“Hẹn gặp lại Sài Gòn”, những chuyện chưa từng được kể

(DVT.vn) - May mắn được gặp lại đạo diễn Long vân, chúng tôi đã ghi lại những câu chuyện lý thú chưa từng được kể xung quanh bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn".

Cảnh phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

(DVT.vn) - May mắn được gặp lại đạo diễn Long vân, chúng tôi đã ghi lại những câu chuyện lý thú chưa từng được kể xung quanh bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn".

Chúng tôi đã may mắn được gặp lại đạo diễn Long vân trong dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ. Khi ấy, dù tuổi đã cao, nhưng ký ức về những ngày làm bộ phim đặc biệt ấy vẫn tươi rói trong tâm trí ông.

Chúng tôi đã ghi lại những câu chuyện lý thú chưa từng được kể xung quanh bộ phim quan trọng này. Nhân kỉ niệm ngày sinh của Người, 19/5, dvt.vn xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài viết về những câu chuyện lí thú về bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn.”

1. Cuối năm 1986, sau khi làm xong bộ phim “Biệt động Sài gòn” Long Vân nảy ra ý định làm một bộ phim về Bác Hồ ra trận trong chiến dịch Biên giới. Nhưng dự án có vẻ chưa chín muồi, hơi gấp gáp về thời gian và các điều kiện làm phim. Ông gặp nhà văn Sơn Tùng. Sau khi cùng trao đổi, nhà văn Sơn Tùng đã đưa cho Long Vân đọc tiểu thuyết “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng” và kịch bản “Con đường năm ấy” do ông viết từ trước. Long Vân đã nhìn thấy ở đó những chất liệu sinh động và phong phú cho một bộ phim lịch sử lớn về Bác Hồ thời trẻ.

Nhà văn Sơn Tùng bên bàn viết. Ảnh: Thiên Sơn.

Khoảng cuối năm 1987 nhà văn Sơn Tùng hoàn tất kịch bản mang tên “Cuộc chia ly trên bến Nhà rồng” và kịch bản này sau đó được gửi cho Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng lúc đó đã ủng hộ và thuyết phục Thành ủy cấp kinh phí làm phim. Nhan đề bộ phim được lấy là: “Hẹn gặp lại Sài gòn”. Thư ký Bác Hồ, ông Vũ Kỳ được mời làm cố vấn chính trị cho phim.

Tác giả kịch bản là nhà văn Sơn Tùng, đạo diễn Long Vân và nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn đã làm phim mà không nhận thù lao vì kinh phí làm phim eo hẹp. Phim làm ra đúng lúc các nước Xã hội chủ nghĩa đang khủng hoảng, kinh phí càng về sau càng thiếu nên chỉ in ra được 5 bản (trong đó có một bản do Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho nhân dân Ấn Độ nhân dịp đất nước này kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của Người) còn 4 bản chiếu trong nước.

Bộ phim được nhiều tầng lớp nhân dân xúc động và đón nhận, vì lần đầu tiên, hình tượng Bác Hồ thời trẻ đã được sáng tạo trên màn bạc, trong một tác phẩm hoành tráng, sinh động. Tuy nhiên, bản gốc của phim gửi in tráng ở Thái Lan sau đó đã không lấy về được vì thiếu kinh phí.

2. Trước khi vào vai Nguyễn Tất Thành trong phim này diễn viên Tiến Hợi chưa từng đóng phim. Là một diễn viên sân khấu chuyên nghiệp, anh đã có những thành công, nhất là vai Bác trong vở “Đêm trắng”.

Tiến Hợi trong vai Nguyễn Tất Thành, phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

Khi đóng phim, một điều mà đạo diễn mong muốn là làm sao để đôi mắt của diễn viên sáng hơn, để có thể diễn tả thực hơn, gần giống với Bác hơn. Một Việt kiều đã hứa với đạo diễn sẽ gửi từ Mỹ về một loại thuốc mà khi nhỏ vào, có thể làm mắt diễn viên sáng và long lanh hơn.

Nhưng đợi mãi, đợi mãi, cuối cùng đạo diễn phải thực hiện một phương cách khác. Đó là hàng ngày đạo diễn yêu cầu Tiến Hợi phải ăn 2 lạng gan lợn hoặc gà, vịt. Có thông tin cho rằng ăn gan mắt sẽ sáng và Tiến Hợi cứ phải ăn gan như thế cho đến khi chán không ăn được nữa mới thôi.

