Hiệu trưởng "3 trong 1"

(VietNamNet)- Hiệu trưởng phải có năng lực nghề nghiệp cơ bản của giáo viên; tầm nhìn chiến lược và phải giữ nề nếp của nhà trường.

- Hiệu trưởng tự đánh giá; giáo viên, nhân viên tham gia đánh giá hiệu trưởng. Giám đốc Sở, Trưởng phòng GD căn cứ vào các kênh tham khảo đó và thông tin quản lý có được để chính thức đánh giá, xếp loại hiệu trưởng thuộc phạm vi mình quản lý. Ông Trương Đình Mậu. Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT Trương Đình Mậu phân tích các mục đích của việc xây dựng Chuẩn hiệu trưởng của các trường phổ thông. Xin ông cho biết, mục đích của việc ban hành chuẩn dành cho hiệu trưởng các trường phổ thông? - Xuất phát từ thực tiễn, việc đưa ra một bộ tiêu chuẩn cho nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (CBQLCSGD) còn thiếu. Việc đánh giá phân loại để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, tái bổ nhiệm không có đầy đủ căn cứ, "mực thước" để hiệu trưởng tự rèn luyện, tự bồi dưỡng chưa rõ ràng nên việc đánh giá, xây dựng đội ngũ gặp khó khăn, ít nhiều mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất. Từ đó, "nảy" ra bộ tiêu chuẩn lấy đó là thước đo để: CBQLCSGD soi vào bộ chuẩn tự đánh giá mình, qua đó xây dựng kế hoạch để bồi dưỡng và tự bồi dưỡng bản thân nhằm hoàn thiện chuẩn. Thứ hai, đây là cơ sở để cơ quan quản lý giáo dục cấp trên nắm bắt được thực trạng của đội ngũ. Thông qua kết quả xếp loại với những điểm mạnh yếu khác nhau, từ đó lên kế hoạch, quy hoạch phát triển CBQL để bổ nhiệm, miễn nhiệm, tái bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Thứ ba, trên cơ sở chuẩn các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng CBQL giáo dục (ở đây là các trường sư phạm, trường cán bộ quản lý) xây dựng được chương trình giảng dạy nhằm bồi dưỡng người hiệu trưởng đạt được yêu cầu theo quy định trong bộ chuẩn. Thứ tư, chuẩn là một trong những căn cứ để đề xuất và hoàn thiện các chế độ chính sách. Như vậy, việc ban hành chuẩn không chỉ nhằm mục đích duy nhất là đánh giá, phân loại hiệu trưởng. Vậy, các nguyên tắc và căn cứ để Bộ GD-ĐT xây dựng các bộ chuẩn trên là gì? - Chuẩn hiệu trưởng được xây dựng theo nguyên tắc: bảo đảm tính pháp lý, khoa học, hiện đại và khả thi. Năm 2007, lần đầu tiên chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học được ban hành. Tháng 1/2008, chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non ra đời, đồng thời xúc tiến cho việc xây dựng chuẩn của giáo viên và hiểu trưởng trường trung học. Tháng 9/2007, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 4 chuẩn, nhưng thực chất là 2 chuẩn: Chuẩn hiệu trưởng trung học (gồm THCS, THPT) và chuẩn giáo viên trung học (THCS, THPT). Năm 2008, các bộ chuẩn bắt đầu được nghiên cứu, triển khai. Khi xây dựng chuẩn, Ban soạn thảo đã phải tham chiếu những quy định đối với người hiệu trưởng trong các văn bản pháp quy hiện hành như Luật Giáo dục 2005; Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, quy chế đánh giá công chức hàng năm, Quy định đạo đức nhà giáo... Đồng thời, trong quá trình xây dựng chuẩn hiệu trưởng, chúng tôi có tham khảo tài liệu về chuẩn hiệu trưởng một số nước, như: Chuẩn hiệu trưởng bang New Jersey, Chuẩn nghề hiệu trưởng của bang Colorado, Chuẩn hiệu trưởng bang Bắc Carolina, Chuẩn hiệu trưởng các trường công của TP New York (Mỹ); Chuẩn hiệu trưởng của New Zealand; Chuẩn trình độ quản lý trường học của Trung Quốc... Ông có thể cho biết rõ thêm về cấu trúc và nội dung của chuẩn hiệu trưởng trường trung học? - Chuẩn hiệu trưởng