Lai rai chuyện câu đối Tết

Ông đồ. Ảnh: Nguyễn Duy Kiên

Tương kế tựu kế

Vì phải giữ mục “Tin thơ và tin văn... vắn” của báo Ngày nay nên Thế Lữ phải lấy bút danh Lê Ta để ký tên dưới các bài. Tết Mão năm ấy bài vở gửi về tòa soạn nhiều, nhưng mục câu đối xem ra còn thưa thớt lắm. Phải chăng đã qua thời bút lông đến thời bút sắt, bút chì nên vắng các ông đồ, vắng câu đối Tết? Không thể thế được, dẫu là bút gì đi nữa Tết nhất cũng phải có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” mới ra Tết, ra xuân nước Việt. Nghĩ vậy, Lê Ta đành phải ra tay. Ông làm một vế đối như sau:

- Tết năm mèo, ông lão dê mua hoa mõm chó, gói giấy mỡ gà, đem tặng cho mèo mà không biết hổ.

Câu đối đủ cả mèo, dê, chó, gà, hổ - những con vật trong lịch 12 con giáp. Rõ là hay tuyệt cú mèo, nhưng nhà thơ không tài nghĩ được vế đối tiếp theo cho thật đối, thật chỉnh... Sau cùng ông cũng cho đăng báo và chua một dòng “những câu đối lại hay nhất sẽ được đăng vào số báo xuân sắp tới và có một thứ quà riêng do Lê Ta tặng”. Rõ là một nhà báo vừa hóm hỉnh vừa thông minh, lúc nào cũng biết “tương kế, tựu kế”.

Tích tắc đã thành đôi tri kỷ

Tại Hội nghị Những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ nhất ở Hà Nội năm 1959, nhà văn của “gang thép Thái Nguyên” Xuân Cang gặp nhà văn quân đội từ giới tuyến Hiền Lương, Trúc Hà (Nam Hà). Hai cây bút trẻ ở hai lĩnh vực sản xuất và chiến đấu lần đầu tiên gặp nhau (mặc dù đã nghe danh nhau) tỏ ra “tâm đầu ý hợp” lắm. Họ như trút cả bầu tâm sự cho nhau. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, Xuân về, Tết sắp đến cũng là lúc hội nghị kết thúc, Xuân Cang trở lên với thành phố gang thép phương Bắc, còn Trúc Hà khoác ba lô lên đường vào giới tuyến phương Nam (với tên mới Nam Hà). Trước lúc chia tay Xuân Cang còn kịp viết hai câu thơ vào cuốn sổ tay của bạn:

“Đôi bạn” gặp nhau trong “Tích tắc”

Lòng ta tươi mãi “Tuổi hăm hai”

Câu thơ rất có ý nghĩa, chả là “Đôi bạn”, “Tích tắc” và “Tuổi hăm hai”... là tên những truyện ngắn xuất sắc của hai anh em khi bấy giờ vừa được các tạp chí Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội trao giải...

Đối đáp đêm giao thừa

Quãng những năm 1960, các nhà văn quân đội phần đông còn sống cảnh “Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”. Tết con trâu năm ấy (1962) các đơn vị quanh khu vực thành đua nhau mổ trâu mừng năm mới. Ăn bữa cơm tất niên tiễn năm con chuột (1961) xong, mấy nhà văn quân đội ngồi quây quần bên cành đào uống trà và... tán chuyện chờ phút giao thừa. Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi - Tết Mậu Thân 1968 hy sinh và được truy tặng Anh hùng LLVT) ít lời phần vì nỗi nhớ quê Nam, nhưng phần khác cứ bị ám ảnh mãi về bữa thịt trâu “quá tải” hồi chiều. Ông ngâm một vế đối:

- Tân là mới, sửu là trâu. Chén bữa thịt trâu mừng năm mới.

Ông vừa đọc xong thì nhà văn Xuân Thiều nghiêm trang bước vào cửa đế luôn:

- Canh là phòng, tý là chuột. Đuổi ngay lũ chuột rúc quanh phòng.

Đúng đến phiên đổi gác, Nguyễn Thi vội bước ra nhận khẩu súng từ tay bạn, miệng khen rối rít: “Khá, khá”. Lúc ấy pháo giao thừa Hà Nội cũng bắt đầu nổ ran báo hiệu năm Canh Tý đã hết và năm Tân Sửu đã bắt đầu.

“Nhàn” và “phú”

Hồi ấy, Vương Trí Nhàn và Ngô Văn Phú làm việc ở cùng một tạp chí. Ai nghe đến hai chữ “Nhàn” và “Phú” cũng rất yêu. Yêu vì tài văn của hai anh là một lẽ, cũng yêu vì lẽ khác, là cái tên quá đẹp. Nhàn và Phú, “ung dung” và “giàu có” thì ai mà không thích. Một Tết nhân bàn về tên hai anh, nhà văn Xuân Thiều bảo:

- Vương Trí Nhàn mà chẳng được nhàn, Vương vãi hoài chút trí.

