Lạm dụng truyền dịch: Nên hay không?

(ANTĐ) - Truyền dịch, tức là truyền những chất có lợi vào cơ thể, đó giải pháp mà rất nhiều người chọn để giải quyết một số vấn đề về sức khỏe và đôi khi chỉ đơn giản để... làm đẹp. Quá kỳ vọng vào lợi ích của truyền dịch, cho rằng nó luôn tốt, không gây hại nên không ít người đã lạm dụng truyền dịch không theo chỉ dẫn của bác sĩ, thậm chí tiến hành truyền dịch trong những điều kiện không an toàn.

Cách đây gần nửa tháng, chị Trần Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) sau bữa ăn cảm thấy đau bụng dữ dội. Chị được người nhà đưa đến một phòng khám tư gần nhà. Sau một hồi hỏi han chị ăn gì, uống gì, không cần khám thêm, y tá ở đây chẩn đoán rằng chị bị ngộ độc thực phẩm nên cho uống thuốc giảm đau và bảo chị vào buồng bệnh truyền dịch. Tuy nhiên, khi truyền hết chai dịch, chị vẫn không khỏi đau và tình trạng đau vẫn tiếp diễn trong những ngày sau đó mặc dù đã liên tục “truyền”. Chỉ khi vào viện khám, chị mới biết chính xác nguyên nhân gây đau bụng là do chị bị viêm hành tá tràng (!). Trường hợp như chị Hiền không phải hiếm, bởi hiện nay truyền dịch được coi là một giải pháp đơn giản để giải quyết nhiều vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, choáng váng, ngộ độc thực phẩm, sốt... Thậm chí, nhiều người truyền dịch với những lý do hết sức ngớ ngẩn như: truyền dịch để béo thêm, cho da đẹp thêm... Đặc biệt, vào thời điểm hè oi bức, trẻ em dễ bị sốt virus và giải pháp nhiều bậc cha mẹ chọn cũng là “truyền để bù nước”. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì việc truyền dịch cho trẻ bị sốt có tác dụng không hơn gì uống nhiều nước. Và chỉ khi sốt cao, kéo dài bác sĩ mới chỉ định truyền dịch, còn lại có thể bù nước bằng đường uống. Thực tế thì việc truyền dịch đang có xu hướng bị lạm dụng, nhất là ở các phòng khám tư. Với một chai dịch có giá trên dưới 20.000 đồng nhưng người bệnh sẽ phải thanh toán số tiền gấp mấy lần, khá tốn kém. Dược sĩ chuyên khoa 2 Lã Xuân Hoàn, Chủ tịch Liên chi hội Nhà thuốc Hà Nội cho rằng: Hiện nay, truyền dịch đã trở thành “mốt”. Một số người dân có điều kiện kinh tế, khi cảm thấy mệt mỏi muốn hồi phục nhanh chóng thường nghĩ đến truyền đạm. Lại có người tuy có khó khăn về kinh tế nhưng nghe nói truyền đạm tốt cũng cố gắng xoay sở truyền cho được một chai mới yên tâm. Thực tế thì họ không trực tiếp tham khảo ý kiến của một cán bộ y tế nào mà chỉ qua đồn đại. Vậy là một dịch vụ truyền dịch ra đời, có người bán thuốc kiêm truyền dịch; có nơi chỉ là y tá tự khám và tiêm truyền tại nhà vì việc này chị ta vẫn làm thường xuyên ở bệnh viện. Thế là nhiều cảnh tiêm truyền không an toàn diễn ra: Bệnh nhân nằm trên gường ngủ hàng ngày, họ hàng ngồi xung quanh trò chuyện, chẳng cần vô trùng gì cả, lâu nay vẫn làm như thế. Thậm chí y tá còn bỏ ra ngoài làm việc khác, giao cho người nhà ngồi tự trông “hễ có việc gì thì gọi”. Trên thị trường thuốc hiện nay có khá nhiều loại dịch truyền thuộc 3 nhóm cơ bản là: Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng dùng trong các trường hợp suy kiệt, ăn uống kém; Nhóm cung cấp các chất điện giải dùng trong các trường hợp mất nước, mất máu; và nhóm đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran hay dung dịch cao phân tử... dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất đạm hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể. Dịch truyền được tiêu thụ phổ biến hiện nay có nhiều loại, thường gọi gọi là đạm Pháp, Mỹ, Hàn Quốc... hoặc đạm nội. Loại được ưa chuộng và bán rộng rãi hiện nay là Mo của Nhật, Alvesin của Đức... Đây là loại dung dịch gồm các chất các axit amin thiết yếu, một số vitamin, muối khoáng thường được chỉ định khi bệnh nhân không thực hiện được nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa, hồi sức cấp cứu, trước và sau khi mổ, bị bỏng nặng, suy kiệt... Các trường hợp thông thường, bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm để quyết định có truyền dịch hay không. