Hàng loạt scandal tự tử: Nốt trầm của nhà giáo Việt

Một số học sinh đáng thương đã lựa chọn cái kết buồn cho cuộc đời mình chỉ vì một phút tự trọng sai lầm không cần thiết khi bị người lớn vô tình trách mắng oan ức.

Vì đâu đến nỗi?

Có thể nói, chưa bao giờ tỉ lệ học sinh tiểu học và trung học tự tử lại rơi vào tình trạng “khẩn” như hiện nay. Đau đớn hơn là đại đa số học sinh nhỏ tuổi tự tử đều vì những lý do hiểu lầm tại trường lớp, nơi mà đáng lẽ ra các em phải được bao bọc và quan tâm nhất. Vậy mà…

Một ngày đầu tháng 12 vừa qua, em Nguyễn Thanh T., học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Bình Nhì 1, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cũng đã không may mắn gặp nạn khi bị cô giáo hiểu lầm lấy cắp 500 ngàn của mình. Bị vu oan ở trường, về nhà gia đình lại trách mắng, đứa bé tội nghiệp đã chọn cách uống thuốc tự tử để thể hiện sự trong sạch nhưng may thay, người nhà đã phát hiện kịp thời.

Nhà nghèo, cha mẹ đều lập gia đình riêng, sống với ngoại - Thẳm là một cô bé đáng thương

Chấn động nhất gần đây là vụ học sinh lớp 2 - em Lại Thị Thẳm (Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) bị nghi oan lấy tiền của cô giáo và sau màn tra khảo tại trường bất thành, cô bé đã bất ngờ được phó công an xã đưa về đồn để điều tra tiếp (???). Sự việc may mắn dừng lại khi cô giáo này tìm lại được tiền trong giỏ của mình và nhận lỗi sai sót của mình. Đứa trẻ nhà nghèo – côi cút may mắn được thoát tội nhưng đó chỉ là một trong số ít những vụ kết thúc có hậu mà người lớn chúng ta con kịp thời và dũng cảm nhận lỗi.

Còn nỗi đau nào hơn?

“Không hẹn mà gặp”, cũng tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi này – tháng 10/2012, chỉ vì mất tiền quỹ lớp, em Nguyễn Cẩm Tú, học sinh lớp 9/6, Trường THCS Trung Lập đã quyết định ra đi vĩnh viễn không về. Tú không may mắn như Thắm. Bị cô giáo trách mắng khi đánh mất tiền quỹ (600k), nghĩ gia đình mình nghèo không có tiền đền cho lớp, cô bé học sinh cuối cấp 2 đã quyết định quyên sinh bằng thuốc diệt cỏ để “chuộc lỗi”. Trước cái chết của đứa con gái út đáng thương, mẹ Tú đã khóc rất nhiều và chỉ ước giá như nhà trường báo với gia đình để giải quyết sớm hơn. Có lẽ nếu như thế, mọi chuyện đã khá bây giờ!

Một chồi non ra đi - lỗi của người ở lại

Trước đó, ngày 21/10, cái chết của em Nguyễn Thị L. - lớp trưởng lớp 10A10, Trường THPT Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội) khiến gia đình, nhà trường bàng hoàng và đau đớn. Trót đánh mất 500 ngàn tiền quỹ lớp, vì sợ bị mang tiếng xấu, cô bé học trò vừa ngoan vừa giỏi đã chọn cách tìm đến cái chết để minh oan cho mình.

Nhiều bạn bè đã không cầm được nước mắt khi đọc thư chia tay của L.

Trong lá thư để lại, em đã viết: “Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch.”

Các chuyên gia nói gì?

Các nghiên cứu tâm lý cho biết có khoảng 15-20% trẻ em nhạy cảm hơn mức cần thiết (trung bình) so với các bạn cùng lứa. Đa số các em hay có suy nghĩ quan trọng hóa vấn đề (nhất là khi bị người lớn đe dọa, trách mắng), dễ xúc động và hay tủi thân. Điều đó sẽ trở nên rất nguy hiểm khi trẻ gặp chuyện và phải tự giải quyết đơn thân một mình (không dám cho người lớn biết). Trẻ tự tử tìm đến cái chết khi gặp vấn đề (dù là nhỏ nhặt, không đáng có) ở trường lớp như trên đa số đều xuất phát từ điều này mà ra. Lúc này, các em sẽ thấy tổn thương (khi bị trách mắng oan ức) – thậm chí hoảng loạn tinh thần (bị đe dọa, đánh mắng) và việc chọn cho mình một kết thúc buồn như hiện nay là điều dễ dàng xảy ra.

