Mấy tình tiết giảm nhẹ mới đúng?

Gần đây, Viện Phúc thẩm 2 VKSND Tối cao đã kháng nghị, đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng sửa một bản án sơ thẩm của tòa cấp dưới.

Trong vụ án này, bị cáo vừa thành khẩn khai báo, vừa ăn năn hối cải (điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS) nên được cấp sơ thẩm kết luận là có hai tình tiết giảm nhẹ. Theo Viện Phúc thẩm 2, đây chỉ là một tình tiết giảm nhẹ. Việc cấp sơ thẩm tách ra tính thành hai tình tiết giảm nhẹ là không chính xác. Tuy nhiên, sau đó Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã bác kháng nghị. Tòa đồng tình với cấp sơ thẩm là áp dụng thành hai tình tiết giảm nhẹ. (Trên thực tế, các tòa trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đều áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS theo hướng này.) Vì vậy, Viện Phúc thẩm 2 đã đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn. Đồng thời, viện cũng trao đổi với các VKS cấp dưới là trong khi chưa có hướng dẫn thì cần chấp nhận quan điểm giải quyết của tòa, tính “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là hai tình tiết giảm nhẹ nhưng phải có những điều kiện nhất định như có biểu hiện về sự ăn năn hối cải. Ngoài ra, trong phần “xét thấy” của bản án phải ghi rõ bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS là thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Nhìn lại thực tiễn áp dụng BLHS cho đến nay chưa hề có văn bản hướng dẫn chính thức về điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS là hai hay một tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, qua các đợt tập huấn, hội thảo nghiệp vụ, ngành tòa án cho rằng có thể áp dụng thành hai tình tiết giảm nhẹ được. Vấn đề là theo kết luận của chánh án TAND Tối cao, các báo cáo tham luận, các ý kiến đóng góp về nghiệp vụ tại hội nghị chỉ là tài liệu tham khảo, chỉ là những gợi mở để TAND Tối cao nghiên cứu, ban hành nghị quyết hướng dẫn nên các tòa chưa áp dụng trong công tác xét xử. Như vậy, việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra văn bản hướng dẫn chính thức về chuyện này là cần thiết để pháp luật được áp dụng thống nhất, đảm bảo công bằng cho các bị cáo. Bởi lẽ số lượng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS là một trong những căn cứ để tòa án quyết định hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo hay xử dưới khung hình phạt truy tố. Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110801104232549p0c1063/may-tinh-tiet-giam-nhe-moi-dung.htm