Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Nghị định mới quy định rõ trách nhiệm quản lý sản phẩm, hàng hóa trước và sau khi đưa ra thị trường.

Nghị định số 132/2008/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 132) quy định chi tiết một số điều về Luật Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải thưởng chất lượng quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Dưới đây là các quy định cụ thể liên quan đến việc quản lý và kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đối với hàng hóa sản xuất, nhập khẩu được lưu thông trong nước.

TRƯỚC KHI ĐƯA RA THỊ TRƯỜNG

Theo Nghị định 132, đối với các hàng hóa được lưu thông trong nước, việc quản lý và kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quy định như sau:

Trước khi đưa ra thị trường, người sản xuất hoặc người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng hàng hóa, bao gồm việc công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc công bố hợp quy (đối với sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn; chứng nhận hợp quy (đối với hàng hóa nhập khẩu); ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật; bảo đảm sản phẩm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản môi trường và phải tự xác định, thể hiện thông tin để cảnh báo khả năng gây mất an toàn của sản phẩm. Các hàng hóa do doanh nghiệp trong các khu chế xuất sản xuất cho thị trường trong nước cũng được quản lý chất lượng như đối với hàng hóa nhập khẩu.

Về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, các cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra các nội dung:

- Việc thực hiện các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất, các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất.

- Việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, thể hiện dấu hợp chuẩn, hợp quy và các tài liệu đi kèm sản phẩm.

- Thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Các sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng trước khi đưa ra thị trường lưu thông. Trong quá trình lưu thông trên thị trường, người bán hàng phải chịu trách nhiệm đối với việc đảm bảo chất lượng hàng hóa.

SAU KHI ĐƯA RA THỊ TRƯỜNG

Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành kiểm tra chất lượng Sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường về các nội dung: Kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn hàng hóa, kể cả việc thể hiện dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu đi kèm, thông tin, cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của hàng hóa.

Trong quá trình sử dụng, người dùng hoặc người sở hữu hàng hóa phải sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng theo hướng dẫn của người sản xuất. Đối với các hàng hóa thuộc danh mục phải kiểm định trong quá trình sử dụng, sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định mới được phép đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm xây dựng phương thức thu thập thông tin cảnh báo các nguy cơ không đảm bảo chất lượng, đối tượng hàng hóa không đảm bảo chất lượng và tình hình diễn biến chất lượng hàng hóa.

Trường hợp có vi phạm các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tùy theo mức độ và tính chất vi phạm, ngoài việc thông báo vi phạm cho người có trách nhiệm và yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục vi phạm, cơ quan kiểm tra phải thông báo công khai vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu hàng hóa, tiêu hủy hoặc đình chỉ sử dụng vĩnh viễn.

Nghị định 132 có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo (31.12.2008) và bãi bỏ Nghị định 179/2004/NĐ-CP được ban hành ngày 21.10.2004 của Chính phủ, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=499-luat-chat-luong-san-pham-hang-hoa