Niềm vui đã kịp về với Thẳm khi em may mắn chưa có hành động dại dột nào

Theo chuyên gia tâm lý, trong những trường hợp này, người lớn chính là yếu tố quan trọng giúp trẻ biến điểm yếu thành thế mạnh của bản thân minh. Là người nhảy cảm, chắc chắn đứa bé sẽ có khả năng thấu hiểu cảm xúc người khác rất tốt Vì thế, cha mẹ hãy dạy cho trẻ cách suy nghĩ đặt mình vào vị trí người khác khi xảy ra sự việc. Lúc này, trẻ sẽ dễ cảm thông và có nhận thức rõ hơn về sự việc mà mình đang gặp phải để bình tĩnh hơn trong quá trình giải quyết nó.

Riêng nhà trường chính là cái nôi phát triển tư duy và nhận thức của trẻ, là nơi nhạy cảm nhất và quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ thì hiện nay lại được đánh giá là thiếu trầm trọng khả năng sư phạm cũng như khả năng thấu hiểu tâm lý học sinh. Chúng ta quen rồi việc áp đặt tư duy cho trẻ, rồi lại sẵn sáng và dễ dàng áp đặt cả tội lỗi cho chúng khi chúng không hề làm điều đó. Đó là sai lầm nghiêm trọng mà rất nhiều giáo viên hiện nay đang mắc phải khi đối diện với những mầm non nhạy cảm, dễ tổn thương này – gây hậu quả nghiêm trọng.

Một đoạn trong bức thư tuyệt mệnh của một em học sinh

Phụ huynh nghĩ sao?

Cô Bùi Thị Thu Tr. (phụ huynh bé N.G.V – học sinh lớp 2 trường Nguyễn Đình Chiểu) chia sẻ: “Tôi không biết rõ trường hợp của từng em mà báo chí đã đề cập thời gian qua là như thế nào. Tuy nhiên, rõ ràng ngành giáo chúng ta đang có vấn đề về khả năng trao đổi giữa thầy và trò. Thời chúng tôi tuy không văn minh bằng hiện tại nhưng chưa bao giờ có chuyện bắt học sinh lên công an chỉ vì mất vài triệu đồng – dù không có bằng chứng gì cả, cũng chẳng đứa trẻ nào phải chết đi chỉ vì vài trăm ngàn bị đánh mất. Chúng ta phát triển cái gì và để làm gì khi mà những điều đơn giản nhất là người và người hiểu nhau, cảm thông nhau lại không còn tồn tại, để cho hàng loạt vụ tự tử bi thương đến đau lòng như thế này xảy ra. Khi “nạn nhân” là học sinh và “thủ phạm” chính là thầy cô giáo, cha mẹ – còn gì đáng buồn hơn?”

Cùng suy nghĩ như cô Tr., bác D (phụ huynh học sinh lớp 5) cho biết: “Đây là lỗi của cả hai phía – nhà trường và gia đình. Việc quá tải học sinh, quá tải việc đã khiến giáo viên không chú ý đến học sinh của mình, không hiểu và không đủ thân thiết để cảm nhận được đứa trẻ, gây nhiều vụ hiểu lầm – trách mắng oan ức. Cha mẹ thiếu quan tâm, cứ phó mặc cho nhà trường để rồi cuối cùng người lãnh hậu quả là con trẻ. Chúng bị cô độc giữa những người có trách nhiệm quan tâm mình và cuối cùng phải “tự xử” vì không ai giúp chúng…”

Anh Ph. (phụ huynh trường Nguyễn Văn Bé) bình luận: “Trẻ con bây giờ hư nhiều – đó là thực trạng. Thầy cô giáo họ cũng khổ tâm nhiều chứ không phải sướng đâu. Nhà có đứa con còn dạy không xong, nói chi đem vứt vào trường, mỗi lớp mấy chục đứa – thầy cô nào quản lý cho hết toàn diện? Tôi nghĩ chúng ta cần cải cách giáo dục từ trên cao xuống chứ không thể chỉ “đánh cò con” rồi giữ nguyên truyền thống nuôi dạy cũ kĩ này được. Khi mà mọi thứ phát triển, trẻ em thông minh hơn – đồng nghĩa với việc chúng cũng ranh ma hơn mà sách vở, bài giảng chỉ ở mức lý thuyết và lạc hậu thì rõ ràng là chúng ta thua ngay từ đầu rồi. Tôi nghĩ cả các em học sinh và thầy cô giáo đều là nạn nhân mới phải”.

Nguồn Kênh 14: http://kenh14.vn/hoc-duong/hang-loat-scandal-tu-tu-not-tram-cua-nha-giao-viet-20121229102353354.chn