Ai đối được ngay tôn làm thầy. Mãi không có ai đối chỉnh. Cuối cùng Xuân Thiều đành “vừa đá bóng, vừa thổi còi” bằng câu:

- Ngô Văn Phú mà không được phú, Ngô nghê mãi nghề văn.

Mọi người nghe cảm thấy được lắm. Riêng có nhà thơ Thanh Tịnh bảo: “Chữ ngô nghê là quá vụng, không đúng với bản chất, văn lực anh Ngô Văn Phú”. Nhưng cho đến bây giờ chưa ai thay được chữ đó, thật tiếc lắm thay!

Ra “thi” đối “địch”

Hồi còn Tạp chí Văn nghệ (của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam). Nguyễn Đình nổi tiếng là nhà thơ có nhiều thơ trào phúng được đăng. Dường như số nào cũng có bài của ông. Cùng thời gian ấy nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng cho in nhiều truyện ngắn, thơ, kịch. Một Tết nhân xem tờ báo mới, nhà văn Xuân Thiều bảo:

- Nguyễn Đình thi với Nguyễn Đình Thi.

Và thách mọi người đối. Mấy ngày sau vế đối đến tai Thanh Tịnh. Thanh Tịnh gặp Xuân Thiều nói “Ông thi, thì tôi địch!”. Chưa kịp nói lại, thì Xuân Thiều đã nghe vế đối:

- Trần Thanh địch cùng Trần Thanh Địch.

Nghe xong, Xuân Thiều chỉ còn biết chắp tay bởi lẽ vế đối chỉnh quá. Trên là Thi, dưới là Địch. Mà Trần Thanh Địch bấy giờ cũng là cây bút nổi không kém cạnh gì Trần Thanh.

Đến phiên đổi gác

Quãng những năm 82 - 83 của thế kỷ trước, văn đàn Việt có nhiều chuyện. Hết “đề dẫn”, “tự chọn món ăn”, “đổi gác”, đổi màu, “cởi trói”... lại đến việc lùm xùm ở các tờ Văn nghệ, Sông Hương... Nơi “phố nhà binh” - “thành trì” của văn chương cách mạng cũng có nhiều thay đổi. Nhiều trụ cột văn chương - “quan văn nghệ” trong Hội Nhà văn đã có sự “hoán đổi” vị trí. Phản ánh những “sự kiện” này thật không dễ gì bởi sự nhạy cảm của vấn đề. Nhà thơ Trần Nhương đã ghi lại thời khắc đó bằng đôi câu đối thế này:

Dưới ánh Sao mai, Khúc sông nghe lời Biển gọi

Trên nền Đất trắng, Vùng trời ngán cảnh Rẻo cao.

Cái hay của câu đối là vừa đưa tên các tác phẩm của các nhân vật đã và đang có tầm ảnh hưởng trong giới văn chương những năm trước và sau đổi mới (giữa thập niên 80 của thế kỷ trước) như “Sao mai” của nhà văn Dũng Hà, “Khúc sông” (Xuân Thiều), “Biển gọi” (Hồ Phương), “Đất trắng” (Nguyễn Trọng Oánh), “Vùng trời” (Hữu Mai) và “Rẻo cao” (Nguyên Ngọc) vừa nói nên được sự “hoán đổi” - thay phiên, đổi gác vị trí giữa Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh với Dũng Hà, Hồ Phương ở Văn nghệ Quân đội cũng như giữa Nguyên Ngọc và Hữu Mai ở Hội Nhà văn!

Thay cho câu đối Tết

Lê Ta, tức nhà thơ Thế Lữ hồi còn làm báo Ngày nay có một bài thơ ỡm ờ nghịch ngợm thế này:

Nỗi niềm non nước não nùng

Lỡ làng lạc lối lạ lùng lẻ loi

Có một bạn đọc cũng ỡm ờ, nghịch ngợm đọc được bèn gửi mấy vần nối điệu nối vần rằng:

Ái ân âu yếm yêu ai

Nhẹ nhàng nhắn nhủ những nhời nhớ nhung

Bẽ bàng buồn bực bấp bênh

Hẩm hiu hương hỏa hãi hùng hoàng hôn

Đoạn nối thật chỉnh, đúng là một lối chơi văn. Lê Ta bình rằng, đó là “những câu đối ngộ nghĩnh” và xếp vào mục: Thay cho câu đối Tết.

Thập Tam trại, Xuân 2016

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/lai-rai-chuyen-cau-doi-tet-516603.bld