Không thể lãng quên

TT - Lần nào đến nhà bà Lê Hồng Quân cũng thấy bà ngồi lặng bên những chồng giấy tờ, tư liệu. Một cánh tay còn lại miệt mài ghi chép. Hồi mẹ bà còn khỏe, bà xuôi ngược nay tỉnh này, mai tỉnh kia để làm chính sách cho đồng đội. Vẫn còn nhiều đồng đội, nhiều gia đình có công mà chưa được công nhận.

Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân trò chuyện với thiếu nhi Hà Nội năm 1980. Cánh tay cụt của cô đã gây ấn tượng mạnh với mọi người - Ảnh: tư liệu gia đình

Nghĩa tình phố thị

Hơn 45 năm rồi mà những ngày sống hòa mình với bà con lao động nghèo ở khu Q.4, Khánh Hội, Tôn Đản, làm đủ thứ nghề, chịu đủ thứ cực vẫn là những tháng ngày mà bà Lê Hồng Quân nhớ mãi.

Năm 1966, khi được điều động từ tiểu đoàn Tây Đô đi tăng cường cho chiến trường Sài Gòn, cô gái Lê Hồng Quân được một gia đình “đầu cầu” đón về ở tại khu Khánh Hội, Q.4. Gia đình cô ở là một gia đình trong xóm lao động nghèo, nhà lại đông con. Hằng ngày Hồng Quân đảm nhiệm gánh nước từ vòi nước công cộng về nấu ăn và gánh nước từ kênh Tẻ về cho cả nhà tắm giặt. Trong xóm nghèo, hầu như nhà nào cũng phải đi gánh nước về xài. Chờ nước máy là khổ nhất. Lúc nào bên vòi nước cũng có hai ba trăm chiếc thùng xếp hàng dài dằng dặc.

Hành trình của người gánh nước không phải ngắn. Khoảng cách từ bến sông vào sâu trong những xóm lao động dài chừng 1-2km đường chim bay. Nhưng đường đi của người gánh thường xa hơn do phải len lỏi qua những con hẻm ngoằn ngoèo. Đôi thùng nước trĩu nặng trên vai, từng bước chân xấp xải, dập dình trên những thanh ván nhỏ lót trong hẻm tối. Hẻm nhỏ, đường trơn, đi lại đụng mặt riết thành quen. Dần dà cô làm quen được với nhiều người, học được đường đi lối lại trong xóm và quan trọng nhất là tạo được các mối quan hệ thân tình với những người nghèo khổ.

Sống trong khu vực phức tạp, an ninh thường không đảm bảo, nhưng cô gái mới ngoài 20 tuổi Lê Hồng Quân ngày ngày vẫn an toàn khi len lỏi trong những con hẻm tối để nắm tình hình. Khi thì trong vai người bán cháo lòng cháo huyết, lúc thì bán bắp luộc, bán hột vịt lộn, chè đậu.

“Đó là nhờ chị Mạc Thị Nương. Chị có người em trai là một tay anh chị giang hồ. Thời gian tôi sống trong nhà chị, chị vẫn thường bảo người em: Tụi mày làm gì thì làm, phải để cho con Út nó yên thân mà buôn bán”. Ngày đó, hưởng ứng phong trào chống bắt lính, vùng Tôn Đản, Khánh Hội nổi tiếng có chị Hai “đòn gánh” - mỗi lần có toán cảnh sát, mật vụ ùa vào rượt đuổi bắt người, chị đang gánh đồ đi bán dạo thì làm như vô tình xoay ngang đòn gánh để cản đường. Gặp nhóm cảnh sát ức hiếp người nghèo, chị rút đòn gánh đánh trả. Làm sao quên được bác “Bo sà lan” - một phụ nữ sống gần khu vực bo sà lan, hễ cảnh sát, mật vụ vừa tới khu lao động bắt lính là bà đã nhanh chóng bí mật báo tin.

Bà Sáu Tiến vốn là phó bí thư chi đoàn xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Khi được Thành ủy Cần Thơ điều động lên Sài Gòn xây dựng lực lượng, bà chọn cách hòa mình cùng người dân, vừa kiếm sống vừa làm cách mạng.

Bà nhớ: “Thời gian mới lên Sài Gòn, tui ở trong một nhà làm hãng nhựa và nấu ăn cho gia đình. Ban ngày tui đi phụ đẩy xe chè cho người ta, ban đêm đi gánh nước mướn cho mấy người bán rau, bán cá ngoài chợ. Dần dà tui làm quen được với bà Tư khoai lang. Bà Tư chiên khoai, ông Tư bỏ bịch đi bán dạo. Gia đình rất nghèo đó sau trở thành cơ sở ém giữ tài liệu cho cách mạng. Những lần nghe anh em bộ đội mình ở Cần Thơ thiếu thốn, bà Tư khoai lang nhín đồng lời ít ỏi mua vải, mua đồ gửi về cho anh em”.

