Lái xe quá khổ, quá tải chia sẻ 'mánh' qua mặt công an, giao thông

Chủ xe cố tình chở quá tải, còn ngành chức năng lại cố tình 'lơ đi'. Hậu quả là nhiều tuyến đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Tây Nguyên chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch các loại nông sản chính như cà phê, sắn, mía. Đây là thời điểm xe chở nông sản quá khổ, quá tải tái diễn trên các tuyến đường trong khu vực, nhất là trên Quốc lộ 14 và Quốc lộ 19, trở thành nỗi ám ảnh đối với người đi đường.

Tình trạng này đã diễn trong suốt nhiều năm, hậu quả là nhiều tuyến đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng. Điệp khúc xe quá khổ, quá tải bao giờ mới kết thúc là câu hỏi khó có câu trả lời.

Một chiếc xe chở mía quá khổ, quá tải

Ông Nông Văn Hùng, trú tại xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai có chiếc xe tải mang biển kiểm soát 76K – 4857. Ông Hùng dùng chiếc xe này để chuyên chở mía cho các hộ dân tới các nhà máy đường trong vùng. Để chở được nhiều mía hơn, ông Hùng đã tiến hành cơi nới thùng xe rộng và dài hơn so với quy định.

Khi bị lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện và lập biên bản xử lý khi đang lưu thông trên Quốc lộ 19, ông Hùng nói: “Tôi cũng có biết là sai, nhưng nếu với cái thùng ấy, cho tôi chở đất thì mới được 11 tấn, nếu chở mía thì mới được có 5 tấn, nên tôi phải cơi nới để chở thì nó mới được nhiều tấn. Khu vực xã tôi cũng nhiều xe như thế này”.

Tương tự, ông Phan Quốc Dũng, trú tại xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, chủ xe tải mang biển soát 81L – 0284, bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý vì cơi nới trái quy định và chở hàng quá tải cho biết: “Tôi chở hàng đã lâu và hôm nay bị phạt lỗi quá tải và lỗi cơi nới thùng xe. Các ngành chức năng phát hiện và bắt hạ tải, tháo gỡ thùng ra để thành như lúc đầu, tôi cũng chấp nhận”.

Qua tìm hiểu, rất nhiều xe tải tại tỉnh Gia Lai thực hiện cơi nới thùng xe trái quy định để chở hàng. Việc cơi nới khiến hầu hết các xe tải đều có thể chở vượt quá 100% tải trọng cho phép.

Đáng chú ý, vào mỗi vụ thu hoạch mía, những chiếc xe kiểu này hoạt động liên tục, chở mía từ các cánh đồng về nhà máy trong tỉnh mà không bị xử lý dù lưu thông qua các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ. Chúng chỉ bị xử lý khi cố tình chở mía đi các nhà máy ngoài tỉnh và người dân địa phương thường gọi với cụm từ ngắn gọn: “ngăn sông cấm chợ vùng nguyên liệu”.

Lãnh đạo công an một huyện trong vùng nguyên liệu mía của Gia Lai từng thẳng thắn thừa nhận về việc cho phép xe chở mía quá khổ, quá tải về nhà máy trong tỉnh: “Việc này chỉ nói trong nội bộ với nhau thôi. Nếu mà xử lý xe chở quá khổ quá tải thì phải xử lý cả đưa về nhà máy đường Ayun Pa, cả đưa đi nơi khác. Nhưng xử lý xe chở quá khổ, quá tải thì nhà máy đường Ayun Pa sẽ bỏ hết. Làm việc với nhà máy đường thì Ủy ban nhất trí là cho qua, mình bỏ qua cho người ta chở thôi. Chứ xử lý là đúng nhưng mình bỏ qua”.

Chủ xe cố tình chở quá tải, còn ngành chức năng lại cố tình “lơ đi”, nên thật dễ hiểu khi xe chở nông sản, đặc biệt là chở mía có thể hoành hành trong suốt nhiều năm tại Gia Lai. Tất nhiên, để được bỏ qua lỗi quá tải, không có sự miễn phí nào cho các chủ phương tiện. Một lái xe chở hàng từ Cửa khẩu Bờ Y đi qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Bình Định theo Quốc lộ 14, 19 để về Cảng Quy Nhơn nói về cách mà xe quá tải được “lơ đi” khi qua các trạm kiểm soát: “Chúng tôi đi từ Đắc Sú – Bờ Y về Quy Nhơn. Khó khăn nhất của chúng tôi là Công an và Thanh tra. Qua tất cả các huyện, các tỉnh thì nói chung là chúng tôi chung tiền để đi qua”.

Trong khi đó, trong một lần trực tiếp đi chỉ đạo xử lý xe quá khổ, quá tải trên địa bàn, ông Võ Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, dù địa phương quyết liệt triển khai nhưng khó kiểm soát được xe quá khổ, quá tải khi các tỉnh lân cận không thực hiện nghiêm.

Xe chở quá khổ, quá tải thành nỗi ám ảnh trên đường

Chúng tôi triển khai rất cương quyết, lực lượng trên địa bàn làm việc 24/24. Tuy nhiên, các tỉnh lân cận có khối lượng chạy xe trên Quốc lộ 14, 19 rất lớn cho nên anh em rất vất vả.

Ở Kon Tum, xe chở chủ yếu là mì với gỗ, ở Đắc Lắc là mì, còn ở Bình Định lên là chở vật liệu xây dựng, sắt, thép, xi măng. Thực hiện Công điện của Thủ tướng, đề nghị các tỉnh lân cận và nói chung cả nước làm đồng loạt, tránh tình trạng chỗ này phạt, chỗ này xử lý chỗ kia không xử lý”.

Dù nguyên nhân là gì, thực tế nhiều năm qua cho thấy, các xe chở nông sản quá khổ, quá tải vẫn có thể dễ dàng lưu thông từ các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai theo các tuyến Quốc lộ 14 và 19 để chở hàng về Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Còn xe chở mía quá tải vẫn vô tư từ đồng ruộng về nhà máy ở mỗi tỉnh. Dễ thấy nhất, minh chứng cho điều này là hình ảnh hàng trăm xe chở mía quá khổ, quá tải xếp san sát nhau trước cửa nhà máy đường An Khê và Nhà máy đường Ayun Pa mỗi mùa thu hoạch mía.

Mùa thu hoạch nông sản năm nay của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, chuẩn bị bắt đầu. Với những khuất tất trong xử lý xe quá khổ, quá tải, nếu không có những giải pháp mới, không có sự thay đổi, xe quá khổ, quá tải lại chuẩn bị hoành hành trên các tuyến đường của Tây Nguyên như một điệp khúc khó có hồi kết./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/lai-xe-qua-kho-qua-tai-chia-se-manh-qua-mat-cong-an-giao-thong-450678.vov