Khắc phục yếu kém về giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống

KTĐT - Góp ý kiến vào Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội - phần III, mục 6 - Những định hướng về phát triển văn hóa, phát triển giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), phát triển khoa học, công nghệ…, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho rằng, đây là sự phát triển những định hướng cơ bản của Chiến lược năm 1991, được bổ sung, điều chỉnh qua quá trình nghiên cứu lý luận và trải qua thực tiễn của Đảng ta trong suốt hơn 20 năm qua. Nhất trí với những nhận định về vị trí, vai trò của sự nghiệp GD-ĐT được nêu trong dự thảo Cương lĩnh, nhưng ông Phong đề nghị nên tiến hành cải cách giáo dục một cách cơ bản, hệ thống nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng toàn diện, cả về đức và tài, thực sự là những chủ nhân của đất nước.

Thực hiện Cương lĩnh của Đảng, quan điểm giáo dục là Quốc sách hàng đầu cần được thể chế rõ ràng, cụ thể thành chế độ, chính sách, cơ chế để thực hiện. Cải cách giáo dục một cách toàn diện, sâu sắc về quan điểm, mục tiêu, nội dung, chương trình, phương hướng, biện pháp. Lập lại trật tự kỷ cương hoạt động giáo dục ở các phạm vi, đối tượng, lĩnh vực như người học, người dạy, nhà trường, ngành, cơ quan, cấp quản lý... bảo đảm nguyên tắc vì chất lượng toàn diện, thực chất, có hiệu quả của sản phẩm GD-ĐT đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung khắc phục những yếu kém của ngành Giáo dục hiện nay như: chất lượng không cao, đặc biệt là chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống. Ngành Giáo dục phải coi đây là chất lượng số một, là bản lĩnh, tâm hồn, nhân cách mà ngành cần bồi đắp, xây dựng cho thế hệ tương lai. Cùng với đó, trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức mới, phương pháp tư duy để có kiến thức mới. Trên cơ sở đó, có đủ năng lực lao động khoa học, sáng tạo, giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra, coi đó là sự cống hiện cụ thể, thiết thực cho đất nước. Để được như vậy, phải đổi mới các hoạt động tổ chức, quản lý giáo dục. Khắc phục xu hướng thị trường hóa giáo dục. Về phát triển hệ thống GD-ĐT, chiến lược cần tập trung vào phát triển cơ bản, toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc học Mầm non đến THPT, phải coi đây là nền tảng của sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, xem xét lại cơ chế, chính sách phát triển giáo dục đại học hiện nay. Trong khi chúng ta đang có chiến lược xây dựng một số trường đại học ngang tầm khu vực và quốc tế thì việc cho mở các trường đại học, các lớp tại chức, chuyên tu theo hình thức liên kết đào tạo quá nhiều lại là nguyên nhân làm giảm sút chất lượng đào tạo, tạo ra hiện tượng: Chuẩn hóa về bằng cấp nhưng không chuẩn hóa về trình độ. Ngoài ra, cũng cần mở rộng hơn nữa mạng lưới và qui mô các trường dạy nghề, vừa giải quyết thực tế thiếu lao động có tay nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ trầm trọng hiện nay, vừa tạo ra sự phân luồng về đào tạo cho học sinh tốt nghiệp THPT. Muốn vậy, một giải pháp đi kèm là phải làm tốt công tác định hướng nghề cho học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội, cao hơn nữa cần khắc phục ngay việc tuyển dụng, bổ nhiệm quá coi trọng bằng cấp mà không chú ý đúng mức đến trình độ, năng lực thực tiễn. Linh Nhi

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=16&newsid=264382