Mạng xã hội và những ứng xử thiếu văn hóa

Mạng xã hội đang trở thành một công cụ truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng nhất hiện nay. Bên cạnh những tiện ích vượt trội, mạng xã hội đang khiến cho không ít người e ngại khi mà ở đó, người dùng có thể thoải mái chia sẻ, bình luận về một sự việc, một con người nào đó bằng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa.

A dua để hòa đồng

Miệt thị, chê bai người khác đang trở thành phổ biến trên mạng xã hội. Vừa qua, đã có rất nhiều tranh luận xung quanh vụ việc một số cán bộ “nói xấu” Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên mạng xã hội facebook. Sau đó không lâu, tại Cà Mau, một Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng vì có hành vi bôi nhọ đồng nghiệp trên mạng xã hội facebook. Ngoài ra, còn có hàng loạt vụ việc liên quan tới nội dung bình luận trên facebook. Đáng báo động hơn, có nhiều trường hợp lệch lạc cả tư tưởng và đạo đức, văn hóa truyền thống khó có thể tưởng tượng như việc một đứa cháu công khai chửi mắng ông hay lăng mạ chính mẹ đẻ của mình. Điều này khiến nhiều người không khỏi đau lòng và phẫn nộ.

Ảnh minh họa

Điều đáng nói là những phát ngôn càng phản cảm, gây sốc càng thu hút sự quan tâm, theo dõi, like, bình luận của cộng đồng mạng. Được biết, các trường hợp này thường xuất phát từ một bộ phận giới trẻ.Là một người tham gia nhiều hoạt động trên mạng xã hội, chị Trần Hoàng Thúy phụ trách nhân sự Cty TNHH TM và DV Hoài Đức, cho biết, chị bị “dị ứng” với nhiều fanpage của các bạn trẻ lập ra để nói xấu thầy cô, bạn bè với những lời lẽ cay độc, thô tục. Họ công khai bôi nhọ người khác mà không hề nghĩ đến hậu quả. Xót xa nhất là trường hợp một nữ sinh đã phải tự tử vì bị bạn bè tung ảnh khỏa thân trên mạng facebook. Tuy nhiên, hậu quả đau đớn ấy vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh nhiều người. Họ vẫn thờ ơ, tự do bôi nhọ người khác trên mạng xã hội một cách vô cảm.

Hơn chục năm đứng trên bục giảng, cô Hồng Hạnh giáo viên dạy Văn trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cũng đã từng là nạn nhân bị học sinh nói xấu trên mạng xã hội. Cô chia sẻ: Ngoài thời gian học, rất nhiều học sinh sử dụng facebook để giải trí.Cách sử dụng facebook phổ biến của học sinh hiện nay là bên cạnh trang facebook có kết nối với thầy cô, bố mẹ, các em lập riêng một nhóm kín để nói xấu mọi người với những lời lẽ bậy bạ. Điều đáng nói, những em học sinh này không cho việc nói bậy, chửi thề là bất thường. Thậm chí, nhiều em không muốn nói bậy cũng phải a dua theo để nhập cuộc, tạo ra sự hòa đồng, không bị các bạn tẩy chay.

Cần định hướng văn hóa ứng xử

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam có hơn 30 triệu người dùng facebook, và mỗi người dành trung bình 2,5 giờ để lướt facebook mỗi ngày. Điều đáng nói ở đây là mỗi tài khoản facebook đều có quyền tự đăng tải thông tin. Đây chính là lý do tại sao các thông tin hiện nay được truyền tải rất nhanh và không có sự kiểm soát. Thông tin xuất hiện trên facebook về sự kiện khủng bố liên hoàn tại Paris - Pháp vừa rồi là một ví dụ điển hình. Qua đó có thể thấy, facebook là một môi trường ảo, nhưng lại đang có những tác động nhất định vào đời sống thật.

Cô giáo Hồng Hạnh nhận định, đây là mặt trái của sự phát triển công nghệ thông tin. Người trẻ không giữ được nề nếp truyền thống, sự trong sáng trong ngôn ngữ mà nói xấu nhau như một nhu cầu, nói bậy, chửi thề như một thói quen bình thường. Cô cũng cho rằng, để ngăn chặn việc này điều quan trọng là cần hướng các em tham gia nhiều hoạt động xã hội; giáo dục, tuyên truyền sâu hơn nữa về truyền thống, lòng yêu nước, kỹ năng sống, cách sống đẹp. Qua đó, các em sẽ cuốn mình vào những hoat động bổ ích, quên đi những hoạt động vô bổ, biết xúc động, lắng nghe hơn.

Luật sư Lại Cao Cường, Phó trưởng văn phòng luật sư Quốc Thái cho biết: Hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải những bài viết xuyên tạc, không đúng sự thật, bôi nhọ danh dự một số cá nhân là dấu hiệu của tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân quy định tại điều 258, Bộ luật Hình sự. Nếu phạm tội thuộc một trong những trường hợp nghiêm trọng thì hình phạt nặng nhất là bị tù từ 2 năm đến 7 năm.

Trao đổi về vấn đề này, PGS - TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, mạng xã hội đã từng trở thành công cụ giết người như trường hợp nữ sinh tự tử khi bị lộ ảnh khỏa thân. Thế nhưng mạng xã hội không có tội mà tội ở đây xuất phát từ văn hóa ứng xử của người dùng. Điều này phụ thuộc vào trình độ nhận thức của mỗi người.Vấn đề cốt lõi ở đây là việc giáo dục đạo đức, cách ứng xử giữa con người với con người.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận và định hướng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội cho giới trẻ hiện nay một cách nghiêm túc. “Tôi cho rằng, hình thức xử phạt bằng tiền với các trường hợp bội nhọ người khác trên mạng xã hội không giải quyết được tận gốc rễ vấn đề. Tôi nghĩ, chúng ta cần nêu tên tuổi, chức danh, nơi ở người dùng mạng khi có hành vi này. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường, xã hội cần chung tay vào cuộc để giúp họ hiểu rõ vấn đề hơn nữa. Song, quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người” – PGS, TS Lê Quý Đức nói.

Lưu Nhi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mang-xa-hoi-va-nhung-ung-xu-thieu-van-hoa-29940.html