Lá thư của bọn trẻ con nhà giàu

Đã hai năm nay, sau khi đón ông bà trưa ba mươi Tết, tôi bắt đầu bận bịu với chuyện viết thư tay.

Phải tranh thủ để còn có thời giờ “ăn Tết”, vì vừa đọc vừa trả lời tới hơn năm chục lá thư. Rồi còn viết địa chỉ người gửi, người nhận lên từng cái phong bì nữa. Phải làm cho kịp ngày bưu điện mở cửa để mua tem dán, để thư đến nơi kịp ngày bọn trẻ trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Năm đầu, các cô giáo bất ngờ vì mỗi lá thư gửi đi đều được hồi âm tới từng học sinh, không sót em nào. Năm sau, họ cẩn thận gửi thêm một lá thư có kèm theo mấy chục con tem. Nhờ vậy, tôi chỉ tốn tiền mua mấy xấp bao thư và hai cuốn tập một trăm trang làm giấy viết thư.

Mỗi lá thư tôi viết chừng hơn chục dòng. Nhưng tuân thủ đầy đủ nguyên tắc giao tiếp bằng thư tín. Có nơi chốn, ngày tháng, gọi tên X, Y... thân mến đàng hoàng, cuối thư ký tên rõ ràng. Nội dung chính của thư là trả lời thắc mắc của bọn học sinh lớp ba trường quốc tế. Các em đồng loạt gửi thư cho tác giả để bày tỏ cảm xúc sau khi đã đọc tác phẩm. Chắc là các cô giáo cũng có can thiệp vào chút ít, nhưng nói chung, những lá thư được viết rất hồn nhiên khiến người nhận cảm thấy sung sướng như được lên tiên. Có đứa kể chuyện nhà có mấy anh em, có đứa nói ước mơ muốn làm người bán đồ chơi con nít, có đứa tiết lộ bí mật sắp được vào trường ngủ một đêm với cả lớp, có đứa bàn bạc về truyện đã đọc và nói thích những chi tiết nào... Cuối thư, đứa nào cũng thân chúc tác giả nhiều sức khỏe để sáng tác thêm truyện về trẻ em cho chúng đọc nữa, tại vì “thấy rất là thú vị” (trích nguyên văn). Thư được viết trước khi nghỉ Tết, nên có kèm theo câu chúc nhà văn ăn Tết vui vẻ nữa.

Thư trả lời của tôi mở đầu bằng câu cảm ơn chúng đã chịu khó đọc truyện và viết thư cho tác giả. Tôi cũng nhắc nhở và sửa tất cả lỗi chính tả trong những dòng tâm sự thiệt thà đó (có nhiều lỗi lắm, vì bọn trẻ này mới tám tuổi thôi mà). Nếu chúng xưng tên bằng tiếng nước ngoài thì tôi muốn biết tên tiếng Việt của chúng là gì?

Bởi đó là những học sinh người Việt, căn cứ vào nhân trắc học, quê quán, nơi đăng ký hộ khẩu. Trường học của chúng cũng có bảo vệ, lao công, giáo viên người Việt, chỉ có khác là học phí một năm được tính bằng hàng trăm triệu đồng. Trường hạng sang nên to rộng, sạch sẽ, mát mẻ trên mức bình thường. Ở tiền sảnh bày la liệt những chiếc gối hình thù ngộ nghĩnh, xinh xinh để học trò có thể nằm lăn ra sàn gạch bóng loáng.Thư viện cũng to, rộng và lộng lẫy đến kinh ngạc đối với bất cứ ai từng bước vào nhiều ngôi trường có tên tuổi, đẳng cấp nhờ nghề nghiệp giáo viên. Thư viện chứa toàn sách đẹp, nhìn mà thèm. Buổi trưa thay vì ngủ khì hay ngủ gà gật, học sinh lũ lượt vào thư viện đọc sách(!).

Tôi không rõ những cuốn truyện thiếu nhi của mình được đọc trong giờ chính khóa hay ngoại khóa, nhưng được cho biết là do các cô giáo tự chọn cho học trò đọc. Cũng ghi chú thêm là do các cô đã từng đọc truyện của tôi từ khi họ còn đi học. Kể rõ ngọn ngành để thấy cách giáo dục hay ho của xứ người (trường này tự hào là trường quốc tế đúng nghĩa nhất). Giáo viên được dạy những gì mà họ biết rõ và có kỹ năng. Giáo viên không bị yêu cầu, cũng không phải ép lòng buộc học trò phải như vầy, như vậy.

Chuyện này làm tôi nhớ lại hồi xưa. Thời trung học, tôi không lạ khi biết thầy khác trong trường không dạy bài giống thầy đang dạy mình (tôi là dân trường tư). Trường công cũng học sách khác trường tư luôn. Nhưng tới lúc thi tú tài, chẳng nghe trò nào kêu ca gì hết. Khi lên đại học, tôi lại lấy làm lạ vì lần đầu tiên nghe biết hai tiếng “ôn tập”. Vậy là học gì thi nấy sao? Ra trường đi dạy những nơi huyện xa, tỉnh lẻ, tôi ra đề thi kiểm tra toàn là những bài thơ, bài văn học trò chưa học, vậy mà các em vẫn cảm nhận được ý chính, dùng từ này hay, câu này so sánh, câu kia ẩn dụ... Tuy không hoàn hảo, nhưng không lệch lạc, không viết những câu kỳ cục đến nỗi người chấm bài tức điên hoặc cười... ra nước mắt. Đơn giản bởi vì chúng được tự do tư duy, được trao cơ hội bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ chân thật, mộc mạc phù hợp trình độ nhận biết của lứa tuổi, của riêng chính bản thân mình. Về lại Sài Gòn, tôi cũng may mắn được áp dụng vài lần rồi thôi. Lý do là: “Đừng làm khó học trò. Quên đi!”.

Chuyện được nhận thư độc giả vào mỗi dịp năm hết Tết đến, thật sự, tặng cho tôi bao điều quý hiếm, khó kiếm. Tôi thấy trong mỗi lá thư là một đứa trẻ tự tin, độc lập, sáng tạo, hoạt bát, lanh lợi, dạn dĩ, lễ phép, lịch sự, không rụt rè, gãi đầu gãi tai khi được hỏi ý kiến (nói theo từ ngữ thời thượng là có kỹ năng sống, kỹ năng mềm). Bên trong đứa trẻ “đáng giá” đó còn chứa đựng sự nhạy cảm đáng nể nữa (nói theo từ ngữ kinh điển trau chuốt là có đời sống nội tâm phong phú, có tâm hồn tốt đẹp).

Đương nhiên rồi mai này chúng sẽ quên là đã từng viết thư cho một nhà văn không có hạng trong tốp hàng chục. Ừ thì chuyện nhỏ! Nhìn thấy chúng đang chạy nhảy, vui chơi trong cái thuở tuổi thơ đẹp như mơ, đúng với những gì thiên hạ đang kêu gào trẻ em phải được biết, được hưởng thì chuyện hết nhỏ liền.

Và cứ mỗi cuối năm, những lá thư của đám trẻ nhà giàu đầy diễm phúc ấy khiến tôi mãi quanh quẩn với băn khoăn. Bao giờ bọn trẻ nhà nghèo, nhà không nghèo được dạy cho cách đọc sách, truyền cho hứng thú đọc sách để học cái hay, cái đẹp, để tự mình biết cảm nhận về một tác phẩm văn chương?

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/141726/la-thu-cua-bon-tre-con-nha-giau.html/