Lạ kỳ thị trấn không có em bé trong gần 30 năm

Cư dân ở Ostana, vùng Piedmont – Italy, vui mừng chào đón thành viên nhỏ tuổi nhất của thị trấn – cậu bé Pablo - sau 28 năm không có em bé nào chào đời tại khu vực này.

Cha mẹ và chị gái của bé Pablo. Ảnh: Twitter

Thị trấn Ostana, nằm ở vùng núi của vùng Piedmont Italy, đang ăn mừng sự xuất hiện của bé Pablo, em bé đầu tiên ra đời sau gần 30 năm thị trấn không có trẻ sơ sinh.

Thị trưởng Giacomo Lombardo mô tả đứa bé như "giấc mơ có thật" cho cộng đồng nhỏ này.

Bé Pablo chào đời tại Bệnh viện Turin vào tuần trước, là công dân thứ 85 của ngôi làng.

Thị trấn Ostana. Ảnh: CNN

Theo tờ La Stampa, đầu những năm 1990, Ostana là nơi cư trú của hơn 1.000 người. Từ sau Thế chiến II tỷ lệ sinh đẻ nơi đây giảm mạnh một cách đáng báo động.

"Từ năm 1975, 1976 đến năm 1987, thị trấn chỉ có 17 em bé được sinh ra. Cũng từ đây, khủng hoảng dân số bắt đầu xảy ra tại đây. Bởi vậy, em bé Pablo như một tín hiệu vui mừng đối với thị trấn nhỏ của chúng tôi”, ông Lombardo cho biết.

Ostana đang cố gắng đảo ngược xu thế giảm dân số trong khu vực bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn để giữ chân người dân và thu hút người nhập cư.

Cha mẹ của bé Pablo là anh Josè Berdugo Vallelago và chị Silvia Rovere vốn đã lên kế hoạch di cư từ 5 năm trước.

Anh Josè trước là nhân viên vật lý trị liệu đến từ thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, sau chuyển đến thành phố Turin sinh sống và làm việc. Cách đây 5 năm, gia đình anh lên kế hoạch rời khỏi thành phố và đích đến của họ là đảo Reunion của Pháp ở Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, chính quyền Turin lựa chọn dự án khu định cư trên núi của Josè nên anh bỗng dưng trở thành quản lý. “Sau đó, chúng tôi chuyển đến Ostana và chưa giờ cảm thấy hối tiếc.

Chúng tôi thích cuộc sống nơi đây, nó an toàn đối với con gái chúng tôi và chúng tôi cảm thấy là một phần của cộng đồng này”, người đàn ông 36 tuổi thổ lộ.

Nhiều người cũng cho rằng câu chuyện về gia đình của em bé Pablo là tín hiệu tốt cho các cộng đồng miền núi khác.

Ông Marco Bussone từ Liên minh Quốc gia các cộng đồng và thị trấn miền núi nói: "Bây giờ họ đã có nhiều lựa chọn hơn cho cuộc sống nên có thể sống và làm việc nơi miền núi".

Ông Bussone cũng chia sẻ thêm rằng, các chính sách mới như giảm thuế cho các doanh nghiệp giúp cộng đồng thiểu số thu hút thêm nhiều cư dân hơn.

Những ngôi làng nhỏ dọc nước Italy đang phải đối mặt với tình trạng giảm dân số, người trẻ thường có xu hướng rời quê hương lên thành phố lớn để tìm việc làm.

Có nhiều biện pháp được đề ra, một số làng cố gắng xoay chuyển tình thế bằng cách tặng nhà cho người dân, một số nơi khác nỗ lực duy trì số dân hiện có bằng cách "cấm" người dân ngã bệnh.

Không chỉ riêng Ostana, nhiều khu vực khác ở Italy cũng chịu chung số phận vì tầng lớp thanh thiếu niên tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở bên ngoài.

Người ta ước tính Italy hiện có hơn 6.000 “thị trấn ma”. Một số nơi như thành phố Gangi “tuyển người đến ở” bằng cách cho họ sở hữu miễn phí các ngôi nhà hoang và chỉ cần sửa sang lại đôi chút.

Nhiều ngôi làng thưa thớt bóng người đến nỗi chính quyền phải rao bán toàn bộ rồi chuyển đi nơi khác.

Theo Ngày nay Online

Nguồn Soha: http://soha.vn/doi-song/la-ky-thi-tran-khong-co-em-be-trong-gan-30-nam-20160201120224915.htm