư liệu, hình ảnh lịch sử, người ta có một cảm nhận đầy đủ và sống động về hội nghị Yala. Trong một gian phòng có hình ảnh về hội nghị với bài trí quang cảnh và hình ba nguyên thủ bằng sáp giống như thật. Khi ghi lại hình ảnh bên những nhân vật lịch sử, những người từng làm thay đổi thế giới và con đường đi của nhân loại ấy, trong tôi chợt có ý nghĩ: Có lẽ không có ai trong số các vị ấy khi sinh thời có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh của thế giới mà chúng ta đang sống, một thế giới nhiều biến động đến như vậy trong thế kỷ 21 này !

Cùng với những dấu ấn lịch sử, Yalta còn mang lại cho người ta một cảm giác yên bình, thanh thản. Thành phố nghỉ mát với những ngôi nhà nhỏ, vịnh biển, những bãi tắm chạy dài. Những con phố nhỏ ngoằn ngoèo trên sườn đồi, loáng thoáng những khu vườn có những bụi hoa tử đằng màu tím ngát đã đi vào thơ của Maiacopxki. Tiếng còi đang rời cảng vang trong không gian yên tĩnh. Những con hải âu chấp chới trên biển, gửi vào trong gió tiếng kêu khan khan da diết… Không phải tình cờ mà Yalta là một địa chỉ văn hóa đã đi vào đời sống của nhiều thế hệ người Nga, người Ucraina.

Nhiều nhà văn lớn, họa sĩ lừng danh của bốn phương đã để lại dấu chân của mình trong thành phố nhỏ này. Một trong số họ là Anton Chekov. Truyện ngắn “Người đàn bà và con chó nhỏ” của ông mấy thế kỷ vẫn day dứt người đọc về nỗi ám ảnh khát khao tiềm kiếm tình yêu đích thực của con người. Thiên truyện ấy đại văn hào viết ở Yalta. Ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô nơi ông ở là một địa chỉ thu hút du khách.

Một buổi chiều đầy nắng. Cùng với những người bạn vượt cả ngàn cây số để đến với Yalta, chúng tôi đứng trên một khu đồi cao ngay sát biển và thu vào mắt mình toàn cảnh thành phố. Ngay chỗ chúng tôi đứng, tượng đài văn hào Gorki bằng đồng đen trên một bệ cao, dáng người cao lớn, khắc khổ đang nhìn ra phía biển. Những dãy phố uốn lượn gần xa. Dọc theo bờ biển là một bãi tắm đã vắng người…

Từ phía xa, dọc theo mép nước, một người phụ nữ với chiếc mũ rộng vành, bộ váy áo màu sáng đang bay theo gió. Bên cạnh cô là một chú chó nhỏ quanh quẩn. Một sự trùng hợp làm tôi liên tưởng đến Anna, nhân vật chính trong truyện ngắn “Người đàn bà và con chó nhỏ” của Chekov mà tôi đã đọc từ những năm tháng đã xa trong cuộc đời mình. Có cảm giác rằng những con người trên mảnh đất này, sau bao phong ba biến động, với những thăng trầm của lịch sử, vẫn đang luôn trên đường tìm kiếm hạnh phúc cho cuộc sống của mình.

Biển Đen trải dài ngay trong tầm mắt chúng tôi. Màu xanh thẫm đến lạ lùng. Trên đầu, bầu trời xanh cao vời vợi của vùng bán đảo này bao la gió và mênh mông những đám mây trắng bay về đem lại một cảm giác rất lạ. Như cô gái nhỏ bé Axon đang đợi chàng hoàng tử của đời mình trong câu chuyện “Cánh buồn đỏ thắm” của Grin, vốn thân thuộc mỗi chúng ta khi nghĩ về vùng đất giàu bản sắc và vô cùng tươi đẹp này này, Crưm đang trên đường đến bến bờ của hạnh phúc.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Nguồn TTXVN: http://baotintuc.vn/phong-su/mien-crum-xanh-tham-20131106184017147.htm