3. Diễn viên Thu Hà vào vai Út Vân (theo kịch bản văn học là Út Huệ), người bạn gái đã dành cho Nguyễn Tất Thành tình yêu thương và sự ngưỡng mộ lớn lao. Thu Hà diễn đạt vai diễn khá sinh động.
Khi quay đến cảnh cuối phim, trước lúc chia tay tại bến Nhà Rồng, Út Vân hỏi Nguyễn Tất Thành “Bao giờ anh trở về”, Nguyễn Tất Thành trả lời “Anh chưa biết được…”. Đó là một cảnh đầy xúc động, làm sao để diễn viên có thể diễn một cách tự nhiên nhất, cảm xúc dồn nén được bộc lộ đúng lúc nhất?

Diễn viên Thu Hà.

Đạo diễn Long Vân đã đề nghị Thu Hà phải ở trong một khu riêng, hạn chế giao thiệp với mọi người, đọc kỹ kịch bản và nhen nhóm cảm xúc, suy nghĩ tìm tòi cách biểu hiện. Ông nói, ông “cần một giọt nước mắt rơi đúng lúc trong một cảnh khó nhất”. Thu Hà đã thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu của đạo diễn và cô đã diễn một cách thành công trong cảnh chia tay cuối phim đầy xúc động.

4. Trong phim có cảnh vua Hàm nghi phải đi đày. Nhà vua cưỡi voi đứng trước ngọ môn nói lời từ biệt với dân chúng. Rồi ông được đưa qua sông Hương bằng thuyền. Con voi đứng trên bờ, nhìn nhà vua xa dần. Nó kêu lên một tiếng, rồi lao xuống sông, bơi theo nhà vua và cuối cùng nó chìm dần xuống lòng sông.

Để có được con voi đáp ứng cảnh quay đó, các nhà làm phim đã phải vào tận Tây Nguyên tìm voi. Nhưng khi có voi rồi thì lại không có cách nào đưa voi đến nơi thực hiện cảnh quay (bộ phim này quay ở Huế). Cuối cùng, lại phải cử một phái đoàn sang Lào tìm voi (vì từ nơi quay sang Lào chỉ hơn 50km).

Cuối cùng thì cũng tìm được. Ông quản tượng nói con voi này bơi được, khóc được. Khi các nhà làm phim nghỏ ý muốn thuê con voi để đóng trong một bộ phim về Bác Hồ thì cả bản làng vui mừng khôn tả. Họ mổ một con bò để liên hoan tiễn những người đưa voi đi. Phái đoàn có tất cả 5 người, và một chiếc ô tô chở mía cho voi ăn. Con voi đi bộ 5 ngày đêm thì đến nơi đóng phim.

5. Cảnh bà Hoàng Thị Loan dệt vải và chết bên khung dệt là một cảnh quan trọng gây xúc động mạnh. Yêu cầu diễn viên Lan Hương đóng vai này phải biết dệt. Đạo diễn đã gửi Lan Hương đi học một tuần để biết được kỹ thuật dệt vải thời kỳ đầu thế kỷ 20.

Khi thực hiện cảnh quay, cần một khung dệt cổ để đảm bảo hình ảnh được chân thực. Tìm khắp cả Huế không được, đạo diễn gọi ra Nghệ An, khi tìm được khung dệt thì lại bận không có người ra lấy. Cuối cùng, một người quen biết đã tìm được một khung dệt như ý đạo diễn và gửi từ Phan Thiết ra Huế.

6. Cảnh Nguyễn Tất Thành trước khi xa Huế ra viếng mộ mẹ là một cảnh cảm động. Đạo diễn đã cho người hỏi các cụ già, hỏi những người thạo về phong thủy để tìm nơi mà 90 năm trước đã từng là nơi đặt mộ bà Hoàng Thị Loan (trước khi được chuyển về Nghệ An). Trên mảnh đất đặt mộ phần bà Loan đã được đắp lại một nấm đất hình ngôi mộ để thực hiện cảnh quay. Vì thế, những người thực hiện cảnh này luôn có một cảm giác rất thiêng liêng, như linh hồn người xưa cũng về chứng giám.

