Hào khí Điện Biên trong ba bài thơ của Tố Hữu

Ngày 7-5-1954, chiến thắng Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20. ( Ảnh: Tư liệu )

Đọc Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu, chúng ta thấy nhiều tố chất nghệ thuật trường ca. Các chiến sĩ Điện Biên, vị tướng Tổng tư lệnh chiến dịch đã được nhà thơ khái quát hóa để trở thành dân tộc anh hùng từ trong cái đêm 7-5-1954; cái đêm 'lịch sử Điện Biên sáng rực' trở thành mốc son lịch sử chói lọi của đất nước được gắn nhiều huân chương trên ngực. Bài thơ cũng mang tính chất hoành tráng nhờ thi pháp tạo ấn tượng với các sự kiện của chiều dài thời gian lịch sử chiến đấu và chiến thắng (Kháng chiến ba nghìn ngày không nghỉ); chiều rộng không gian của đất nước, của đồng bằng và Tây Bắc, của nước ta và nước Pháp, nhân dân và bạn bè gần xa; chiều sâu lịch sử với truyền thống toàn dân đánh giặc, khi 'tre đã thành chông, sông là sông lửa', với truyền thống vừa đánh vừa đàm của một dân tộc muốn sống trong thái bình và thịnh vượng, một giá trị của chiến tranh tự vệ, vốn kế thừa tư tưởng hòa hiếu của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v. Khắc họa bức tranh hoành tráng, Tố Hữu không quên biện pháp 'cá thể hóa'. Chỉ vài nét phác thảo, người đọc thấy được hình tượng Bác Hồ ở tầm cao và chiều sâu; tầm cao tư tưởng chiến tranh yêu nước của vị Tổng tư lệnh tối cao và chiều sâu nhân ái của người cha lực lượng vũ trang nhân dân, gần như lúc nào cũng có mặt, kề sát bên cạnh các chiến sĩ gối đất nằm sương, các đoàn dân công ngày đêm tải đạn, thồ hàng ra tiền tuyến: Bác đang cúi xuống bản đồ Chắc là nghe tiếng quân hò, quân reo... Từ khi vượt núi qua đèo Ta đi Bác vẫn nhìn theo từng ngày... Trong Ta đi tới, hào khí Điện Biên chỉ được miêu tả trong ba câu của một khổ thơ tự do: Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp! nhưng bài thơ đã dựng lên một tượng đài chiến thắng về con người Việt Nam sau đại thắng Điện Biên với chiều kích dài rộng, với ý chí lớn như Biển Đông với sức mạnh của đội ngũ trùng trùng, điệp điệp để thống nhất đất nước. Những mô-típ ước lệ con đường (đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên, v.v.) được láy đi láy lại ở đoạn đầu bài thơ, nhà thơ muốn nhấn mạnh truyền thống cách mạng ở nhiều vùng miền, của hôm qua và của hôm nay tạo nên chiến thắng. Cũng chủ đề non sông, đất nước sau chiến thắng trọn vẹn Điện Biên Phủ, ở Việt Bắc, nhà thơ muốn nói lên lòng chung thủy sắt son của cách mạng đến với nhân dân, lòng tri ân của nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ, bắt nguồn từ truyền thống hòa hiếu, nhân nghĩa hàng nghìn năm của nước non Hồng. Trong Việt Bắc chỉ có hai câu trực tiếp nói về Điện Biên: Tin vui chiến thắng trăm miền Hòa bình Tây Bắc, Điện Biên vui về... nhưng âm vang Điện Biên thì vẫn còn đó, còn đó những đoàn quân điệp điệp trùng trùng, còn đó những đoàn dân công đỏ đuốc, còn đó những con đường từ Việt Bắc tỏa ra khắp mọi miền đất nước. Viết những tình cảm lớn của dân tộc trong Việt Bắc, Tố Hữu đã 'cá thể hóa' những nhân vật trữ tình thành Mình và Ta để vừa nói lên được cái lớn lao của sự nghiệp cách mạng, công lao trời bể của nhân dân vừa nói lên được tình cảm chung thủy riêng tư giữa người ở lại và người về xuôi, giữa nhân dân và lãnh tụ, giữa ngọn nguồn thơ với nhà thơ. Viết về trận đại thắng Điện Biên Phủ và các chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu không có dịp may ra trận với những đoàn quân 'xương đồng da sắt' những đoàn dân công 'chị gánh, anh thồ'. Đó là một sự thật. Vậy giải thích thế nào hiện tượng Tố Hữu và bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên? Đó là vì ở Tố Hữu có những tố chất sáng tạo sau: - Nhà thơ là người đồng thời với các nhân vật lịch sử, cùng sống, chiến đấu và sinh hoạt với họ trong những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, được thông tin chính xác và kịp thời những diễn biến, những sự kiện lịch sử trên chiến trường và cả trên bàn đàm phán Hội nghị ngoại giao. - Cảm hứng chủ đạo về đề tài đất nước anh hùng và những con người Việt Nam anh hùng đã được nhà thơ nuôi dưỡng nhiều năm, có thể từ các bài thơ trong tập Từ ấy, đặc biệt là trong Sáng tháng năm (1951). Đến khi được tin đại thắng Điện Biên Phủ, thì đấy là cơ hội, là tia chớp sáng tạo giục giã nội tâm, dấy lên ngọn lửa bên trong cảm hứng phản xạ của nhà thơ lớn. Thế là những vần thơ có tiết tấu dồn dập, có tính chất thông báo ở đầu bài thơ: Tin về nửa đêm Hỏa tốc, hỏa tốc Ngựa bay lên dốc Đuốc cháy sáng rừng... Tiếp đến là những đoạn thơ miêu tả hào hùng, đượm chất sử thi đại quân ta và cảnh đầu hàng nhục nhã, thê lương của quân viễn chinh Pháp. Không có cảm hứng chủ đạo định hướng cho lý tưởng yêu nước, thiếu đi cảm hứng phản xạ thôi thúc nồng độ sáng tạo, Tố Hữu không thể có bài thơ hay, kịp thời và đi cùng năm tháng. - Thành công của Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, của Ta đi tới và Việt Bắc còn là nhờ sức tưởng tượng xán lạn trong quá trình sáng tác của nhà thơ. Lê-nin hơn một lần nói rằng, sức tưởng tượng là một phẩm chất đặc biệt có giá trị. Nó cần cho nhà thơ, nhà toán học và cả cán bộ quản lý. Chúng ta không sợ sức tưởng tượng, tính lãng mạn tích cực trong sáng tạo, bởi vì ở đâu mà lý trí, trí tuệ chưa với tới, thì ở đó sức tưởng tượng giúp chúng ta tiếp tục lao động trí tuệ trên cơ sở thực tiễn được kiểm nghiệm, được thông tin chính xác. Tôi nghĩ, dù miêu tả đậm hay nhạt, trực tiếp hay gián tiếp con người và cảnh vật ở chiến trường Điện Biên năm xưa, thì ở cả ba bài thơ nói trên, hào khí Điện Biên là ngọn nguồn cảm hứng cháy sáng trong quá trình sáng tạo của nhà thơ lớn. .................... (*) Thơ Tố Hữu (Tuyển). NXB Văn học, 1968.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-cu-i-tu-n/nhan-dan-cu-i-tu-n/v-n-ngh/hao-khi-i-n-bien-trong-ba-bai-th-c-a-t-h-u-1.295749