Huyện Bình Minh tập trung đầu tư để nâng cấp thành thị xã

(baodautu.vn) Huyện Bình Minh đang tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để trở thành thị xã, trung tâm tổng hợp cấp vùng liên huyện, đô thị cảng- công nghiệp - đô thị sinh thái của tỉnh Vĩnh Long.

Ông Nguyễn Thành Thế, Chủ tịch UBND huyện Bình Minh có cuốc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về nội dung này.

Thưa ông, với vai trò là động lực phát triển kinh tế của tỉnh và gắn kết với các đô thị trung tâm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị Bình Minh có tiềm năng, vị thế như thế nào?

Với định hướng chung của tỉnh Vĩnh Long, huyện Bình Minh được xác định là trung tâm tiểu vùng phía Nam, nằm trong vùng kinh tế động lực của Vĩnh Long, chịu tác động mạnh và cũng được hưởng những lợi thế rất quan trọng khi tiếp giáp với TP. Cần Thơ. Bình Minh có ưu thế nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, như có Quốc lộ 1A đi qua, tiếp giáp với sông Hậu, cách TP. Vĩnh Long 30 km, cách TP.HCM 165 km, cách TP. Cần Thơ 3 km, cách Sân bay quốc tế Cần Thơ chưa đầy 20 km. Đồng thời, thị trấn Cái Vồn là trung tâm đô thị của Bình Minh đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV từ năm 2010 và được tỉnh xác định là trung tâm tổng hợp cấp vùng liên huyện, cửa ngõ phía Nam, là đô thị cảng- công nghiệp - đô thị sinh thái của tỉnh Vĩnh Long. Thị trấn có ý nghĩa rất quan trọng là đầu mối giao thông thủy bộ, cửa ngõ chiến lược đi vào các tỉnh vùng Tây Sông Hậu.

Năm 2011 trước những khó khăn chung của nền kinh tế, Bình Minh đã có nỗ lực gì để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nhằm chuẩn bị điều kiện để phát triển lên thị xã vào năm 2012?

Năm 2011 là một năm mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, Bình Minh đã tập trung quyết liệt, dồn sức cho thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững; đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội; chỉnh trang đô thị; tận dụng sức mạnh, trí tuệ, đoàn kết của toàn hệ thống chính trị; sự đồng thuận cao của cộng đồng và các thành phần kinh tế, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương. Kết quả là, Bình Minh đã có nhiều khởi sắc, góp phần đẩy nhanh việc hoàn thiện và đạt các tiêu chí theo Nghị định 62 của Chính phủ, để đưa Bình Minh trở thành thị xã vào năm 2012 theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 9/12/2011 của HĐND tỉnh Vĩnh Long.

Kết quả cụ thể là, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trên 5% so với năm 2010; gần 90% diện tích xây dựng vùng sản xuất đạt giá trị trên 70 triệu đồng/ha/năm; hoàn thành và phê duyệt xong đề án, đồ án quy hoạch xã nông thôn mới cho 5/5 xã...; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng gần 22% so với năm 2010, chủ yếu là các sản phẩm nhựa, sản phẩm bê tông, may gia công xuất khẩu, xay xát và cơ khí…; phát triển các loại hình chợ và tiếp tục kêu gọi đầu tư Khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch... Đặc biệt, từ khi thị trấn Cái Vồn trở thành đô thị loại IV, cùng với việc thông xe cầu Cần Thơ (năm 2010), Bình Minh đã tận dụng tốt 2 cơ hội này, để nỗ lực dồn sức cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tính đến nay, Bình Minh đã đưa vào sử dụng các công trình, như Trung tâm hành chính huyện, Bệnh viện đa khoa huyện… Đồng thời, nhiều công trình khác, như trụ sở UBND xã Mỹ Hòa, Thuận An, các công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia, công trình giao thông xã nông thôn mới cũng đang được thi công; Cụm công nghiệp Thuận An, Khu dân cư đô thị vệ tinh, kè chống sạt lở sông Tắc Từ Tải, đường từ Quốc lộ 54 đi xã Mỹ Hòa được triển khai lập dự án…

Hiện các công trình trọng điểm được Trung ương đầu tư đang trong giai đoạn hoàn thành, gồm các công trình: các cầu Cái Vồn, Bình Minh, Thành Lợi. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng 8 cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ giai đoạn 1 đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, giải quyết cho 1.000 hộ trên địa bàn vào định cư.

Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải đã có các dự án mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 54 qua địa phận Bình Minh; Dự án Cảng – Khu công nghiệp Bình Minh. Trong tương lai không xa, các dự án trên sẽ kết nối với các dự án khác của Trung ương, tỉnh (đã và đang triển khai trên địa bàn), như Đại học Bình Dương, Khu công nghệ cao Sunrise… Nhờ đó, đô thị Bình Minh đang trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sắp tới, Bình Minh sẽ tập trung vào những chương trình mục tiêu cơ bản gì cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cấp đô thị Bình Minh vào năm nay, thưa ông?

Với việc xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, để chuẩn bị điều kiện nhân lực và tài lực cho đô thị Bình Minh phát triển xứng tầm với vị thế, tiềm năng của mình, mỗi năm, Bình Minh cần huy động khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn lực đầu tư toàn xã hội và năm 2012, cần đột phá vào 5 chương trình, mục tiêu.

Thứ nhất, Chương trình đào tạo nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động: đẩy mạnh đào tạo nghề, đảm bảo lao động qua đào tạo chiếm 30%, giải quyết việc làm ổn định cho 2.500- 3.000 lao động/năm.

Thứ hai, Chương trình phát triển đô thị- nhà ở: tập trung kế hoạch chỉnh trang và xây dựng Đề án đô thị Bình Minh trở thành thị xã vào năm 2012, đi liền với xây dựng hoàn chỉnh tuyến dân cư giai đoạn 1 và 2 và hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Thứ ba, Chương trình giống và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Thứ tư, Chương trình thu hút vốn đầu tư với việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp thu hút đầu tư vào những lĩnh vực: xây dựng, thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp.

Thứ năm, Chương trình tập trung xây dựng xã nông thôn mới, rà soát các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, nhất là chỉ đạo hai xã điểm: Đông Thạnh và Đông Thành đạt các tiêu chí theo quy định.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/cohoidautu/b2304b2b7f00000101cb8f19f342cf16