Kỳ 2: Câu chuyện về người đầu tiên hiến giác mạc ở Việt Nam

(PL&XH) - Ngôi nhà của con trai cụ Nguyễn Thị Hoa (người đầu tiên hiến giác mạc ở Việt Nam) nằm sát ngay trục đường chính của xóm 8A (thôn Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).

Kỳ1: Ánh sáng của tình người từ vùng đất có nhiều “kho báu” nhất Việt Nam

Vợ chồng ông Mai Văn Vinh (SN 1964) đã có buổi nói chuyện thân tình với chúng tôi. Ông Vinh cho biết, cụ thân sinh ra ông có tất cả 9 người con, ông là con thứ 5 và cũng là con trai duy nhất của cụ. 8 chị em gái khác đều lấy chồng ở quanh tỉnh Ninh Bình. Bởi vậy, anh chị em có điều kiện gần nhau, bàn bạc mọi chuyện lớn nhỏ.

Nhắc về câu chuyện của gần 10 năm về trước, ông Vinh khiêm tốn nói: “Cụ nhà tôi chỉ hiến tặng giác mạc thôi mà, có gì ghê gớm lắm đâu”. Bà Vương Thị Thoa (SN 1966, vợ ông Vinh) chia sẻ: “Bây giờ đã gần 10 năm qua rồi, cuộc sống, nhận thức của nhiều người đã thay đổi. Chứ như ngày mẹ tôi mới hiến giác mạc, gia đình chịu nhiều điều tiếng khổ lắm. Đi đến đâu, tôi cũng nghe người ta xì xào quanh chuyện chúng tôi bán mắt mẹ để lấy tiền. Có người còn bảo chúng tôi bất hiếu, đem mắt của mẹ đi bán lấy tiền thụ hưởng cuộc sống…”. Nói rồi, bà Thoa nhìn chồng cười: “Nếu mà có tiền như người ta nói thì đã không sống cảnh khó khăn bao năm thế này, ông nhỉ”.

Một buổi phẫu thuật ghép giác mạc. Ảnh: TL

Trầm ngâm thêm hồi lâu, ông Vinh nhớ lại: “Ngày đó, tôi có người bạn, cũng là một người bà con họ hàng ở ngay xóm này nhưng di cư vào Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) làm ăn nhiều năm trước, vợ bị hỏng mắt. Anh ấy dẫn vợ về BV Mắt Trung ương ở Hà Nội để đăng ký xin nhận giác mạc. Nhưng hồi đó, nguồn giác mạc ở Việt Nam chưa có, anh ấy nhận được câu trả lời là phải đăng ký và đợi chừng hơn 3 năm sau. Qua tư vấn của các bác sỹ, anh bạn tôi trong một lần về quê chơi đã sang nhà bày tỏ mong muốn và vận động mẹ tôi hiến tặng lại giác mạc. Hồi đó, cụ nhà tôi bị ốm, “gần đất xa trời” rồi”.

Cũng qua hồi ức người con trai duy nhất của cụ Nguyễn Thị Hoa, ngày đó, khi thấy người cháu họ xa mang theo một tờ rơi ở BV tuyên truyền hiến tặng giác mạc, cụ Hoa dù ốm mệt nhưng lắng nghe rất chăm chú. Thế rồi sau mấy ngày người cháu sang thăm nom trò chuyện, cụ đã gọi hai vợ chồng ông Vinh vào dặn dò: “Khi nào mẹ mất, mẹ muốn hiến tặng lại giác mạc cho vợ thằng cháu nhìn lại được ánh sáng. Mẹ có tuổi rồi, cũng là sống thọ rồi, mẹ chẳng có gì để tiếc nuối”.

Vợ chồng ông Vinh, bà Thoa suy nghĩ rất lâu rồi quyết định đem chuyện bàn bạc với chị em trong nhà. Một vài người con gái của cụ Hoa lúc đầu đã lên tiếng phản đối. Nhưng hiếu nghĩa nghe lời mẹ, cả 9 anh chị em đều thống nhất đồng ý cho mẹ hiến tặng lại giác mạc.

Sau quyết định của cụ Hoa và được sự đồng ý của tất cả con cháu trong nhà, ngày cụ về với tổ tiên, phía BV Mắt Trung ương đã cử người về lấy giác mạc theo ý nguyện của gia đình.

“Họ chỉ lấy có một cái màng rất mỏng thôi và rất nhanh, chưa đầy nửa tiếng là xong. Rồi họ thắp hương cho mẹ tôi cẩn thận và vái vong linh trước khi ra về. Chuyện chỉ có vậy mà người ta đồn thổi bao nhiêu tai tiếng. Có người không hề chứng kiến nhưng miêu tả một cách tưởng tượng về buổi “móc mắt”. Họ cho rằng, chúng tôi để cho mẹ bị móc mắt như thế, khi về cõi âm sẽ không thấy đường mà đi, cụ sẽ tìm về oán hận cả nhà, thậm chí cả hàng xóm láng giềng”, bà Thoa tâm sự.

Ngần ngừ hồi lâu, bà Thoa phân trần: “Ngày ấy, gia đình chúng tôi chịu nhiều tai tiếng, người ta nói chúng tôi thúc ép mẹ bán mắt. Nhưng chúng tôi đâu nghĩ chuyện tiền nong, chỉ là vì tình cảm của con người với con người mà thôi. Nghĩ người chết đi rồi mà còn giá trị sống ý nghĩa đến như thế thì cũng đồng ý cho mẹ toại nguyện”.

“Người thì bảo mắt mẹ tôi bán được 100 triệu đồng, người bảo bán 200 triệu đồng. Ai cũng bảo nhà chúng tôi sướng vì mẹ mất đi rồi vẫn để lại tài sản kếch xù. Mà thời điểm đó, năm 2007, thì số tiền trăm triệu là to lắm chứ. Tình cảm anh em họ hàng, làng xóm cũng vì thế mà có những sự mất lòng. Dù anh chị em trong gia đình tôi đều hiểu và động viên nhau cố gắng làm theo di nguyện của mẹ, nhưng vẫn không tránh được cơn bão từ phía dư luận, bà Thoa tiếp tục chia sẻ.

“Về sau, bố ruột tôi cũng tình nguyện hiến giác mạc lúc ra đi”, bà Thoa tự hào nói.

Sau này, khi phong trào hiến tặng giác mạc đã phát triển rộng khắp, người dân hiểu ra và những dị nghị, điều tiếng, hàm oan kia mới chìm dần. Bây giờ, gia đình ông Vinh đã được bà con dân làng yêu quý và nhìn nhận đúng bản chất sự việc của gần 10 năm về trước. Điều đó khiến gia đình hạnh phúc vô cùng.

Thắp một nén hương tỏ lòng thành kính tri ân với người đã mất có nghĩa cử cao đẹp, chúng tôi tò mò theo lời tâm sự của ông Vinh tiếp tục khám phá mảnh đất mà mỗi bước chân đi qua đều có thể chạm đến một câu chuyện thiện nguyện…

(Còn nữa)

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/xa-hoi/ky-2-cau-chuyen-ve-nguoi-dau-tien-hien-giac-mac-o-viet-nam-97598