Bà Sáu Tiến cũng không sao quên được bà Tiêu Thị Bạch, người đàn bà đơn thân nuôi ba đứa con nhỏ ở khu cầu treo Phú Thọ Hòa, đã sẵn sàng che chở khi có người bị thương trong thời gian giặc điên cuồng đàn áp, bắt bớ sau chiến dịch Mậu Thân. Cũng chính bà Bạch đã không sợ hiểm nguy cho bản thân và ba đứa con khi đêm đêm cùng bà Sáu Tiến đào hầm giấu cờ, tài liệu, mờ sáng lại cùng bà Sáu Tiến đi treo cờ, rải truyền đơn dọc những tuyến đường trong khu trường đua Phú Thọ.

Ân tình trả mãi

“Khi nhận nhiệm vụ của tổ chức giao cho, dấn thân vào chiến trường là đã xác định hi sinh không tiếc thân mình. Nhưng còn với những gia đình lao động nghèo, khi chấp nhận hợp tác, đùm bọc người làm cách mạng, họ đánh cược bằng mạng sống, sự an nguy của tất cả những người trong nhà. Cái dũng, cái nghĩa, cái tình sâu nặng đó trả chừng nào cho hết...” - những lần nói chuyện với bà Lê Hồng Quân, lần nào bà cũng lái câu chuyện về cái tình dân sâu nặng đó.

Hơn 10 năm rồi bà xuôi ngược nhiều nơi để thẩm tra, xác nhận, đề nghị làm chế độ cho nhiều đồng đội. Chỉ tay vào chồng hồ sơ, tài liệu còn chất cao trong nhà, bà cho biết: “Hiện chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị Nhà nước trao tặng 15 Huân chương Chiến công hạng nhất cho 12 cán bộ chiến sĩ và ba cơ sở; sáu Huân chương Chiến công hạng nhì cho bốn chiến sĩ và hai cơ sở; tám Huân chương Chiến công hạng ba cho một chiến sĩ và bảy cơ sở... Khó khăn nhất là việc đề nghị công nhận liệt sĩ cho một số cán bộ chiến sĩ.

Do đặc điểm hoạt động nội thành và nguyên tắc bí mật nên họ chỉ sử dụng mật danh. Đến khi họ và người lãnh đạo trực tiếp của họ hi sinh thì không còn ai biết tên thật, quê quán, năm sinh của họ nữa. Chỉ có chiến công là còn mãi”. “Chúng tôi không bỏ quên người nào vì lãng quên quá khứ cũng chính là lãng quên bản thân mình. Chúng tôi đi xin công nhận liệt sĩ cho anh em, nói rõ là không xin chế độ trợ cấp vì họ đã không còn thân nhân, chỉ xin đất nước có một sự công nhận, bởi họ là những người xứng đáng được công nhận” - bà Lê Hồng Quân tâm sự.

Tết năm rồi bà rút hết tiền trong sổ tiết kiệm của mình được 5 triệu đồng, cộng thêm 3 triệu đồng hỗ trợ của Thành hội Phụ nữ cho tiểu đoàn Lê Thị Riêng để góp vào quỹ chung. Số tiền đó được chia ra thành những phần nhỏ gửi anh em, đồng đội, những gia đình cơ sở ngày xưa ăn tết.

“Mỗi người được nhận 150.000 đồng, người nào ốm đau liệt giường thì được 200.000 đồng. Sức mình chỉ đến vậy” - bà bùi ngùi nói. Còn bà Sáu Tiến, hôm rồi tìm về tận nhà bà Tiêu Thị Bạch để trao chiếc xe lăn do ban liên lạc tiểu đoàn Lê Thị Riêng vận động mạnh thường quân tặng. Bà Bạch bây giờ đau ốm thường xuyên, chị em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Ân tình này kiếp này trả mãi vẫn còn đầy.

Tiểu đoàn Lê Thị Riêng (tiền thân là đơn vị nữ biệt động nội thành Sài Gòn - Gia Định) được thành lập trong điều kiện hết sức gấp gáp và gay go lúc ấy. Nhưng sau giải phóng lại không được thừa nhận do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không có giấy tờ về việc thành lập tiểu đoàn.

Hành trình xác nhận lại vai trò lịch sử của tiểu đoàn Lê Thị Riêng là những chuỗi ngày gian nan. Đến ngày 12-9-2002, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Cương đã ký quyết định công nhận tiểu đoàn Lê Thị Riêng là đơn vị vũ trang được Ban thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định thành lập vào cuối tháng 2-1968 để phục vụ cho đợt tổng tấn công đợt 2 Mậu Thân năm 1968. Quyết định cũng phân công Ban tổ chức Thành ủy, Bộ chỉ huy quân sự TP, Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết chính sách còn tồn đọng cho cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn Lê Thị Riêng. Đến cuối năm 2012 mới có tám người được công nhận liệt sĩ.

Kỳ tới: Miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/533072/khong-the-lang-quen.html