7. Cảnh ông Tư Đờn (bố Út Vân) cho mời Nguyễn Tất Thành về ăn cơm gây ra những tranh luận trong cả đoàn làm phim. Vì biết Nguyễn Tất Thành thích ăn cá mè, nên ông cho nấu canh cá mè. Trong bữa cơm, ông Tư Đờn ngỏ ý tác thành cho Út Vân và Nguyễn Tất Thành. Tất Thành dừng ăn, quỳ xuống tỏ lòng cảm tạ rồi nói: “Việc của cháu không dừng ở đây được…”

Nhiều thành viên trong đoàn cho rằng, không nên để Tất Thành quỳ… cuối cùng đạo diễn phải quay thêm cảnh Tất Thành dừng ăn cơm, khoanh tay nói lý do không thể tiến tới hôn nhân được là vì anh còn phải đi… Nhưng khi dựng, đạo diễn vẫn lấy cảnh Tất Thành quỳ. Khi duyệt phim không có ai có ý kiến gì về đoạn này.

8. Khi bộ phim tiến hành khởi quay thì bỗng có ý kiến ở Thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh rằng, đây là phim về Bác Hồ, không thể làm được phim nếu không có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Đạo diễn Long Vân từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để nói với nhà văn Sơn Tùng. Nhà văn Sơn Tùng viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa lúc đó là ông Văn Phác.

Khi Long Vân lên đến nơi thì Văn Phác đang chuẩn bị đi công tác nước ngoài. Ông đang đứng đợi chiếc xe bị trục trặc và lo lắng chậm mất chuyến bay. Long Vân trình bày sự việc. Văn Phác nói: “Làm phim về Bác mà kịch bản của Sơn Tùng thì tôi ký”. Rồi ông đặt bút ký đồng ý làm phim, cũng vừa lúc ấy, chiếc xe nổ máy.

Bộ phim đang quay sắp xong thì Long Vân lại nhận được điện thoại từ ngoài Trung ương yêu cầu đạo diễn ra Hà Nội ngay vì có người báo đạo diễn làm phim Bác Hồ có người yêu.

Ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng Ban Tuyến Huấn Trung Ương .

Long Vân lại ra Hà Nội gặp ông Trần Trọng Tân, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương lúc đó. Ông Tân nói: “ Anh làm phim Bác Hồ có người yêu?” Long Vân trả lời: “Không phải vậy, thưa anh. Út Huệ chỉ là bạn gái thôi.” “ Không được có cảnh yêu đương, không ôm nhau, không cầm tay. Chỉ khắc họa tình cảm một phía từ người con gái…” “ Nhưng thưa anh, như thế thì phim sẽ nhạt lắm”. “Nhạt còn hơn là không được làm”. Ông Tân cũng đề nghị đạo diễn đổi tên nhân vật nữ Út Huệ. Long Vân đề nghị đổi thành Út Lan, nhưng ông Tân vẫn chưa đồng ý, cuối cùng đã đổi thành Út Vân.

Nhưng khi Long Vân thông báo cho nhà văn Sơn Tùng việc đổi tên nhân vật Út Huệ, nhà văn đã không vui. Nhà văn Sơn Tùng nói: “Tôi đã gặp bà Huệ. Đó là một nhân vật có thật. Anh phải đến ngôi chùa, nơi cụ Huệ tu hành và đã hóa thân, thắp hương xin tạ lỗi với cụ”.

Bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” đã được thực hiện với một đội ngũ nghệ sĩ đầy nhiệt huyết. Việc làm phim diễn ra trong nhiều éo le của hoàn cảnh, nhiều quan điểm trái chiều. Nói chung, bộ phim đã thành công, các diễn viên đều đóng khá đạt. Cảnh phim hoành tráng. Tư tưởng mới mẻ, sâu sắc. Chỉ có việc lồng tiếng là có những sơ suất. Chẳng hạn nhân vật Nguyễn Sinh Sắc lại nói tiếng miền Nam … thì không đúng và không thuyết phục.

Sau khi phim làm xong trong dịp cả thế giới kỷ niệm ngày sinh của “Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”, một số nước đã có ý đặt mua. Nhưng vì nhiều quan điểm khác nhau, Bộ phim đã không được phát hành rộng rãi ra nước ngoài (trừ Ấn Độ).

Xem phim Hẹn gặp lại Sài Gòn (nguồn: Youtube):

Thiên Sơn

Nguồn DVT.vn: http://dvt.vn/2012051405111659p0c108/hen-gap-lai-sai-gon-nhung-chuyen-chua-tung-duoc-ke.htm