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp bị tai biến do truyền dịch như đã có bệnh nhân bị hoại tử một phần cơ do sự cố chệch ven hay tử vong do sốc phản vệ. Tất nhiên, những trường hợp rủi ro như trên không phải nhiều, song việc lạm dụng truyền dịch cũng gây nhiều tốn kém không đáng về tiền bạc và thời gian, lại không thể nói trước được những nguy cơ nếu sơ xảy. Người dân rất cần trang bị những kiến thức cơ bản về vấn đề này để tránh “tiền mất, tật mang”. Không thực sự cần thì không nên truyền Dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy liều dùng phải do bác sĩ chỉ định và cần theo dõi liên tục đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định như: suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp... Khi được chỉ định truyền, cũng cần kiểm tra kỹ đề phòng rủi ro do chất lượng dịch truyền: chỉ dùng những chai thuốc trong suốt (lắc chai thuốc kiểm tra xem có vẩn hay không). Chỉ được truyền chai thuốc còn hạn dùng, thuốc đã mở nắp phải dùng ngay. Chú ý kiểm tra dây truyền (còn nguyên không bị rách túi đựng), sát trùng nơi tiêm chu đáo. Không được pha thêm các thuốc khác vào dịch truyền (trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ). Những bệnh nhân suy thận nặng tăng kali huyết, urê huyết, suy tim, toan huyết... phải dùng rất thận trọng. Các trường hợp sốc phản vệ thường dẫn đến tử vong. Do đó, phần lớn thầy thuốc thường khuyên nếu không cần thiết không nên truyền đạm. Cơ thể gầy yếu, chán ăn cần xem lại chế độ ăn, nghỉ, làm việc, tập luyện cho thích hợp. Nếu muốn dùng bổ sung thì nên dùng loại uống, cách dùng đơn giản hơn. Để bảo đảm tính mạng người bệnh, nhất thiết truyền đạm phải có chỉ định của bác sĩ, truyền tại cơ sở y tế, phải có thuốc cấp cứu chống choáng, chống sốc, phải có người theo dõi kèm theo phiếu tiêm truyền để khi có tai biến xử lý được kịp thời. Dược sĩ Lã Xuân Hoàn (Ủy viên BCH Trung ương Hội Dược học Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Nhà thuốc Hà Nội) Cần đảm bảo yếu tố an toàn Bản thân các loại dịch truyền có tác dụng tốt cho cơ thể con người. Tuy nhiên, không phải cứ tốt thì dùng tùy tiện, muốn dùng bao nhiêu cũng được. Người khỏe truyền dịch sẽ không có tác dụng mà còn gây nhiều tốn kém, một số trường hợp có thể giải quyết bằng đường uống cũng không cần thiết truyền. Thậm chí nhiều chất truyền vào người thừa sẽ nguy hiểm cho tính mạng như tăng gánh nặng cho tim dẫn tới suy tim, khó thở, ảnh hưởng tới phổi do dịch vào quá nhiều trong khi cơ thể đã đủ không có nhu cầu nhận. Việc lạm dụng truyền dịch mà thiếu hiểu biết trong nhiều trường hợp sẽ gây nguy hiểm cho bản thân người được truyền. Kỹ thuật tiêm truyền phải do nhân viên y tế đã qua đào tạo thực hiện và chỉ được tiến hành tại các cơ sở y tế khi có đầy đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ. Sốc có thể xảy ra tức thì trong hoặc ngay sau khi truyền. Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể sẽ bị tử vong. Nguyên nhân gây sốc có thể do chất lượng thuốc hoặc do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô trùng; tốc độ truyền quá nhanh, hết dịch truyền mà không có bác sĩ theo dõi, để không khí lọt vào cơ thể gây tắc nghẽn mạch; đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng thuốc. Dù nguyên nhân nào cũng phải ngừng tiêm truyền ngay và dùng thuốc chống sốc được trang bị đầy đủ tại các cơ sở y tế đủ điều kiện. Bác sĩ Nguyễn Thị Huân (Bệnh viện 198 - Bộ Công an) Nguy hiểm luôn có thể xảy ra Trước đây tôi thường lấy việc truyền dịch như một cách hữu hiệu để hạ sốt mỗi khi gia đình có người sốt cao hay cơ thể mệt mỏi. Nhận thấy cơ thể hạ nhiệt rất nhanh, người cũng đỡ mệt mỏi nên bất cứ có việc gì tôi đều gọi y tá vào truyền dịch. Một số chủ hiệu thuốc và y tá quen biết cũng khuyên tôi sử dụng phương pháp truyền dịch để tăng sức đề kháng của cơ thể mỗi khi bị sốt. Nhiều người còn nói truyền dịch hoa quả có thể khiến đẹp da, hơn nữa lại rẻ nên tôi thường xuyên truyền dịch, khi thì y tá trông, lúc thì tự mình thực hiện. Một lần, khi truyền được một lúc, tôi cảm thấy rét run đột ngột, nhưng ngay sau đó lại sốt cao, nhiệt độ cơ thể tăng lên rất cao đến 400C, lúc đó tôi cảm thấy tim đập rất nhanh, các cơ trên người co rút, người vã mồ hôi, chân tay lạnh, nhưng vẫn thấy nóng. Cảm giác nôn nao, quay cuồng, chóng mặt, rất khó thở, nhịp thở gấp, người cảm thấy lo lắng, bồn chồn, vật vã... Cũng may lần đó người nhà phát hiện và kịp thời đã đi cấp cứu. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Saint Paul tôi mới biết mình bị sốc dịch truyền. Cũng may được đưa đi cấp cứu kịp thời nếu không đã nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ cũng khuyên tôi không nên lạm dụng truyền dịch, nếu muốn nên đến các cơ sở y tế đủ trang thiết bị cấp cứu để có thể ứng phó với những biến chứng trong quá trình truyền. Bà Nguyễn Thị Thanh (Phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội)

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=56766&channelid=100