Kinh doanh hoa kiểng Tết: Cách làm mới sau hai năm lao đao

Rút kinh nghiệm từ hai mùa kinh doanh không thành công (Tết 2014 và 2015), nhiều hộ trồng hoa và kinh doanh hoa kiểng năm nay đã thay đổi cơ cấu cây trồng và chiến lược kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trồng hoa chủ động tìm kiếm thị trường, hoa đã được đối tác đặt hàng trước khi mùa kinh doanh hoa Tết năm nay bắt đầu.

Thị trường đã thay đổi, tư duy trồng và kinh doanh hoa cũng cần thay đổi. Ảnh: DIỆP KHÁNH

Đa dạng hóa chủng loại, chú trọng những giống mới, lạ

Tránh trồng hoa tập trung theo kiểu truyền thống mà đầu tư vào các giống mới, lạ... theo nhu cầu thị trường là cách mà nhiều nông dân tại các làng hoa đồng bằng sông Cửu Long thực hiện trong mùa hoa Tết năm nay.

Theo ông Trần Văn Tiếp, chủ hộ kinh doanh hoa kiểng Giáo Tiếp ở Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp, thay vì chỉ tập trung vào các loại hoa kiểng Tết như những năm trước, hai năm trở lại đây, các hộ kinh doanh hoa kiểng tại Tân Quy Đông, trong đó có hộ của ông, đã bắt đầu hướng tới việc sản xuất các loại hoa kiểng nhỏ để bàn, treo phục vụ trang trí văn phòng. Sự thay đổi này giúp hộ trồng hoa có thể kinh doanh ba vụ hoa kiểng trong năm (dịp 30-4, ngày 2-9 và Tết Nguyên Đán). Vụ hoa Tết năm nay, hầu hết các hộ đều trồng dự phòng một số mặt hàng khác, bên cạnh các loại cây truyền thống (như cúc mâm xôi, cúc tiger, vạn thọ) để phân bổ vốn, tránh tình trạng dội chợ, mất giá có thể lỗ vốn như những năm trước.

Dạo quanh các vườn hoa ở làng hoa Sa Đéc tại phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông (thành phố Sa Đéc), bên cạnh các loài hoa truyền thống, có thể nhận thấy nhiều giống hoa kiểng mới. Nhiều giống hoa xứ lạnh... đã được trồng và thích nghi với khí hậu nhiệt đới của miền Tây Nam bộ như hoa ly, đồng tiền, tử la lan, dạ yến thảo... hứa hẹn mang lại sự đa dạng cho hoa Tết năm nay. Thậm chí nhiều vườn còn chịu chơi khi nhập các giống hoa lạ từ nước ngoài như hoa Mimulus, lily Robina, lily Conca D’or...

Tại Chợ Lách, Bến Tre, nhiều hộ trước đây chỉ tập trung trồng mỗi tắc kiểng thì năm nay, họ đã xen canh thêm một số mặt hàng khác như mai, cúc... Đây là cách đề phòng trường hợp tắc không bán được, các mặt hàng khác sẽ bù lỗ giúp thu hồi vốn. Theo nhà vườn, xu hướng chưng cây cảnh trong dịp Tết của người dân đã chuyển từ các loại cây cảnh công trình qua cây cảnh văn phòng có kích cỡ nhỏ và cây dây leo, vì thế, các hộ trồng hoa không còn đầu tư tập trung vào cây kiểng Tết mà chuyển sang các loại cây văn phòng. Theo dự đoán, cảnh dội chợ năm nay sẽ không diễn ra.

Mỹ Phong - làng hoa lớn của tỉnh Tiền Giang, cũng đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu cây trồng. Trước khi vào vụ trồng hoa Tết năm nay, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng các hợp tác xã, hiệp hội hoa khuyến cáo nhà vườn giảm diện tích những loại hoa truyền thống như cúc mâm xôi, cúc đồng tiền để chừa diện tích trồng hoa hồng, cây công trình và cây trang trí nội thất. Ông Trương Văn Nhung, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoa kiểng Mỹ Phong, cho biết năm nay Mỹ Phong đã đầu tư trồng hoa cát tường (lấy giống từ Đà Lạt) với khoảng 80.000 chậu. Ngoài ra, phòng kinh tế thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang cũng hỗ trợ nông dân một số giống mới phục vụ tết như cà chua, ớt chuông, dâu tây...

Chủ động tìm kiếm đầu ra

Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái như những năm trước, nhiều nhà vườn đã chủ động tìm kiếm thị trường.

“Trồng hoa theo đơn đặt hàng” là một khái niệm mới mà không mới với các hộ dân trồng hoa hiện nay. Tại làng hoa Sa Đéc, Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Quy Đông hoạt động hơn một năm trở lại đây đã trở thành đầu mối tiếp thị hoa và mang lại nhiều đơn hàng cho hơn 80 hộ trồng hoa tại xã này. Dịp Tết năm nay, theo anh Trần Thanh Khang, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã, hợp tác xã đã nhận đơn hàng 10.000 chậu hoa đồng tiền cung cấp cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TPHCM) và hàng chục ngàn chậu hoa khác để cung cấp cho đối tác tại tỉnh Quảng Ngãi.

Tại Tân Khánh Đông, từ nhiều năm nay ông Trần Văn Tiếp được tiếng với các giống hoa đẹp, lạ, hiếm có trên thị trường nên hoa của ông luôn “cháy hàng”. Mỗi năm ông Tiếp thường nghiên cứu và đưa ra một số loại hoa mới. Năm ngoái, ông thành công với giống chuồn chuồn kép, cúc huy chương... Năm nay, ngoài các loại hoa được ưa chuộng của năm trước, lần đầu tiên, ông cung cấp loại hoa có nguồn gốc từ Hawai (Mỹ), được ông đặt tên là trúc mai. Dù chưa đến thời điểm thương lái đi mua hoa Tết tại Sa Đéc nhưng 5.000 giỏ hoa lạ của ông đã được đặt hàng gần hết.

Ông Trần Văn Phương ở phường Tân Quy Đông, thì được tiếng nhờ trồng thành công hoa ly. Từ tháng 11, hơn 10.000 giỏ ly trồng chậu năm nay của ông đã được bao tiêu gần hết. Ngoài hoa ly, ông Phương trồng thêm các loại hoa chậu để bàn hoặc treo tường như dạ yến thảo, cát tường, hoa dừa rũ là những loại được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết năm rồi.

Một số cơ sở hoa kiểng đang dựa vào website, mạng xã hội... để quảng bá hình ảnh. Đây là cách giúp nhiều cơ sở kết nối được với nhiều đối tác ở TPHCM và các tỉnh thành khắp cả nước.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, chủ động tìm kiếm đầu ra sản phẩm, như các trường hợp nêu trên, là cách để người trồng hoa giành thế chủ động, không chỉ cho mùa hoa Tết mà cả việc kinh doanh suốt năm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nhà vườn sản xuất theo kiểu truyền thống, phần nhiều còn phụ thuộc thương lái. Theo khảo sát tại Sa Đéc, phần lớn nhà vườn đều chờ đến ngày 15 tháng Chạp (khoảng 25-1-2016), khi thương lái đến xem và đặt hàng, rồi mới tính đến đầu ra của những sản phẩm còn lại. Thị trường đã thay đổi, tư duy trồng và kinh doanh hoa cũng cần thay đổi.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/141722/kinh-doanh-hoa-kieng-tet-cach-lam-moi-sau-hai-nam-lao-dao.html/