là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với hiệu trưởng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường. Dự thảo Chuẩn hiệu trưởng trường trung học chia các chuẩn theo 5 tiêu chuẩn và 30 tiêu chí. Tiêu chuẩn là qui định về những nội dung cơ bản, đặc trưng thuộc mỗi lĩnh vực của chuẩn, trong mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí. Tiêu chí là yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 3 mức. Mức 1: trung bình (đạt chuẩn); mức 2: đạt khá; mức 3: đạt xuất sắc. Việc phân biệt các mức cao, thấp dựa vào số lượng và chất lượng các hoạt động có minh chứng kèm theo trong mỗi tiêu chí mà hiệu trưởng thực hiện được. Minh chứng là các bằng chứng như tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức đạt được của tiêu chí. Việc ban hành chuẩn hiệu trưởng có bốn mục đích, trong đó có mục đích giúp thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, xếp loại hiệu trưởng thuộc phạm vi quản lý. Ông có thể cho biết thêm về việc áp dụng chuẩn để đánh giá, xếp loại hiệu trưởng ở cơ sở được quy định như thế nào trong dự thảo? - Việc đánh giá, xếp loại hiệu trưởng sẽ được tiến hành vào cuối năm học dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý trực tiếp là Phòng GD-ĐT - đối với trường THCS và Sở GD-ĐT – đối với trường THPT. Quy trình đánh giá hiệu trưởng gồm 3 bước: hiệu trưởng tự đánh giá; giáo viên, nhân viên tham gia đánh giá hiệu trưởng, theo mẫu phiếu dành riêng cho mỗi đối tượng và những đánh giá này để cơ quan quản lý tham khảo. Cuối cùng, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp, trên cơ sở tham khảo kết quả đánh giá của các đối tượng trên và các thông tin quản lý có được để chính thức đánh giá, xếp loại hiệu trưởng thuộc phạm vi quản lý của mình. Theo Dự thảo, đánh giá hiệu trưởng sẽ gồm hiệu trưởng, giáo viên, cán bộ, nhân viên cơ hữu của nhà trường và thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp hiệu trưởng, vậy phải làm thế nào để đảm bảo được công bằng, thưa ông? "Năm 2008, việc chấm điểm hiệu trưởng đã thí điểm ở Hải Phòng, Bắc Giang và lấy ý kiến của các Sở. Khoảng 700-800 hiệu trưởng tham gia thí điểm này. Kết quả đạt xuất sắc là ít, chủ yếu là khá và một số đạt dưới chuẩn do không đạt, một số mặt cần bổ sung thêm. 30 tiêu chí, cũng phải mất khoảng 2-3 năm để đi vào cuộc sống. Khi đi vào thực tiễn, Chuẩn có sai sót sẽ chỉnh sửa cho hoàn thiện hơn" - PGS.TS. Trần Ngọc Giao - Giám đốc Học viện quản lý giáo dục. - Để kết quả đánh giá hiệu trưởng được khách quan, công bằng, trước hết, yêu cầu thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp phải công tâm và phải hiểu rõ phẩm chất, năng lực cũng như kết quả của sự lãnh đạo, quản lý của người hiệu trưởng đối với các mặt hoạt động của nhà trường với những thuận lợi và khó khăn cụ thể. Phải biết tham khảo có phân tích, có trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh, ý kiến tham gia đánh giá hiệu trưởng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng như kết quả tự đánh giá của người hiệu trưởng để có quyết định đúng đắn cuối cùng. Phải quán triệt để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nhận thức được rằng việc đánh giá hiệu trưởng nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường mà không phải vì một mục đích cá nhân nào khác. Và, yêu cầu mỗi người hiệu trưởng được đánh giá phải có thái độ thực sự cầu thị trước các ý kiến đánh giá, nhận xét của cấp dưới cũng như cấp trên. Qua đánh giá, xếp loại, người hiệu trưởng cần tự xây dựng cho mình kế hoạch nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm chỉ nhằm mục đích xây dựng nhà trường ngày một phát triển vì cộng đồng, quê hương, đất nước. Chúng ta chưa coi hiệu trưởng là một "nghề" nên tất yếu phải có việc đào tạo để trở nên chuyên nghiệp. Được biết, trong năm 2009 và 2010, Bộ sẽ thực hiện Đề án bồi dưỡng hơn 30.000 hiệu trưởng phổ thông. Công việc đó đă được tiến hành như thế nào, thưa ông? - Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo triển khai thực hiện "Đề án xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam – Singapore trong giai đoạn 2008 – 2010". Đề án này có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Học viện Giáo dục và Quỹ Temasek (Singapore) trong việc đào tạo đội ngũ giảng viên nguồn, xây dựng chương trình bồi dưỡng, tư vấn và tham gia giảng dạy một số chuyên đề trong quá trình triển khai bồi dưỡng cho hiệu trưởng trường phổ thông của Việt Nam. Mục đích của chương trình nhằm đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý của người hiệu trưởng trường phổ thông trên một số lĩnh vực hoạt động chủ yếu của nhà trường. Theo Kế hoạch triển khai đề án, trong năm 2009 sẽ bồi dưỡng cho khoảng 14.000 hiệu trưởng phổ thông, số còn lại sẽ được tổ chức bồi dưỡng trong năm 2010. Theo báo cáo của các địa phương, đến thời điểm này, đã có 20 tỉnh/thành phố đã hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng năm 2009. PGS.TS. Trần Ngọc Giao - Giám đốc Học viện quản lý giáo dục: Hiệu trưởng = nhà giáo + nhà lãnh đạo + nhà quản lý "30 tiêu chí, cũng phải mất khoảng 2-3 năm để đi vào cuộc sống", ông Trần Ngọc Giao, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục. Hiệu trưởng của ta hiện nay chủ yếu là làm công tác quản lý và chưa thể hiện được vai trò là nhà lãnh đạo để phát triển nhà trường. Trước thực tế đó, 2 Bộ trưởng GD của Việt Nam và Singapore đã liên kết hợp tác để đào tạo hiệu trưởng với vai trò mới này. Yêu cầu của một hiệu trưởng phải đảm bảo cả 3 yếu tố: nhà giáo, nhà lãnh đạo và nhà quản lý. Nhà giáo để đảm bảo hiệu trưởng phải có năng lực nghề nghiệp cơ bản; nhà lãnh đạo là có tầm nhìn chiến lược đúng và nhà quản lý là có thể giữ cho trường được trật tự. Chuẩn ở đây phải quan niệm là chuẩn nghề nghiệp, tay nghề. Khi đã định hướng được thì việc xác định các tiêu chuẩn và cụ thể hóa bằng tiêu chí không khó mà khó nhất là các minh chứng. Trong các chỉ số, chỉ báo về phương diện giáo dục thì không phải cái gì cũng cân đong đo đếm được. Ví dụ trong tiêu chuẩn của giáo viên Hoa Kỳ có nêu: "Thày giáo phải dùng trực cảm nghề nghiệp của mình để uốn nắn những định kiến sai lầm về kiến thức của học trò" thì không thể định lượng được. Về nội dung "Phẩm chất đạo đức, chính trị" là để thống nhất với tất cả các chuẩn khác trong tổng thể chung. Trên con người đó cũng có thể có sự đan xen nhưng quan trọng nhất vẫn là đạo đức và năng lực nghề nghiệp, năng lực quản lý, lãnh đạo của hiệu trưởng. Đến nay, bộ chương trình và tài liệu đã được thẩm định. Tháng 6/2009 đã bắt đầu triển khai đại trà. Bộ tài liệu do các giảng viên nguồn quốc gia đi học ở Singapore về soạn thảo, sau đó các địa phương chi tiết hóa, cụ thể hóa cho phù hợp với nội dung. Tập huấn sẽ có 3 loại tài liệu: của Singapore (dịch ra tiếng Việt), của Trung ương (do các giảng viên nguồn cấp quốc gia soạn thảo) và của từng địa phương. Gần đây đã có 7 tỉnh triển khai việc đào tạo hiệu trưởng: Hải Dương, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên. Bảo Anh (thực hiện)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/09/869677/